Giáo viên cẩn trọng khi ghi nhận xét trong học bạ học sinh
Thông tin tại một trường trung học ở Thành phố Hồ Chí Minh khiến người đọc không khỏi giật mình, đó là việc thay học bạ cho 2 em học sinh lớp 12 trong tháng 6 vừa qua, theo đơn cứu xét của cha mẹ học sinh.
Nguyên nhân được cho là xuất phát từ lời phê vào học bạ của giáo viên chủ nhiệm không phù hợp với năng lực học sinh.
Hằng năm, vào thời điểm kết thúc học kỳ và cả năm, giáo viên tranh thủ hoàn tất hồ sơ, trong đó có ghi lời phê (lời nhận xét) vào học bạ của từng học sinh mình giảng dạy. Với giáo viên trung học phổ thông, cần cân nhắc lời phê trong học học bạ của học sinh, sao cho vừa đảm bảo đúng theo quy định chuyên môn vừa đúng với mục tiêu giáo dục; đồng thời là biểu hiện tình thương của nhà giáo đối với học sinh.
Lời phê của giáo viên chủ nhiệm làm 34 giáo viên khác phải ký lại học bạ
Theo đơn cứu xét của cha mẹ học sinh, nhà trường đã họp khẩn và thống nhất đi đến quyết định sao lại toàn bộ điểm số, kết quả học tập và rèn luyện trong 3 năm học của 2 em học sinh lớp 12 từ học bạ cũ sang học bạ mới. Nguyên nhân được cho là lời phê của giáo viên chủ nhiệm trong học bạ có thể tác động không tốt đến quá trình học tập của 2 học sinh sau này.
Hiệu trưởng nhận thấy cần phải thay đổi lời nhận xét sát với năng lực của học sinh để đảm bảo quyền lợi cho các em. Do đó, nhà trường đã thông báo tới 34 giáo viên bộ môn dạy từ lớp 10 đến lớp 12, liên hệ với trường để ký lại học bạ cho các em. Vì thế mới có chuyện xôn xao, đặt nghi vấn sửa học bạ cho học sinh.
Câu chuyện nhanh chóng lắng xuống nhưng dư âm vẫn còn dai dẳng, là bài học cho tất cả những nhà giáo trước khi đặt bút phê vào học bạ. Bởi việc nhận xét, đánh giá quá trình học tập của học sinh đòi hỏi sự cẩn trọng vì có tác động không nhỏ đến tương lai của các em.
Hiểu cơ bản, học bạ là một văn bản pháp lý, trong đó ghi nhận lại toàn bộ quá trình rèn luyện, học tập của học sinh trong 3 năm trung học. Đó là bằng chứng cho việc học sinh đã hoàn thành chương trình trung học, trong đó ghi nhận sự nỗ lực qua từng thời điểm, phản ánh đúng năng lực và phẩm chất của học sinh. Đó là một loại quan trọng trong hồ sơ xin việc làm hoặc du học ở nước ngoài. Đó còn là căn cứ để xét điều kiện dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thậm chí dùng để tuyển sinh vào các trường đại học.
Trong xu hướng tuyển sinh đại học bằng phương thức xét học bạ ngày càng đại trà như hiện nay, ngoài điểm số thì những nhận xét của giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm theo các chuyên gia giáo dục là rất quan trọng. Vì vậy, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định cách thực hiện nhận xét kết quả rèn luyện của học sinh hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh.
Lời nhận xét của giáo viên cần tổng hợp thông tin từ nhiều phía
Trong năm học trước, việc đánh giá xếp loại hạnh kiểm của học sinh lớp 12 còn theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT, đối với học sinh lớp 10 và 11 là theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT.
Từ năm học này, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai đến lớp 12 nên Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT sẽ thay thế hoàn toàn cho thông tư 58 về việc đánh giá xếp loại hạnh kiểm cho học sinh trung học phổ thông.
Theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, không còn cụm từ "đánh giá xếp loại hạnh kiểm" mà được thay thế bằng "đánh giá kết quả rèn luyện".
Trong đó, tại khoản 4 Điều 4, Thông tư yêu cầu nhận xét, đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh là "Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học sinh; không so sánh học sinh với nhau."
Và, tại Điều 8, cơ sở để giáo viên nhận xét, đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh là Yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của môn học được quy định trong Chương trình tổng thể và Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù được quy định trong Chương trình môn học.
Cụ thể, tại mục b khoản 1 Điều 8 quy định, giáo viên bộ môn nhận xét kết quả rèn luyện của học sinh (sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế) trong suốt quá trình rèn luyện và học tập môn học.
Còn tại mục c khoản 1 Điều 8, với giáo viên chủ nhiệm phải theo dõi quá trình rèn luyện và học tập của học sinh; có tham khảo thông tin từ nhiều nguồn như: nhận xét, đánh giá của giáo viên môn học, thông tin phản hồi của cha mẹ học sinh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình giáo dục học sinh; hướng dẫn học sinh tự nhận xét. Trên cơ sở đó, giáo viên nhận xét, đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh.
Có thể nói, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn khá rõ cho giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm cách nhận xét, đánh giá quá trình rèn luyện của học sinh, tránh những lời phê vô cảm, hời hợt vì dù sao thì các em vẫn đang ở độ tuổi tích lũy kinh nghiệm sống. Quyết định cuối cùng trong từng nét chữ lời phê là tình thương của của một nhà giáo, một người đi trước có nhiều kinh nghiệm sống đối với học sinh và thế trẻ sau.
Lời nhận xét kết quả rèn luyện vừa là trách nhiệm vừa là tình thương
Không phải cuối kỳ, cuối năm học, giáo viên mới nhận xét ưu điểm, hạn chế, sự tiến bộ của học sinh mà công việc này được thực hiện thường xuyên bằng lời nói trong các tiết dạy, lời phê trong các bài kiểm tra, hay qua trao đổi với cha mẹ học sinh.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng lời nhận xét của giáo viên chỉ là hình thức, không có nhiều tác dụng, bởi đa số vẫn dựa vào điểm số để suy ra hoặc qua loa. Đó là hệ quả của thực tế giáo viên không thể đủ thời gian để nhận xét sát năng lực của từng học sinh.
Nhưng dù sao, đây cũng là nhiệm vụ phải làm và làm một cách có trách nhiệm, bởi:
Thứ nhất, mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cho học sinh. Mỗi cá thể đều có điểm mạnh ở môn học này, chưa mạnh ở môn học kia, nhưng không vì thế mà nhận xét cảm tính, chủ quan. Hơn thế nữa, thực tế ở bậc trung học phổ thông đã có xu hướng chọn tổ hợp xét tuyển đại học. Nên nếu không phải là môn ưu thế của học sinh thì giáo viên bộ môn cũng chỉ nhận xét làm sao để không gây thiệt thòi cho các em.
Thứ hai, Chương trình Giáo dục phổ thông giúp học sinh làm chủ kiến thức cơ bản, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và quan trong hơn là "biết tự học suốt đời". Như vậy, học sinh học xong Chương trình Giáo dục phổ thông chưa phải là kết thúc sự học. Vì thế, lời phê của giáo viên là động lực cho các em tiếp tục sự học và phát triển ở cấp cao hơn.
Bên cạnh đó, các môn Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp quy định đánh giá bằng nhận xét; các môn còn lại được đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số.
Điều đó cho thấy quan điểm của Thông tư, dù là môn học nào thì giáo viên cũng phải ghi lời nhận xét. Cho nên lời nhận xét thuyết phục người đọc phải vừa khoa học (có căn cứ vào Yêu cầu cần đạt của Chương trình) vừa nghệ thuật (lời khuyến nghị, động viên); không còn kiểu cảm tính, phiến diện, kể cả với môn Ngữ văn như trước đây.
Dạy học Chương trình mới, kiểm tra – đánh giá theo yêu cầu cần đạt, thì lời nhận xét của giáo viên nên dưạ̣ vào Yêu cầu cần đạt của chương trình, giúp học sinh tự nhận ra mức độ đạt hay chưa đạt, từ đó có động lực để phấn đấu và khắc phục những nội dung chưa đạt.
Lời nhận xét có cơ sở khoa học là căn cứ để giáo viên điều chỉnh hoạt động dạy học của mình, đồng thời là dữ liệu tham khảo để nhà trường điều chỉnh các hoạt động giáo dục và nhu cầu của học sinh.