Nên hay không nên giao bài tập cho học sinh dịp nghỉ Tết?

Theo GS.TS Trần Văn Nam, giáo viên nên thay bài tập Tết bằng nhiệm vụ học tập ý nghĩa, gắn với phong tục, văn hóa Tết và nội dung học sinh đã học.

Ngày Tết cận kề, nhiều phụ huynh bận rộn trong guồng quay những ngày cuối năm. Còn học sinh cũng mong sẽ được nghỉ ngơi và chơi Tết vui vẻ, đặc biệt không áp lực bài tập.

Trên nhiều diễn đàn, vấn đề nên hay không nên giao bài tập Tết cho học sinh nhận được nhiều ý kiến khác nhau của phụ huynh. Một bên cho rằng, học sinh nên được tận hưởng kỳ nghỉ Tết trọn vẹn bên gia đình sau một năm học tập vất vả. Trong khi đó, một số phụ huynh khác nhấn mạnh, kỳ nghỉ kéo dài sẽ có thể khiến học sinh lãng quên kiến thức nếu không được giao bài tập và ôn luyện trong thời gian nghỉ.

Giáo viên nên cân đối bài tập tùy vào từng cấp học, tránh tạo áp lực cho học sinh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nam - nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhận định, việc giao bài tập Tết là cần thiết, nhưng cần được thực hiện một cách hợp lý, khoa học và sáng tạo giúp vừa đảm bảo mục tiêu giáo dục, vừa tôn trọng thời gian nghỉ ngơi của học sinh.

 Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nam - nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: Website nhà trường)

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nam - nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: Website nhà trường)

Theo thầy Nam, kỳ nghỉ Tết ở Việt Nam thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Đây là khoảng thời gian lý tưởng để học sinh và gia đình sum họp, thư giãn sau một học kỳ học tập căng thẳng. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian nghỉ dài, học sinh sẽ quên kiến thức, đặc biệt là những môn học cần duy trì sự liên tục như Toán, Văn và Ngoại ngữ nếu không có bất kỳ bài tập ôn luyện. Do đó, khi quay trở lại trường sau kỳ nghỉ, học sinh thường mất một khoảng thời gian để lấy lại nhịp học, thậm chí có thể gặp khó khăn trong việc tiếp thu bài mới.

“Theo tôi, thầy cô nên giao bài tập Tết cho học sinh một cách hợp lý giúp các em duy trì thói quen học tập và không bị mất đi nền tảng kiến thức. Thực tế, nhiều quốc gia phát triển cũng áp dụng các hình thức bài tập trong kỳ nghỉ với mục tiêu tương tự, giúp học sinh không quên bài và chuẩn bị tốt hơn khi trở lại trường.

Tuy nhiên, số lượng và hình thức bài tập cần được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh gây áp lực cho học sinh. Thay vì giao hàng loạt bài tập lý thuyết, giáo viên có thể chọn những dạng bài tập mang tính ứng dụng và sáng tạo. Đơn cử đối với môn Ngữ Văn, giáo viên có thể giao viết một bài văn ngắn về những hoạt động trải nghiệm trong dịp Tết Nguyên đán 2025 hoặc cảm nghĩ về ngày Tết bên gia đình và thăm hỏi những người thân yêu. Những bài tập này không chỉ giúp học sinh phát triển kỹ năng quan sát và tư duy mà còn khuyến khích các em gắn bó hơn với các giá trị văn hóa truyền thống.

Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất là đảm bảo sự hài hòa, tức là giáo viên cần cân đối khối lượng, độ khó của bài tập ở mức độ vừa phải, phù hợp với từng cấp học, gắn với thực tế và tránh làm ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi, vui chơi của học sinh”, thầy Nam nêu quan điểm.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nhận định, việc giao bài tập Tết cho học sinh là một vấn đề phải cân nhắc kỹ lưỡng và cần chia thành từng cấp học cụ thể. Trong bối cảnh hiện nay, khi học sinh đang phải đối mặt với nhiều áp lực học tập trong suốt cả năm học, kỳ nghỉ Tết có thể là thời gian quý giá để các em nghỉ ngơi, thư giãn. Đặc biệt, các em có thể dành nhiều thời gian để kết nối với gia đình, họ hàng và cộng đồng, từ đó có thêm trải nghiệm thực tế.

 Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). (Ảnh: Nguyên Phương)

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). (Ảnh: Nguyên Phương)

Theo thầy Lâm, với học sinh cấp trung học phổ thông, các em đã có sự trưởng thành nhất định và có khả năng tự điều chỉnh việc học của mình. Do đó, học sinh hoàn toàn có thể tự học, tự ôn lại kiến thức mà không cần sự can thiệp quá nhiều từ bài tập. Vì vậy, giáo viên nên giao cho học sinh các dạng bài tập mang tính chất ôn luyện nhẹ nhàng, giúp các em củng cố lại kiến thức đã học. Ngoài ra, một số học sinh còn tận dụng kỳ nghỉ để tham gia vào các hoạt động xã hội giúp các em học hỏi thêm những kỹ năng sống cần thiết.

Còn đối với học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở, kỳ nghỉ Tết là thời gian để các em được nghỉ ngơi, vui chơi cùng gia đình và họ hàng. Bởi, lứa tuổi này rất cần sự thư giãn sau một thời gian dài học tập và các em dễ bị áp lực nếu giáo viên giao quá nhiều bài tập. Ngoài ra, học sinh trong giai đoạn này còn thiếu nhiều kỹ năng mềm, do đó những trải nghiệm thực tế, hoạt động gia đình và cộng đồng là vô cùng cần thiết cho sự phát triển của học sinh. Các em có thể học được cách quan tâm, chia sẻ, hiếu thảo qua những chuyến thăm ông bà, thăm bà con làng xóm hoặc đơn giản là cùng gia đình tham gia các hoạt động truyền thống ngày tết.

“Tôi không phủ nhận tầm quan trọng của việc duy trì kiến thức cơ bản trong kỳ nghỉ Tết, nhưng điều cần thiết nhất là sự cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi. Nếu giáo viên và phụ huynh phối hợp khéo léo, học sinh vừa có thể tận hưởng kỳ nghỉ vui vẻ, vừa sẵn sàng cho kỳ học mới. Thay vì ép buộc bài tập quá nhiều, thầy cô cần chọn các hoạt động giáo dục nhẹ nhàng, phù hợp với từng lứa tuổi, giúp các em tái tạo năng lượng và tìm lại sự cân bằng. Kỳ nghỉ tết không nên chỉ là dịp ‘bù đắp’ kiến thức, mà còn là cơ hội để học sinh học hỏi từ cuộc sống, với mục tiêu mang lại một kỳ nghỉ ý nghĩa và trọn vẹn”, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nêu quan điểm.

Học sinh hoàn toàn có thể bắt nhịp với việc học sau Tết với Chương trình mới

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, giáo viên không nên giao bài tập Tết cho học sinh. Bởi, sau một thời gian học tập căng thẳng, học sinh cần có thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, đặc biệt là trong dịp Tết cổ truyền của người Việt Nam.

 Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nhân vật từng cung cấp)

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nhân vật từng cung cấp)

Thông thường, trong những ngày Tết, nhiều gia đình tổ chức đi du lịch hoặc về quê thăm họ hàng với mục đích nghỉ ngơi, gắn kết mối quan hệ. Do đó, nếu giáo viên giao quá nhiều bài tập có thể khiến học sinh khó dành thời gian trọn vẹn để vui chơi và tận hưởng kỳ nghỉ. Chưa kể, nếu khối lượng bài tập vừa nhiều vừa khó sẽ khiến các em cảm thấy áp lực, bồn chồn.

Theo thầy Dũng, trong bối cảnh giáo dục hiện nay, đặc biệt là theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc học của học sinh đã có sự thay đổi rất lớn. Trước đây, học sinh chủ yếu học theo hình thức tiếp thu kiến thức một chiều từ thầy cô và sách vở. Tuy nhiên, hiện nay, học sinh được khuyến khích học theo hướng phát triển năng lực, thông qua thảo luận, trao đổi và tìm hiểu các vấn đề thực tế. Do đó, việc học không còn quá nặng nề về lý thuyết, mà chủ yếu là học thông qua giải quyết vấn đề và chia sẻ ý tưởng trong lớp học. Vì vậy, các em sẽ thoải mái và có tinh thần phấn khởi hơn khi quay trở lại trường học nếu như được nghỉ trọn vẹn kỳ nghỉ Tết và không có nhiều bài tập.

“Tôi hiểu, nhiều phụ huynh có thể lo ngại sau kỳ nghỉ Tết, con em mình sẽ quên kiến thức hoặc không thể bắt kịp chương trình học. Tuy nhiên, theo tôi, với phương pháp học tập hiện nay, học sinh có thể dễ dàng ôn lại kiến thức qua các hoạt động trong lớp học mà không cần quá nhiều bài tập ở nhà. Hơn nữa, với chương trình học mới, học sinh không cần phải học ngày, học đêm như trước đây, thay vào đó là học theo năng lực và sự sáng tạo.

Do đó, một kỳ nghỉ Tết trọn vẹn sẽ giúp học sinh không chỉ nghỉ ngơi mà còn lấy lại sức khỏe và tinh thần để bước vào học kỳ mới đầy phấn khởi. Từ đó, học sinh học tập tốt hơn và có thể đạt kết quả học tập như mong muốn”, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ.

Cùng bàn về vấn đề này, nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh, mặc dù việc giao bài tập là cần thiết, nhưng giáo viên cần lưu ý một số điểm quan trọng để đảm bảo bài tập thực sự mang lại giá trị.

Thứ nhất, bài tập cần có mục tiêu rõ ràng và phù hợp với năng lực của học sinh. Nếu thầy cô giao bài tập quá khó hoặc quá nhiều có thể gây áp lực, làm mất đi ý nghĩa của kỳ nghỉ Tết.

Thứ hai, tùy vào cấp học mà giáo viên nên tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn bài tập phù hợp với bản thân. Đơn cử học sinh cấp tiểu học có thể lựa chọn làm bài tập dưới dạng hình thức như viết, vẽ tranh hoặc quay video ghi lại hoạt động có trong dịp tết của gia đình mình. Từ đó, các em cảm thấy hào hứng hơn trong quá trình hoàn thành bài tập.

Thứ ba, gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ học sinh thực hiện bài tập. Phụ huynh có thể cùng con tham gia các hoạt động học tập nhẹ nhàng, đồng thời hướng dẫn các em biết cách quản lý thời gian sao cho cân bằng giữa học tập và vui chơi. Còn đối với học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp hay chuyển cấp, giáo viên cần có một lộ trình hướng dẫn cụ thể để cân đối giữa việc học và việc vui chơi. Bởi, việc học là cả một quá trình rèn luyện và phấn đấu, do đó, học sinh cần được nghỉ ngơi để lấy lại năng lượng và có động lực học tập sau năm mới. Nếu giáo viên giao quá nhiều bài tập khó cho học sinh trước khi nghỉ tết, các em sẽ khó có thể dành thời gian ăn tết cùng gia đình, chưa kể đối với các em có quê nội, quê ngoại cách xa nhau, vô hình chung sẽ tạo áp lực lên học sinh.

“Do đó, giáo viên và phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, vừa giúp các em có một kỳ nghỉ tết ý nghĩa, vừa chuẩn bị tốt cho việc học tập sau kỳ nghỉ.

Bởi Tết không chỉ là thời gian để nghỉ ngơi, mà còn là dịp để học sinh kết nối với gia đình, văn hóa và cộng đồng. Nếu bài tập Tết được thiết kế sáng tạo và hợp lý, nó có thể trở thành một phần thú vị trong kỳ nghỉ, giúp học sinh vừa học vừa chơi, đặc biệt là trưởng thành hơn trong nhận thức và kỹ năng sống”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nam bày tỏ.

Thu Thủy

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nen-hay-khong-nen-giao-bai-tap-cho-hoc-sinh-dip-nghi-tet-post248299.gd