Giáo viên chia sẻ về đề Ngữ văn trong kỳ thi chọn HSG quốc gia năm học 2024-2025
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2024-2025 đã được tổ chức từ ngày 24 - 26/12.
Kỳ thi gồm 13 môn thi: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nhật. Cả nước đã có 6.482 thí sinh đăng ký dự thi.
Sau khi kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2024-2025 kết thúc, đề thi Ngữ văn đã có nhiều ý kiến tranh luận.
Cô giáo Dương Thị Thanh Huyền, giáo viên Ngữ văn, Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2024-2025 quen thuộc của Chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Đề có sức gợi mở, tính phân hóa cao đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa với xã hội và nghệ thuật, phù hợp với tính chất của kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn xưa nay.
Câu 1, đề thi dẫn một diễn ngôn về trái đất của nhà khoa học người Anh James Lovelock đề cập đến một vấn đề khá thú vị "Lắng nghe sự thinh lặng".
Với câu này, thí sinh cần kết hợp kỹ năng làm bài nghị luận xã hội và những kiến thức tích lũy được mới có thể làm tốt; không chỉ cần nắm vững kĩ năng viết bài mà còn thực sự phải có vốn sống phong phú, sự tinh tế, sâu sắc trong quan sát, suy nghĩ “trạng thái nội tâm” trong quá trình khai thác một khía cạnh độc đáo trong tâm hồn và sự trải nghiệm sâu sắc của bản thân về cuộc sống.
Ở câu 2, đề thi trích dẫn diễn từ của nhà văn Albert Camus về hành trình "tôi luyện" của người nghệ sĩ, mối quan hệ giữa người nghệ sĩ với cuộc sống và trách nhiệm của họ với cộng đồng, với thời đại trong hành trình sáng tạo nghệ thuật.
Đây là một chủ đề mang tính thời sự và giàu tính nhân văn, giúp học sinh có khả năng tư duy về vai trò của cái đẹp và sự sáng tạo trong văn chương. Thí sinh thuận lợi thể hiện năng lực, tư duy văn chương.
Tuy nhiên, lời phát biểu khá trừu tượng, học sinh cần tường minh câu chữ để làm rõ vấn đề nghị luận kết hợp với trải nghiệm văn học của mình để làm sáng tỏ vấn đề. Đây sẽ là một thử thách lớn đối với học sinh tham gia kỳ thi.
Là một cán bộ quản lý và là giáo viên đang trực tiếp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, tôi vẫn chờ đợi và kỳ vọng về một đề thi học sinh giỏi quốc gia thật giản dị, thật gần gũi, nhưng đủ độ sâu sắc, có sự đột phá, mới mẻ, phát huy tính sáng tạo của học sinh”.
Cô giáo Đỗ Thị Thúy Dương - giáo viên Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ: “Kì vọng đổi mới đề thi học sinh giỏi quốc gia thường không nằm ở câu nghị luận xã hội, nên đề thi năm nay cũng không bất ngờ.
Nội dung được quan tâm trong câu nghị luận xã hội là vấn đề bàn luận và yêu cầu bàn luận. Xét lệnh "Từ văn bản trên, anh/ chị hãy viết một bài văn nghị luận về chủ đề: Lắng nghe sự thinh lặng." có thể xếp tạm vào dạng: Từ ngữ liệu, bàn về vấn đề cụ thể cho sẵn.
Vậy muốn trình bày trúng "Lắng nghe sự thinh lặng", giải nghĩa nội hàm, phạm vi "Lắng nghe", "thinh lặng", thí sinh cần hiểu được văn bản mới có thể làm tốt bài được.
Nhìn nhận tổng quát, toàn bộ ngữ liệu thể hiện quan niệm về trái đất – không phải cái gì xa lạ bất tử hay thực thể đơn điệu mà gần gũi, dễ bị tổn thương, là một thực thể phong phú, sống động với dòng mạch sự sống lưu chuyển âm thầm bên trong; nếu chỉ nhìn một cách hời hợt, nếu vô tình hờ hững sẽ không bao giờ con người thấy được đời sống vô hình, sự kết nối chặt chẽ của trái đất với sự sống của chính chúng ta, có thể nói ngữ liệu rất thời sự.
Kì vọng đổi mới đề thi thường dồn vào Nghị luận văn học, câu 2 trong đề thi năm nay. Nhiều đồn đoán, như xu hướng được ưa thích trong rất nhiều đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh gần đây cho rằng sẽ ra vào văn bản mới.
Tôi cho rằng kiểm tra vào văn bản mới có lẽ tồn tại những ưu điểm và rủi ro buộc phải cân nhắc nên nhiều năm nay vẫn chưa ra vào văn bản mới.
Thứ nhất, giới hạn của đề thi trong 2 trang khiến văn bản mới – nếu muốn trích toàn vẹn chỉ có thể là thơ hoặc truyện cực ngắn (nếu muốn trích thể loại khác sẽ phải tóm lược, mà tóm lược thì đã bị thiên kiến và mất đi tính toàn vẹn. Điều này khó phù hợp với lĩnh vực học sinh giỏi).
Thứ hai, giả sử trích dẫn toàn văn thơ và truyện cực ngắn thì sự lựa chọn văn bản là của người ra đề, không phải của học sinh. Đây bản chất cũng là một sự áp đặt.
Thứ ba, ra vào một văn bản học sinh chưa từng biết với giới hạn về hiểu biết và giới hạn về dung lượng đề thi tạo vòng kim cô trói buộc vấn đề lí luận (chẳng hạn rất khó ra tiếp nhận văn học với một văn bản hoàn toàn mới, không có lịch sử vấn đề).
Còn với “trải nghiệm văn học”, nhiều người nghi ngại học sinh sẽ chủ động hệ thống hóa trước các văn bản mà các em thích và có khả năng diễn giải, hàm lượng học tủ sẽ cao.
Tuy nhiên, tôi cho rằng đi học tất nhiên các em phải có vốn kiến thức (kiến văn) nhưng để áp dụng vốn kiến thức – tĩnh vào đề thi động không đơn giản. Các em cần hiểu yêu cầu, hiểu vấn đề mới phân tích có định hướng. Kiểu đề ra như năm nay vẫn hoàn toàn phân loại được học sinh”.