Giáo viên chưa tiêm vaccine nhưng khỏe mạnh vẫn được phép dạy trực tiếp

Đây là một trong những nội dung các trường cần lưu ý khi tổ chức cho học sinh đến trường học trực tiếp trong giai đoạn hiện nay, nhất là thời điểm các trường mầm non phổ biến tình trạng thiếu giáo viên.

Hầu hết trường/cơ sở mầm non đã sẵn sàng đón học sinh trở lại vào sáng mai (13/4)

Hầu hết trường/cơ sở mầm non đã sẵn sàng đón học sinh trở lại vào sáng mai (13/4)

Sáng 13/4, gần 540.000 học sinh cấp mầm non trên địa bàn toàn TP sẽ được đến trường học trực tiếp sau thời gian dài nghỉ tại nhà. Bên cạnh việc hoàn tất các công tác chuẩn bị (cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, phương án, kế hoạch…) để đón học sinh đến trường an toàn thì những vấn đề liên quan công tác phòng chống dịch Covid-19, giáo viên chưa tiêm/chưa tiêm đủ vaccine, tình huống xử lý F0 trong trường học… được các cơ sở đặc biệt quan tâm.

Cô- trò mầm non sắp được gặp lại nhau sau thời gian dài xa cách (ảnh minh họa)

Cô- trò mầm non sắp được gặp lại nhau sau thời gian dài xa cách (ảnh minh họa)

Đại diện phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng nêu câu hỏi: Tại Phụ lục 3- Tiêu chí đánh giá mức độ an toàn thuộc Hướng dẫn liên ngành số 489/HDLN-SGDĐT-SYT ngày 28/02/2022 về công tác phòng, chống dịch đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid- 19 khi học sinh trở lại trường học có Tiêu chí 8 “100% cán bộ, giáo viên, nhân viên phải tiêm đủ 2 mũi vaccine”. Đồng nghĩa, giáo viên chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine không được đến trường dạy trực tiếp. Trong bối cảnh thiếu giáo viên mầm non trầm trọng, toàn huyện có 18 giáo viên mới tiêm mũi 1 và 1 giáo viên chưa tiêm (do có chỉ định của bác sỹ) thì có được đứng lớp hay không?

Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng - Khoa học Công nghệ (Sở GD&ĐT) Hoàng Hữu Trung cho biết, theo phương châm thích ứng, linh hoạt, hiệu quả, an toàn, Sở GD&ĐT đã trao đổi phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế), qua đó có điều chỉnh như sau: Nếu giáo viên chưa tiêm vaccine mà thời điểm hiện tại sức khỏe bình thường, không có triệu chứng mắc Covid- 19 thì vẫn được phép đi dạy bình thường. Tuy nhiên, nhà trường cần nhắc nhở các trường hợp này đặc biệt nâng cao tinh thần cảnh giác, nếu có biểu hiện bất thường (sốt, ho, khó thở, khản tiếng…) phải test ngay và tự giác báo cáo tình trạng để nhà trường có phương án thay người khi cần thiết.

Theo quy định trước đó, lớp học nào phát hiện có F0 sẽ cho toàn bộ lớp cách ly 7 ngày còn phù hợp? Ông Hoàng Hữu Trung nêu rõ: Sở GD&ĐT đã báo cáo Sở Y tế và điều chỉnh phương án xử lý; đó là thay vì áp dụng theo trang 11 của Văn bản 289 thì sẽ vận dụng quy định tại trang 9 của văn bản này (học sinh mầm non và học sinh phổ thông chung phương án xử lý).

Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT) Hà Nội Hoàng Thanh Hương cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại các Phòng GD&ĐT chủ động chỉ đạo các cơ sở GDMN đã khắc phục rất nhiều khó khăn để chuẩn bị các điều kiện đón trẻ mầm non đi học. Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở GDMN cần nắm vững và thực hiện tốt 2 văn bản: Hướng dẫn liên ngành số 489/HDLN-SGDĐT-SYT ngày 28/02/2022 và Phụ lục Hướng dẫn bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ em tại cơ sở GDMN kèm theo Công văn số 118/SGDĐT-GDMN ngày 17/1/2022.

Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, toàn ngành có gần 242.000 ca F0 đang điều trị tại các cơ sở y tế và tại nhà; trong đó cấp học mầm non có trên 21.000 ca F0 (giáo viên là trên 8.300 ca, học sinh xấp xỉ 13.000 ca). Dù tình hình dịch Covd -19 trên địa bàn TP đã thuyên giảm nhưng trước những diễn biến khó lường của các biến thể mới, ngành GD&ĐT xác định, công tác phòng chống dịch Covid- 19 vẫn là vấn đề được quan tâm hàng đầu khi triển khai đưa trẻ đến trường.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giao-vien-chua-tiem-vaccine-nhung-khoe-manh-van-duoc-phep-day-truc-tiep.html