Giáo viên có đôi điều góp ý về dự thảo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học

Bài viết cùng bàn thêm về dự thảo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có dự thảo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT.

Trong phạm vi bài viết này, người viết là giáo viên bậc trung học phổ thông xin có đôi điều cùng bàn thêm về dự thảo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học.

 Ảnh minh họa: Ngọc Mai/ giaoduc.net.vn.

Ảnh minh họa: Ngọc Mai/ giaoduc.net.vn.

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau: “1. Cơ sở đào tạo quyết định một hoặc một số phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển), áp dụng chung cho cả cơ sở đào tạo hoặc áp dụng riêng cho một số chương trình, ngành, nhóm ngành và hình thức đào tạo.

Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số phương thức tuyển sinh."

Người viết nhận thấy, vào thời điểm cuối tháng 4/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 1957/BGDĐT-GDĐH về việc hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non. Theo đó, 20 phương thức xét tuyển đại học năm 2024 [1].

Tuy nhiên, thực tiễn tuyển sinh thời gian qua cho thấy, nhiều trường đại học sử dụng rất nhiều phương thức xét tuyển, vừa gây rối cho thí sinh, vừa không công bằng.

Vì vậy, người viết rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xem xét giảm bớt một số phương thức tuyển sinh chưa hiệu quả. Điều này giúp các cơ sở giáo dục tăng chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, góp phần tạo sự công bằng hơn cho các thí sinh.

Thứ hai, "đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (bao gồm điểm tổng kết các môn học cấp trung học phổ thông, điểm thi các môn tốt nghiệp trung học phổ thông, các chứng chỉ ngoại ngữ và các kết quả đánh giá khác):

a) Tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm.

Người viết băn khoăn với quy định phải có môn Toán hoặc Ngữ văn trong tổ hợp xét tuyển đại học. Bởi vì, bản chất của tổ hợp xét tuyển đại học khác với 36 cách chọn môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 - đều có môn Toán và Ngữ văn.

Việc đưa ra những tổ hợp xét tuyển như thế nào, thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo nên để cho các cơ sở giáo dục quyết định sao cho phù hợp với chương trình đào tạo của từng ngành học, không nên áp có môn Toán hoặc Ngữ văn.

Ví dụ, đối với ngành Sư phạm Lịch sử, trường đại học có thể thiết kế tổ hợp môn truyền thống: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí. Nhưng cũng có thể thiết kế một số tổ hợp khác như: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật hay Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ;...

Thứ ba, người viết rất đồng tình với quy định: "c) Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp trung học phổ thông để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh.”

Thời gian qua, nhiều trường đại học chỉ lấy kết quả 5 học kì (năm lớp 10, 11 và kì 1 lớp 12) để xét tuyển vào đại học khiến học sinh sao nhãng học tập ở học kì 2 lớp 12.

Thứ tư, bãi bỏ khoản 2 và sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 như sau: “1. Ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề cho các phương thức tuyển sinh đào tạo:

a) Kết quả học tập trong cả 3 cấp trung học phổ thông xếp mức Tốt trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông từ 8,0 trở lên, trừ các trường hợp quy định tại điểm b khoản này;"

Là giáo viên bậc trung học phổ thông, người viết e rằng quy định ở điểm a của dự thảo có vẻ như chưa thực sự hợp tình hợp lí.

Lý do, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định đánh giá kết quả học tập của học sinh như sau:

"a) Mức Tốt:

- Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt.

- Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn học kì, điểm trung bình môn cả năm từ 6,5 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 06 môn học có điểm trung bình môn học kì, điểm trung bình môn cả nămđạt từ 8,0 điểm trở lên."

Có thể nhận thấy, học sinh được đánh giá mức Tốt theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT là rất khó. Cho nên, quy định ở điểm a của dự thảo khiến nhiều học sinh giỏi từ 1-5 môn sẽ bị mất cơ hội khi xét tuyển vào đại học, cụ thể là xét vào ngành sư phạm.

Người viết lấy ví dụ, thí sinh xét tuyển vào ngành Sư phạm Toán thì chỉ cần 3 môn, chẳng hạn: Toán, Vật lí, Hóa học đạt từ 8.0 điểm là được, không cần phải có 6 môn đạt từ 8.0 điểm.

Ngoài ra, thí sinh xét tuyển vào ngành sư phạm cần thêm một số tiêu chí phụ như: ngoại hình (không thấp quá), giọng nói (dễ nghe), khả năng diễn đạt,...

Thứ năm, người viết rất tâm đắc với quy định, đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến siết việc xét tuyển theo phương thức lấy điểm học bạ trung học phổ thông.

Cụ thể, “1. Cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội.

Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung."

Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh theo phương thức xét điểm học bạ trung học phổ thông với tỷ lệ cao.

Tuy vậy, quan điểm cá nhân người viết cho rằng, khi việc xét tuyển theo phương thức lấy điểm học bạ trung học phổ thông còn thiếu độ tin cậy thì nên hạn chế tuyển sinh bằng phương thức này để đảm bảo chất lượng đầu vào và tạo sự công bằng cho các thí sinh.

Được biết, cho đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố sẽ không sử dụng phương thức xét tuyển học bạ trung học phổ thông từ năm 2025.

Bên cạnh đó nhiều trường cắt giảm mạnh chỉ tiêu cho phương thức này hoặc chỉ là điều kiện sơ tuyển.

Bạn đọc có thể xem toàn văn dự thảo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non tại đây.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/chinh-sach-moi/63179/20-phuong-thuc-xet-tuyen-dai-hoc-nam-2024

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Luat-Giao-duc-dai-hoc-sua-doi-388254.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-vien-co-doi-dieu-gop-y-ve-du-thao-quy-che-tuyen-sinh-trinh-do-dai-hoc-post247288.gd