Giáo viên cốt cán không có chế độ, giáo viên tập huấn hộ tranh thủ kiếm tiền
Để việc bồi dưỡng đi vào thực chất, mỗi nhà giáo cần xác định mục tiêu của việc tự học, tự bồi dưỡng.
Để chuẩn bị cho việc triển khai dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán phổ thông.
Điểm khác biệt của các đợt tập huấn lần này so với những lần tập huấn thay sách giáo khoa trước đây là kết hợp tập huấn trực tuyến và trực tiếp, chú trọng vào các kĩ năng thực hành cho người được tập huấn.
Hiện nay trong kế hoạch bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên mỗi cấp học có tất cả 9 modul bồi dưỡng thực hiện (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông).
Đến thời điểm này, các trường đại học sư phạm, học viện được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao bồi dưỡng đã thực hiện bồi dưỡng xong modul 3 (“Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực”) cho giáo viên phổ thông cốt cán và đang triển khai bồi dưỡng cho giáo viên đại trà.
Là người được tham gia các đợt tập huấn giáo viên cốt cán, tôi cho rằng các trường đại học đã triển khai rất nghiêm túc và hiệu quả các nội dung tập huấn, giúp học viên có thể tự tin truyền đạt lại những nội dung cơ bản của từng modul trong việc hỗ trợ đồng nghiệp khi triển khai tập huấn đại trà.
Tuy nhiên khi về triển khai tại địa phương đã nảy sinh một số trở ngại trong việc hỗ trợ đồng nghiệp là giáo viên đại trà.
Trước khi tập huấn trực tiếp, giáo viên các trường phải trải qua quá trình tập huấn trực tuyến.
Nội dung chương trình tập huấn giữa các môn học trong cùng một cấp học (trung học cơ sở, trung học phổ thông) cơ bản là giống nhau, chỉ khác ở bài thu hoạch cuối khóa học.
Phần đông các thầy cô giáo tự vào tài khoản của mình để học nhưng vẫn có không ít giáo viên vì không thành thạo công nghệ thông tin (hoặc vì lý do nào đó) nên nhờ người khác học hộ.
Chính vì nguyên nhân này nên xuất hiện một dịch vụ mới trong ngành giáo dục đó là dịch vụ học hộ.
Tuy là một giáo viên tiểu học nhưng cứ mỗi đợt học modul cô N.T.T.L. (đề nghị không nêu tên) luôn bận rộn với công việc học hộ của mình.
Những người nhờ cô học hộ phần lớn là giáo viên lớn tuổi, giáo viên không thông thạo máy tính cấp tiểu học và một số giáo viên của cấp trung học cơ sở.
Ban đầu cô chỉ nhận làm giúp cho một số đồng nghiệp cùng trường, sau thấy nhu cầu của không ít giáo viên nên cô nhận học hộ mỗi modul của một giáo viên với số tiền là 200.000 đồng. Trung bình mỗi đợt học modul, cô nhận học hộ khoảng 20 người.
Cũng theo cô L. vì số lượng giáo viên đăng ký học hộ nhiều nên cô đã phải san sẻ và nhờ các đồng nghiệp khác hỗ trợ.
Về phần giáo viên phổ thông cốt cán, khi hỗ trợ đồng nghiệp và chấm bài họ rất vất vả nhưng không được hưởng các chế độ. Trung bình mỗi giáo viên cốt cán phải chấm khoảng 20 bài kế hoạch cuối khóa.
Họ phải đọc, hướng dẫn đồng nghiệp hoàn thành các nội dung của modul, đôi khi còn chịu sự chỉ trích, khó chịu của đồng nghiệp khi họ chấm các bài thu hoạch không đạt và chỉ ra những tồn tại của giáo viên trong bài thu hoạch.
Vì vậy để an toàn, nhiều giáo viên cốt cán thường chấm điểm cho các đồng nghiệp thật cao, qua loa để mọi người không có sự so đo, ý kiến.
Các modul bồi dưỡng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cho giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2021 nhằm hỗ trợ giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông triển khai thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời của mỗi giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục phổ thông trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Do đó để việc bồi dưỡng đi vào thực chất, mỗi nhà giáo cần xác định mục tiêu của việc tự học, tự bồi dưỡng.
Các đơn vị trường học cần nghiêm túc khi tổ chức tập huấn các modul, tránh làm qua loa, đại khái.
Về phần giáo viên cốt cán, chúng tôi kiến nghị chương trình ETEP (Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông) nên có chế độ bồi dưỡng cho giáo viên khi chấm bài của đồng nghiệp.
Việc tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên trong thời gian qua là cơ sở quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà giáo khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Vì vậy nếu thực hiện không nghiêm túc sẽ là lực cản trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực.