Giáo viên đặc biệt, học trò đặc biệt

Dạy một học sinh (HS) bình thường đã khó, làm nghề 'đưa đò' với những HS khuyết tật lại khó khăn gấp nhiều lần. Để trở thành người thầy, người cô của những đứa trẻ kém may mắn phải có một trái tim yêu thương và một tâm hồn bao dung. Với những giáo viên đặc biệt này, mỗi đứa trẻ ở đây đều là một bông hoa nhỏ cần được nâng niu và chăm sóc để nở rộ.

Hạnh phúc đơn giản

Hơn 28 năm trong nghề dạy học cũng là từng ấy thời gian cô Lục Thị Lan Uyên gắn bó với HS khuyết tật. Hiện cô là giáo viên chủ nhiệm lớp 5/1 - dạng nghe, nói của Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Long An.

Nhớ lại những ngày đầu khi mới bước vào nghề, cô Uyên không khỏi lo lắng, hồi hộp nhưng với trách nhiệm và tình yêu thương, cô luôn nỗ lực dìu dắt những trẻ kém may mắn vươn lên trong cuộc sống.

Cô Lục Thị Lan Uyên (chủ nhiệm lớp 5/1, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh) dùng ký hiệu ngôn ngữ để hướng dẫn các em học sinh hiểu bài

Cô Lục Thị Lan Uyên (chủ nhiệm lớp 5/1, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh) dùng ký hiệu ngôn ngữ để hướng dẫn các em học sinh hiểu bài

Giảng dạy cho trẻ khuyết tật không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà còn cần sự kiên trì và lòng yêu thương vô bờ bến. Cô Uyên luôn phải tìm cách vượt qua rào cản ngôn ngữ và thích ứng với từng cá nhân để giúp các em hiểu bài và tiến bộ.

“Đối với các em khiếm thính nhẹ, tôi ưu tiên dạy theo hình thức nghe, nói. Các em khiếm thính nặng, tôi dạy theo ngôn ngữ hình môi, ký hiệu ngôn ngữ” - cô Uyên chia sẻ.

Đối với từng trẻ, cô chú ý quan sát để nắm bắt tính cách, từ đó linh hoạt tiếp xúc với trẻ. Kể cả những ký hiệu ngôn ngữ khiếm thính, trước đây, cô Uyên chỉ học qua sách vở nhưng đến lúc tiếp xúc thực tế mới thấy khó khăn hơn nhiều. Vì thế, ngoài học từ sách vở, học hỏi kinh nghiệm của giáo viên khác, cô còn học từ chính trẻ khiếm thính.

Cô Uyên luôn tâm niệm rằng, điều quan trọng nhất là giúp các em xóa bỏ mặc cảm, tự tin thể hiện bản thân. Cô chủ động, không ngừng tìm tòi những phương pháp mới để tạo ra môi trường học tập vui vẻ, thân thiện, từ đó từng bước hướng dẫn các em những kỹ năng nhỏ, giúp các em khám phá và phát triển khả năng tiềm ẩn của mình.

Cô nguyện với chính mình rằng, học trò, đặc biệt là trẻ khiếm khuyết cần rất nhiều tình cảm nơi cô và cô cũng cố gắng để hiểu các em nhiều hơn. “Để giúp các em HS khuyết tật phát triển toàn diện, không chỉ có sự quan tâm của nhà trường mà còn cần sự đồng hành của gia đình.

Tôi dành thời gian lắng nghe, chia sẻ và hỗ trợ phụ huynh, cùng nhau tạo ra một môi trường tốt nhất để các em được nuôi dưỡng và phát triển. Bởi lẽ không ai khác, chính cha mẹ các em là người nặng lòng nhất khi con mình kém may mắn” - cô Uyên trải lòng.

Kiên nhẫn, yêu thương

Từ một người làm công tác văn thư tại trường rồi chính tình yêu với các em khuyết tật, cô giáo Lê Thị Lệ Khánh quyết định đăng ký học chuyên ngành Giáo dục đặc biệt tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM để bắt đầu hành trình đưa những “chuyến đò” đặc biệt.

Hiện cô là giáo viên chủ nhiệm lớp 1C - dạng trí tuệ của Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh. Khi hỏi về kỷ niệm khó quên, cô Khánh chia sẻ: “Có lần đọc bài văn của một HS tả về mình, tôi rơi nước mắt. Biết được em ấy thiếu thốn tình yêu thương của mẹ từ nhỏ nên tôi thường xuyên quan tâm, động viên, chăm sóc em, xem em như đứa con của mình, chính vì vậy mà em rất thương tôi. Đó là giây phút tôi cảm thấy hạnh phúc nhất vì biết mình đã có một vị trí trong lòng các con nên cố gắng bao nhiêu cũng không mệt mỏi”.

Giống như một người mẹ, cô giáo Lê Thị Lệ Khánh (chủ nhiệm lớp 1C, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh) dành tình yêu thương đối xử với các em như những người con của mình

Giống như một người mẹ, cô giáo Lê Thị Lệ Khánh (chủ nhiệm lớp 1C, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh) dành tình yêu thương đối xử với các em như những người con của mình

Không giống với môi trường học tập cho những HS bình thường, HS của trường được học tập với chương trình, nội dung phù hợp để đáp ứng nhu cầu hoạt động, vui chơi, học tập theo khả năng của trẻ. Mỗi ngày đứng lớp là mỗi ngày cô tích lũy được thêm kinh nghiệm mới trong việc giáo dục trẻ khuyết tật.

Cô Khánh tâm sự: “Giáo dục trẻ khuyết tật là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn. Trong quá trình dạy học, có những cử chỉ tôi phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Để hỗ trợ HS ghi nhớ lâu hơn, tôi luôn kết nối kiến thức mới với những kiến thức cũ, giúp các em hệ thống kiến thức.

Tôi luôn tạo cảm giác gần gũi, kiên trì, nhẫn nại dạy trẻ từ những việc nhỏ nhất; đồng thời, bồi dưỡng năng khiếu, giúp HS phát triển khả năng của bản thân”.

Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, cô Khánh còn tìm hiểu thêm thông tin qua mạng xã hội, đọc sách, báo và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước để có thêm nhiều phương pháp truyền tải kiến thức tốt nhất dành cho những trẻ em khuyết tật đặc biệt.

Với cô, việc được giảng dạy, chăm sóc HS khuyết tật của trường là niềm vui lớn lao. Mỗi ngày nhìn các em dần tiến bộ, không còn tự ti hay tự cô lập bản thân, càng có ý chí nỗ lực học tập tốt, tích cực tham gia phong trào, sống vui tươi, khỏe mạnh là hạnh phúc và động lực để cô tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp của mình.

Có lẽ không riêng gì cô Lục Thị Lan Uyên và cô Lê Thị Lệ Khánh mà còn biết bao thầy, cô khác cũng dùng tình yêu thương, tâm huyết và kinh nghiệm của mình giảng dạy, chăm sóc, dìu dắt nhiều thế hệ trẻ khuyết tật hướng đến tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Các cô xứng đáng là những bông hoa đẹp trong vườn hoa giáo dục./.

Thu Thảo

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/giao-vien-dac-biet-hoc-tro-dac-biet-a182421.html