Giáo viên đang mất dần quyền giáo dục học sinh?
Chúng tôi mong muốn xã hội bớt sự quy chụp, bớt đổ trách nhiệm lên đầu thầy cô trước mỗi sự việc xảy ra mà có cái nhìn bao dung, đồng cảm hơn với nghề giáo.
“Cứ đến buổi chào cờ đầu tuần, mình lại thấp thỏm không biết lớp chủ nhiệm tuần này đứng thứ bao nhiêu. Cả trường có 40 lớp mà tuần nào cũng đứng vào tốp những lớp xếp cuối nên luôn bị cấp trên nhắc nhở. Căng thẳng, mệt mỏi lắm”, cô M.H. giáo viên dạy bậc trung học phổ thông ở một tỉnh phía Nam chia sẻ.
Nói rồi cô M.H. cho biết, học sinh làm sai, học sinh vi phạm nội quy trường tất cả đều quy cho giáo viên làm công tác chủ nhiệm chưa tốt.
Học sinh thường vi phạm những lỗi gì?
Học sinh thường vi phạm nội quy nhà trường như đi trễ, trốn học, trốn tiết, không thực hiện đồng phục về, áo, quần, giày, dép, tóc…, không thuộc bài, không làm bài tập. Có em ăn cắp bút, sách, tiền bạc, đồ dùng tư trang, … của bạn bè, thầy cô giáo, gia đình hoặc của nhân dân nơi mình ở.
Có em gây gổ, đánh nhau với bạn bè và những người ở ngoài nhà trường. Em lại tung dư luận xấu, phao tin đồn nhảm; tham gia tuyên truyền các hoạt động mê tín dị đoan. Em nghe nhạc, xem phim hoặc truyền bá sách báo có nội dung xấu. Em lập hội nhóm lên mạng nói xấu thầy cô.
Em lại lập nhóm rủ bạn cùng lớp cùng trường hoặc bạn bè bên ngoài nhà trường hút thuốc lá điện tử, có hành động xấu với bạn nữ, tổ chức đánh nhau, đua xe…
Giáo viên trăn trở khi mất dần quyền xử lý học sinh vi phạm
Hiện nay, xử lý kỷ luật học sinh vi phạm vẫn còn theo Thông tư 08/1988 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo qui địn, việc thi hành kỷ luật đối với học sinh phổ thông phạm khuyết điểm trong việc thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của mình với 5 hình thức, cụ thể như sau:
Khiển trách trước lớp; Khiển trách trước hội đồng kỉ luật nhà trường; Cảnh cáo trước toàn trường; Đuổi học một tuần lễ; Đuổi học 1 năm.
Tuy nhiên, Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học được ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT quy định, không được xử lý kỷ luật học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường.
Cụ thể, căn cứ vào khoản 2 Điều 38 Thông tư số 32, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:
Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm;
Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm;
Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Vì thế, học sinh vi phạm bất kỳ lỗi gì giáo viên cũng không được phê bình trước lớp hay trước trường. Thầy cô chỉ được phép nhắc nhở chung hoặc gặp riêng phụ huynh để trao đổi.
Không có hình thức kỷ luật nghiêm khắc, dẫn đến học sinh không biết sợ là gì. Một số em thường xuyên mắc lỗi. Điều nguy hại hơn là, số khác thấy bạn vi phạm không bị làm sao thì bắt chước làm theo.
Mọi cái sai của học sinh đều do giáo viên
Học sinh vi phạm không bị xử lý hay chỉ xử lý “ngọt ngào”. Tuy thế, mọi trách nhiệm lại đổ lên đầu giáo viên, đặc biệt là những thầy cô chủ nhiệm.
Nhà trường cho rằng, giáo viên làm công tác chủ nhiệm chưa tốt, chưa đi sâu đi sát với lớp, chưa gần gũi tâm tình với học sinh.
Lớp xếp loại thi đua hạng chót nhiều lần, giáo viên cũng bị xếp loại chủ nhiệm chưa tốt. Học sinh vi phạm, giáo viên bị mời lên phòng để làm việc mà còn bị cấp trên cao hơn nhắc nhở.
Phụ huynh có con vi phạm được mời lên, có người vẫn khăng khăng: “Con tôi ở nhà ngoan lắm, lên trường không hiểu sao lại thế, chắc là do bạn bè trong lớp lôi kéo”. Có phụ huynh chỉ trích ngay thầy cô: “Do giáo viên quá hiền nên các em không sợ mới vi phạm như vậy”.
“Giáo viên quá hiền nên học sinh mới vi phạm?”, nhưng giáo viên nghiêm khắc hơn một chút dùng biện pháp rắn như phê bình trước lớp, phạt lao động công ích…lại bị quy cho là “thầy cô đang vi phạm đạo đức nghề nghiệp vì đã xúc phạm nhân phẩm học sinh”.
Một đồng nghiệp của tôi đã bị phụ huynh làm đơn kiện các cấp đòi kỷ luật chỉ vì phụ huynh cho rằng, giáo viên xúc phạm nhân phẩm học sinh. Tìm hiểu ra, giáo viên ấy đã nhắc nhở vi phạm của em học sinh trên lớp do thường xuyên tái phạm khuyết điểm.
Những vụ vi phạm nghiêm trọng hơn như học sinh đánh nhau gây thương tích trong hoặc ngoài nhà trường, thầy cô chủ nhiệm sẽ bị liên đới nhiều nhất. Điển hình như một số vụ học sinh đánh nhau ầm ĩ lên mạng xã hội, dư luận ồ ạt quy kết cho thầy cô đủ tội.
Có người còn khẳng định, để xảy ra tình trạng như thế là do cách giáo dục từ nhà trường chưa đúng. Nhà trường lại quy trách nhiệm, giáo viên chủ nhiệm chưa làm tốt vai trò của mình. Không ít ý kiến của dư luận còn phản ứng quyết liệt đòi đuổi việc thầy cô.
Giáo viên ngày càng mất dần quyền giáo dục học sinh. Còn bản thân học sinh luôn tự đắc “thầy cô chẳng dám làm gì mình” nên vi phạm của một số học sinh ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Không ít thầy cô giáo hiện nay sống khép mình lại. Họ luôn tâm niệm “mình cố gắng truyền thụ kiến thức tận tình. Học sinh nào không muốn học cũng không quá khắt khe. Học sinh nào quậy phá thì mời phụ huynh trao đổi, báo cáo nhà trường. Em nào tiến bộ thì tốt, không tiến bộ cũng thôi”.
Nhiều thầy cô giáo có trách nhiệm lại thấy cắn rứt lương tâm nếu nhìn thấy học sinh hư nhưng không làm gì được. Bởi thế, giáo viên luôn mong muốn phụ huynh quan tâm hơn nhiều tới các con, kết hợp thật tốt với giáo viên để răn dạy các em khi mắc lỗi.
Chúng tôi mong muốn xã hội bớt sự quy chụp, bớt đổ trách nhiệm lên đầu thầy cô trước mỗi sự việc xảy ra mà có cái nhìn bao dung, đồng cảm hơn với nghề giáo.