Giáo viên đánh giá gì về đề tham khảo môn Tiếng Anh, Tiếng Trung?

Đề tham khảo môn Tiếng Anh và Tiếng Trung có nhiều thay đổi, tập trung vào kỹ năng đọc hiểu và giao tiếp ngôn ngữ thực tế.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố 18 đề tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, trong đó có môn Tiếng Anh và Tiếng Trung.Theo đánh giá của nhiều thầy cô, sự thay đổi đáng kể trong cấu trúc và nội dung đề thi, nhằm đáp ứng mục tiêu đánh giá năng lực ngôn ngữ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đề tham khảo Tiếng Anh có độ phân hóa cao, hỗ trợ tuyển sinh đại học hiệu quả

Theo đánh giá của Thạc sĩ Hồ Thị Mỹ Vân, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường Trung học Thực hành, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đề tham khảo Tiếng Anh cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 thể hiện độ phân hóa cao hơn so với các năm trước, giúp phân biệt rõ ràng năng lực của học sinh. Các câu hỏi không còn tách biệt về ngữ pháp và từ vựng mà tập trung vào việc đánh giá khả năng ứng dụng trong các tình huống giao tiếp thực tế.

 Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Cô Vân phân tích, đề tham khảo Tiếng Anh có thời gian làm bài 50 phút với 40 câu hỏi, tập trung vào các kiến thức và kỹ năng chính như ngữ pháp, từ vựng và kỹ năng đọc hiểu. Đề tập trung vào kỹ năng đọc hiểu, vì đây là một kỹ năng tích hợp, cho phép đánh giá một cách trực tiếp và gián tiếp các khía cạnh về kiến thức ngôn ngữ như từ vựng, ngữ pháp, cùng với khả năng tiếp nhận, xử lý và vận dụng các kỹ năng khác như nói và viết. Các văn bản được sử dụng trong đề thi đều liên quan đến các vấn đề thời sự và thực tiễn, như công nghệ, mạng xã hội, bảo vệ môi trường và đô thị hóa, là những vấn đề có tính gần gũi với thí sinh và cộng đồng quan tâm.

Điều này giúp thí sinh có cơ hội thể hiện khả năng xử lý ngôn ngữ qua những tình huống quen thuộc trong đời sống cũng như các tài liệu truyền thông về các chủ đề phổ biến, đồng thời giữ được sự hứng thú khi làm bài.

Cô Vân cũng nhận xét chi tiết về một số thay đổi quan trọng trong đề thi tham khảo năm nay so với các năm trước. Cụ thể, đề thi không còn các câu hỏi về phân biệt ngữ âm, trọng âm, cũng như không còn dạng câu hỏi tìm lỗi sai. Phần ngữ pháp được lồng ghép trong các bài điền khuyết thông tin, với 15 câu hỏi ở mức nhận biết và thông hiểu.Các câu hỏi tìm từ đồng nghĩa/trái nghĩa đã chuyển sang dạng câu hỏi câu hỏi về từ vựng theo ngữ cảnh của bài đọc hiểu thay vì câu hỏi riêng lẻ. Các câu hỏi riêng lẻ về phần ghép 2 nửa câu thành 1 câu hoàn chỉnh được chuyển thành text-completion (điền khuyết hoàn thành 1 đoạn với các cụm từ / “phrase”). Dạng bài đọc điền khuyết thông tin có mức độ khó, yêu cầu thí sinh phải vận dụng được các nội dung kiến thức ngữ pháp và hiểu ngữ cảnh của đoạn.

Điểm nổi bật nữa là sự xuất hiện của dạng bài mới về sắp xếp đoạn văn, lá thư hay thông báo. Dạng bài này yêu cầu học sinh phải có tư duy logic, hiểu rõ mạch văn chứ không chỉ dựa vào các từ nối như "firstly", "secondly" hay "moreover". Đồng thời, một số dạng câu hỏi lần đầu xuất hiện trong đề thi, ví dụ như “paraphrases”, “best summarises”, điền câu vào đoạn phù hợp “best fit”.

"Đề thi đòi hỏi học sinh có kỹ năng đọc hiểu tốt từ những dạng văn bản ngắn và dễ cho tới các dạng văn bản khó và phức tạp", cô Vân nhấn mạnh.

Cô Vân cho rằng học sinh có thể cảm thấy "choáng ngợp" khi nhìn vào đề minh họa với 4 trang đầy chữ và ít thấy các câu hỏi riêng lẻ như trước. Tuy nhiên, sự thay đổi này là phù hợp với xu hướng đánh giá năng lực ngôn ngữ của học sinh thay vì chỉ kiểm tra kiến thức ngữ pháp và từ vựng đơn thuần.

 Đề tham khảo môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 xuất hiện một số dạng câu hỏi mới, ví dụ như “paraphrases”, “best summarises”, điền câu vào đoạn phù hợp “best fit”.

Đề tham khảo môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 xuất hiện một số dạng câu hỏi mới, ví dụ như “paraphrases”, “best summarises”, điền câu vào đoạn phù hợp “best fit”.

Cô Vân cho biết bài thi được thiết kế cho học sinh đã hoàn thành chương trình Tiếng Anh trung học phổ thông 2018, với trình độ tiếng Anh ở mức 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, tương đương mức B1 theo Khung tham chiếu Ngôn ngữ Chung Châu Âu (CEFR). Sự phân hóa cao trong đề thi không chỉ đảm bảo tiêu chí của một bài thi tốt nghiệp mà còn là công cụ hữu ích để các trường đại học có thể sử dụng kết quả thi trong quy trình tuyển sinh.

Đồng quan điểm, cô Lã Thị Thu Thủy, Trưởng nhóm môn Tiếng Anh, Trường Trung học phổ thông Ngọc Hồi (Thanh Trì) đánh giá, đề tham khảo Tiếng Anh phù hợp với mục tiêu đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là việc chú trọng vào kỹ năng đọc hiểu và sử dụng ngôn ngữ trong các tình huống thực tiễn. Đề thi đảm bảo rằng học sinh có thể sử dụng tiếng Anh ở mức độ giao tiếp cơ bản và hiểu biết các chủ đề phổ biến trong đời sống.

Theo cô Thủy, đề thi tham khảo môn Tiếng Anh 2025 vẫn giữ các phần quen thuộc như đọc hiểu, ngữ pháp, từ vựng và điền từ, nhưng đã đơn giản hóa một số phần. So với các đề thi trước, đề tham khảo năm nay đã có những điều chỉnh rõ rệt như việc loại bỏ phần idiom, phát âm, và các câu hỏi ngữ pháp, từ vựng riêng lẻ. Thay vào đó là những bài tập điền từ, điền mệnh đề, và sắp xếp hội thoại. Sự thay đổi này giúp học sinh tập trung hơn vào việc phát triển kỹ năng đọc hiểu và kiến thức ngữ pháp, nhằm đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh tổng quát của học sinh thay vì kiểm tra quá nhiều kiến thức cụ thể.

Cô Thủy cho rằng độ khó của đề tham khảo năm nay không có nhiều khác biệt so với đề chính thức của những năm trước. Tuy nhiên, các dạng bài mới yêu cầu học sinh phải học tiếng Anh một cách toàn diện hơn, không chỉ tập trung vào ngữ pháp và từ vựng mà còn cần luyện kỹ năng đọc hiểu thông qua các văn bản tiếng Anh đa dạng.

Đề tham khảo Tiếng Trung sinh động, ngữ liệu phong phú

Nhận xét về đề tham khảo môn tiếng Trung, Thạc sĩ Bùi Thị Lan, giáo viên Tiếng Trung, Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết đề tham khảo với 40 câu hỏi trong thời lượng 50 phút là phù hợp.

Đề thi bao gồm kiến thức trải dài từ các lớp 10, 11, và 12, đảm bảo học sinh có sự chuẩn bị đầy đủ. Tỷ lệ các câu hỏi được phân bố hợp lý, với gần một nửa là câu hỏi ở mức độ nhận biết, còn lại chia đều cho mức độ thông hiểu và vận dụng.

Cô Lan nhận định, đề tham khảo năm nay "dễ chịu" hơn so với đề chính thức các năm trước. Cô tin rằng hình thức đề thi sinh động, với các văn bản ngắn gọn, rõ ràng, cùng ngữ liệu phong phú nhưng không quá dài (nhiều văn bản chỉ tầm 150 chữ), sẽ giúp học sinh cảm thấy thoải mái và hứng thú hơn khi làm bài. Các câu hỏi dựa trên bối cảnh thực tế, ngắn gọn và dễ hiểu giúp học sinh có cơ sở để lựa chọn đáp án chính xác hơn.

“Về nội dung, các văn bản đều thuộc chủ điểm của bậc trung học phổ thông, một số văn bản ngữ liệu có hình thức khá mới lạ, tuy nhiên rất gần gũi với học sinh. Cụ thể đó là các hội thoại về dự định, về trao đổi thông tin trong cuộc sống, là một bức thư gửi thầy cô, hay một thông báo cắt điện của Sở điện lực”, cô Lan cho hay.

Theo cô Lan, đề tham khảo tập trung đánh giá kỹ năng đọc hiểu thông qua các hình thức khẩu ngữ (câu 1-2) và bút ngữ (câu 33-37), điều này giúp phản ánh năng lực giao tiếp của học sinh một cách toàn diện hơn.

 Đề tham khảo môn Tiếng Trung tập trung đánh giá kỹ năng đọc hiểu thông qua các hình thức khẩu ngữ (câu 1-2) và bút ngữ (câu 33-37).

Đề tham khảo môn Tiếng Trung tập trung đánh giá kỹ năng đọc hiểu thông qua các hình thức khẩu ngữ (câu 1-2) và bút ngữ (câu 33-37).

Cô Lan cho biết mục tiêu đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông 2018 đề cập đến cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và kiến thức ngôn ngữ. Tuy nhiên, trong đề tham khảo, kỹ năng chủ yếu được đánh giá là đọc hiểu. Một số câu hỏi liên quan đến kỹ năng nói (câu 1-2) và kỹ năng viết (câu 22-24), nhưng về cơ bản vẫn dựa trên khả năng đọc hiểu của học sinh.

Về kiến thức ngôn ngữ, các câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu đều nằm trong chương trình, tuy nhiên một số câu hỏi ở mức độ vận dụng đòi hỏi học sinh phải suy luận từ ngữ cảnh văn bản (ví dụ như câu 25, 28). Mặc dù những câu hỏi này không được thể hiện trong chương trình mới, nhưng sẽ không gây khó khăn cho những học sinh đang theo học sách giáo khoa cũ, do nội dung vẫn được dạy trong đó.

So với các đề thi Tiếng Trung trước đây, cấu trúc đề thi tham khảo năm 2025 có sự thay đổi đáng kể. Tất cả các câu hỏi trong đề không còn là câu đơn lẻ mà được lồng ghép vào các đoạn hội thoại (như câu 1-3), đoạn văn (câu 12-21), hoặc văn bản ứng dụng cụ thể (câu 4-11, 33-37). Cô Lan cho rằng sự thay đổi này là hợp lý, giúp học sinh tiếp cận với ngôn ngữ trong các tình huống giao tiếp thực tế, thay vì chỉ tập trung vào kiến thức ngữ pháp lý thuyết. Sự thay đổi này phù hợp với xu hướng kiểm tra năng lực ngôn ngữ hơn là chỉ đánh giá kiến thức ngôn ngữ, đòi hỏi việc dạy học ngoại ngữ phải đạt hiệu quả thực tiễn.

Ngoài ra, đề thi không còn xuất hiện các câu hỏi về trật tự từ như các đề trước, mà thay vào đó là câu hỏi về trật tự ý/câu trong một đoạn văn. Điều này không ảnh hưởng đến mục tiêu khảo thí, mà vẫn đảm bảo tính ứng dụng thực tế.

Một điểm khác biệt khác là trong đề tham khảo năm nay không có câu hỏi về ngữ âm và chữ Hán. Cô Lan nhận định, ngữ âm trong chương trình mới chủ yếu tập trung vào ngữ điệu và biểu cảm, do đó việc biên soạn câu hỏi kiểm tra cho phần này gặp khó khăn. Tuy nhiên, cô cho rằng cần có thêm các câu hỏi liên quan đến chữ Hán vì đây là một đặc thù của môn Tiếng Trung.

Nhìn chung, cô Lan nhận xét rằng đề tham khảo vừa đáp ứng được yêu cầu kiểm tra đánh giá theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, vừa không gây xáo trộn hay hoang mang cho giáo viên và học sinh. Ngoài ra, đề đã giảm tải bớt sự nặng nề của các câu hỏi kiểm tra kiến thức đơn lẻ, thay vào đó là việc tập trung vào việc sử dụng ngôn ngữ trong bối cảnh thực tế.

Mách thí sinh cách ôn tập hiệu quả

Để chuẩn bị tốt cho môn Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025, Thạc sĩ Hồ Thị Mỹ Vân khuyên học sinh cần nắm chắc các kiến thức ngữ pháp và từ vựng trong sách giáo khoa, đồng thời rèn luyện kỹ năng đọc hiểu và làm quen với các dạng đề mới. Học sinh nên rèn luyện kỹ năng suy luận, đoán nghĩa và phân bố thời gian hợp lý khi làm bài. Cô Vân cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thông tin theo logic văn bản chuẩn, phân tích ngữ nghĩa và cấu trúc thông tin trong các văn bản thông báo, quảng cáo, email, học thuật.

Cuối cùng, cô Vân gợi ý học sinh nên tham khảo các dạng bài đọc hiểu như TOEFL iBT Reading để nâng cao kỹ năng. Một kế hoạch học tập và phân bổ thời gian hợp lý, cân đối với các môn khác, sẽ giúp học sinh đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi.

Còn cô Lã Thị Thu Thủy khuyên học sinh không nên bỏ qua việc rèn luyện kỹ năng nghe, nói và viết, giúp cải thiện khả năng giao tiếp và vận dụng vào các dạng bài sắp xếp hội thoại, văn bản.

Đối với môn Tiếng Trung, Thạc sĩ Bùi Thị Lan nhắn nhủ đến các học sinh sắp tham dự kỳ thi tốt nghiệp rằng: “Trước hết, các em cần tập trung ôn tập theo các sách và tài liệu thầy cô cung cấp hoặc giới thiệu để các em tham khảo. Học đến đâu, luyện tập chắc chắn đến đó, tuyệt đối không được học tủ, học lệch. Bên cạnh đó các em có thể học và ôn tập tiếng Trung ở mọi nơi mọi lúc.

Trong cuộc sống hàng ngày, các em có rất nhiều cơ hội tiếp xúc với tiếng Trung, đó có thể là các vật dụng hàng ngày như văn phòng phẩm, quần áo, các thiết bị, đồ dùng trong nhà, hay các hộp thuốc đông y. Khi rảnh rỗi, các em có thể theo dõi một số kênh truyền hình, youtube hoặc tiktok tin cậy có sử dụng tiếng Trung.

Các em cũng nên tận dụng các cơ hội mạnh dạn giao tiếp tiếng Trung với thầy cô, bạn bè, hoặc với người Trung Quốc khi gặp. Đây chính là những bối cảnh thực tế giúp các em hình thành tư duy tiếng Trung, góp phần nâng cao năng lực ngôn ngữ để làm tốt các bài thi môn Tiếng Trung".

Châu Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-vien-danh-gia-gi-ve-de-tham-khao-mon-tieng-anh-tieng-trung-post246502.gd