Giáo viên dạy gì ở lớp dạy thêm mà dạy nhiều thế?
Phải nói thẳng ra rằng, phần nhiều giáo viên dạy thêm hiện nay ở các trường phổ thông là dạy thêm cho học sinh chính khóa và dạy trước chương trình học trên lớp.
Hiện nay, tình trạng dạy thêm và học thêm xảy ra từ nông thôn đến thành thị, từ khi học sinh bước vào lớp 1 cho đến khi hoàn thành chương trình phổ thông. Nhiều học sinh học thêm triền miên đối với tất cả các ngày trong tuần. Giáo viên nhiều môn học cũng dạy thêm nhiều ca trong 1 ngày.
Việc dạy thêm, học thêm đang góp phần cải thiện điểm số cho học sinh và nâng cao chất lượng bộ môn ở các nhà trường. Tuy nhiên, mặt trái của việc dạy thêm và học thêm cũng không ít- điều này đã được báo chí phản ánh khá nhiều trong những năm vừa qua.
Phải nói thẳng ra rằng, phần nhiều giáo viên dạy thêm hiện nay ở các trường phổ thông là dạy thêm cho học sinh chính khóa và dạy trước chương trình học trên lớp. Vì thế, cùng một đơn vị kiến thức của chương trình, sách giáo khoa nhưng phụ huynh đang phải tốn nhiều lần tiền để trả cho phí học thêm của con em mình.
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn
Học sinh hờ hững khi học chính khóa trên lớp vì đã học thêm ở nhà thầy cô
Hiện nay, ở cấp tiểu học thì những giáo viên chủ nhiệm và tiếng Anh là có nhiều học sinh học thêm; cấp trung học cơ sở những môn mà giáo viên đang dạy thêm nhiều là Toán, tiếng Anh, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học. Cấp trung học thì những môn phục vụ cho thi tốt nghiệp; xét tuyển đại học nên gần hết các môn học ở cấp học này có thể dạy thêm được.
Đối với những giáo viên đang dạy thêm ở lớp 9 và lớp 12 ngoài việc dạy kiến thức trên lớp thì gần đến thi tuyển sinh và thi tốt nghiệp trung học phổ thông còn luyện đề và hướng dẫn học sinh tiếp cận, khai thác các câu hỏi trong đề kiểm tra.
Riêng, những giáo viên dạy thêm cho học sinh các lớp không phải là cuối cấp thì đơn thuần là dạy trước chương trình và giải một số đề kiểm tra trước khi kiểm tra định kỳ.
Việc dạy thêm trước chương trình hiện nay khá phổ biến. Điều dễ nhận thấy nhất là những giáo viên không dạy thêm khi quan sát lớp học của mình sẽ có nhiều em học không tập trung, ít ghi chép bài, thường nói chuyện nhưng lại hay xung phong lên làm bài tập. Dưới vở ghi chép trên lớp của các em luôn có một quyển vở học thêm.
Vì vậy, khi giáo viên thấy học sinh nói chuyện, yêu cầu đứng lên trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa thì học sinh lật vở học thêm ra trả lời. Nhưng, giáo viên chỉ cần đóng vở học thêm lại thì nhiều em tắc tị, đứng yên. Những bài tập trong sách giáo khoa thường xuyên xung phong nhưng những bài tập vận dụng mà giáo viên không lấy trong sách giáo khoa, hoặc một vấn đề khác thì những học sinh không trả lời, không làm được.
Đối với những học sinh học thêm với thầy cô đang dạy chính khóa thì lại càng đơn giản, thầy cô dạy thêm sẽ biết cách gọi các em này lên làm những bài tập, trả lời những câu hỏi mà đã được học trong lớp học thêm để có thể tuyên dương và cho điểm cao.
Khi kiểm tra định kỳ- nội dung kiểm tra sẽ được giáo viên trong tổ thảo luận khá kĩ và làm đề cương ôn tập nên giáo viên dạy thêm gần như nắm chắc nội dung ôn tập.
Bên cạnh đó, họ có thể là người ra đề, hoặc không ra đề nhưng họ có cách để nói với giáo viên ra đề “tham khảo” trước- giáo viên trong tổ thường hay cả nể- dù nguyên tắc không cho phép nhưng ai mà kiểm soát được những việc bí mật của nhau.
Những kiến thức được giáo viên dạy thêm (được phân công ra đề) hoặc họ tranh thủ giáo viên ra đề để biết được đề kiểm tra trước sẽ được ôn, được hướng dẫn kĩ trong lớp học thêm. Vì thế, học sinh đi học thêm đạt điểm cao trong các bài kiểm tra định kỳ khá bổ biến.
Như vậy, về cơ bản, việc dạy thêm, học thêm hiện nay chỉ tập trung ở những lớp cuối cấp khi mà giáo viên dạy thêm kiến thức để học sinh chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp, cuối cấp. Còn lại, các lớp khác chủ yếu là dạy trước chương trình học chính khóa trên lớp.
Đơn giản chỉ vậy nhưng phụ huynh đang tốn rất nhiều tiền cho việc học thêm của con em mình bởi 1 đơn vị kiến thức nhưng học sinh phải học đi, học lại ít nhất là 2 lần (1 lần ở lớp học thêm và 1 lần học chính khóa ở trường).
Chương trình 2018 vẫn học thêm như thường
Từ năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 quy định, hướng dẫn về việc dạy thêm, học thêm ở các nhà trường.
Theo đó, hoạt động dạy thêm, học thêm phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản: Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau, khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh;
Tuyệt đối không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.
Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT cũng quy định rõ các trường hợp không được dạy thêm, học thêm là: Học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường, dạy chính học sinh của mình khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó”.
Thế nhưng, thực tế thì không ai kiểm soát được việc dạy thêm, học thêm hiện nay ở các địa phương. Cấp học nào cũng đang có giáo viên dạy thêm và cũng chẳng ai quan tâm đến “một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau, khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh” làm gì.
Chương trình 2006 nói là nặng kiến thức nên học sinh phải học thêm, chương trình 2018 giảm tính hàn lâm, xem trọng thực tế thì việc dạy thêm, học thêm nhưng để thay đổi, giảm học thêm có vẻ không dễ.
Thực tế tại nhiều trường học, người viết nhận thấy học sinh vẫn đang miệt mài đi học thêm giống như trước đây.
Giáo viên trên lớp giao nhiệm vụ học tập cho học trò thực hiện ở nhà, học sinh sẽ chuẩn bị sản phẩm học tập của mình ở những lớp học thêm. Vì vậy, những hoạt động trên lớp có thể diễn ra trơn tru và có những nhận xét, đánh giá từ bạn bè, giáo viên khá hay vì sản phẩm nào cũng đúng, cũng khả quan.
Trước đây, việc dạy thêm, học thêm chỉ diễn ra đối với học sinh cuối cấp khi mà các em chuẩn bị thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng hiện nay tình trạng dạy thêm, học thêm ở các lớp cũng không thiếu.
Chính vì thế, chất lượng giáo dục đến từ dạy và học trên lớp hay từ học thêm?. Sau mỗi kỳ thi, nếu có sự so sánh, đối chiếu giữa điểm thi với điểm kiểm tra, tổng kết ở các nhà trường sẽ thấy nhiều vấn đề cần được phân tích.
Chúng tôi không phủ nhận, một số thầy cô dạy thêm đã nâng cao chất lượng học tập cho học sinh nhưng thực tế số này rất ít. Phần nhiều giáo viên dạy thêm hiện nay đơn thuần chỉ là dạy trước chương trình. Nhiều học sinh đi học thêm hiện nay với thầy cô đang dạy chính khóa trên lớp cũng đơn thuần là để cải thiện điểm số.
Bởi vậy, bức tranh dạy thêm, học thêm hiện nay ở nhiều trường học khá phức tạp và có rất nhiều hệ lụy xảy ra. Nhưng, cấm dạy thêm, học thêm trong bối cảnh hiện nay gần như là không thể.