Giáo viên dạy gì ở lớp học thêm?
Không còn áp lực điểm số, học sinh sẽ không cần học thêm tối ngày, chúng ta sẽ trả lại ký ức quý giá nhất của con người, đó là tuổi thơ thời học sinh.
Câu chuyện dạy thêm, học thêm trong thời gian vừa qua đã tốn bao giấy mực của dư luận xã hội, đã làm nóng nghị trường Quốc hội.
Chuyện dạy thêm, học thêm, chẳng khác mấy chuyện con gà và quả trứng, cái nào có trước, cái nào có sau. Vậy nhu cầu học thêm của học sinh đẻ ra dạy thêm hay dạy thêm đẻ ra học thêm?
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỉ trước tôi mới ra trường, mấy ai biết đến khái niệm học thêm, dạy thêm, trong bối cảnh đó, người viết nhận được đề nghị của một phụ huynh:
“Tôi nhờ thầy kèm 3 môn Toán, Lý, Hóa cho con tôi, một tuần ba buổi, mỗi buổi 2 tiết để cháu thi đậu đại học.
Đổi lại, đám ruộng 3 sào của thầy gia đình tôi sẽ phụ trách cày bừa, chăm sóc, gặt hái … đến mùa chở lúa về cho thầy, còn vườn nhà, cứ mỗi tuần hai vợ chồng tôi đến làm, dọn cho thầy một buổi.
Nếu cháu đậu đại học, tôi tặng thầy miếng đất trên lộ (đường nhựa- người viết), thầy làm nhà ra đó mà ở cho thông thoáng”.
Nghe vậy, tôi chẳng tính thiệt hơn, đồng ý cái rụp. Sau khi dạy kèm một thời gian ngắn, tiếng lành đồn xa, có hơn chục học sinh đến học với tôi, trong đó phân nửa là con giáo viên.
Lứa học trò học thêm đầu tiên của tôi đậu đại học 100%, đã mở đầu cho “phong trào tầm sư học đạo” của địa phương, có thể nói tôi là giáo viên đầu tiên dạy thêm ở trong trường và địa phương.
Nếu dạy thêm vô tư, trong sáng, trên tinh thần tự nguyện, tầm sư học đạo của học trò, chính nhu cầu học thêm của học sinh đẻ ra hoạt động dạy thêm của giáo viên.
Giáo viên dạy gì ở lớp học thêm là câu hỏi không ít người quan tâm.
Học sinh đi học thêm (trong sáng) để hiểu được bài sâu hơn, làm được nhiều bài tập hơn, đặc biệt là bài tập hay và khó, đạt điểm cao trong kiểm tra thi cử.
Đáp ứng nhu cầu hiểu được bài sâu hơn, làm được nhiều bài tập hơn, đặc biệt là bài tập hay và khó của học sinh, giáo viên phải dạy học sinh giải bài tập.
Giáo viên sử dụng các bài tập yêu cầu học sinh vận dụng công thức, định lý đã học để giải quyết vấn đề.
Các bài tập mẫu không thiếu, có nhiều trong bài tập trong sách giáo khoa, sách bài tập, sách tham khảo, … nếu giáo viên có chút năng lực, chỉ cần thêm “mắm, thêm muối” là có ngay bài hay và khó.
Vì thế, ở lớp học thêm, giáo viên phần lớn dạy học sinh giải bài tập, giải đề thi, hay nói cách khác cả thầy và trò đang phấn đấu để thành “thợ” giải bài tập.
Một số học sinh không đi học thêm, nhưng có sách tham khảo, có tinh thần tự học, trở thành “thợ” giải bài có tay nghề cao, sáng tạo, nên các thủ khoa thường có “mẫu số chung” là … không đi học thêm.
Dạy thêm tràn lan thực ra xuất phát từ nhu cầu của giáo viên tạo ra nhu cầu học thêm, dùng “chiêu trò” để ép học sinh đi học thêm.
Vì thế, để hạn chế dạy thêm tràn lan, ngoài đưa dạy thêm vào hoạt động kinh doanh có điều kiện còn phải giáo dục đạo đức công vụ cho giáo viên.
Nhà trường phải làm cho giáo viên hiểu việc giấu bài, bớt bài, dùng chiêu trò ép học sinh đi học thêm là hành vi xấu xí, đáng xấu hổ, không nên làm, sẽ hạn chế được dạy thêm.
Học sinh đi học thêm để hiểu được bài sâu hơn, làm được nhiều bài tập hơn, đặc biệt là bài tập hay và khó; bên cạnh đó không thiếu học sinh đi học để thầy cô nâng đỡ, tổng kết điểm đẹp hơn.
Tức là, học sinh đi học thêm không phải vì phát triển phẩm chất, năng lực của mình, mà vì giải quyết vấn đề điểm số.
Trong lúc giáo dục đang hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực người học, mà người học lại hướng đến mục tiêu điểm số, trái ngược với mục tiêu giáo dục có hai nguyên nhân.
Thứ nhất, công tác truyền thông của chúng ta đến phụ huynh, học sinh có thiếu, còn yếu, chưa làm cho xã hội hiểu và đồng hành cùng giáo dục.
Thứ hai, thực tế, theo người viết nhận thấy, đề thi, đề kiểm tra đánh giá của nhà trường vẫn mang tính hàn lâm, chưa thể hiện được việc phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
Người viết mong rằng đề mẫu thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 hướng đến đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh, để điều chỉnh dạy và học ở địa phương.
Thực tế, không ít học sinh giỏi, học sinh xuất sắc, thợ giải bài tập tốt nhưng ra ngoài đời như “gà công nghiệp”.
Ngược lại, có nhiều học sinh học học tập bình thường nhưng thành công trong cuộc sống, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, đóng góp nhiều cho xã hội.
Vì thế, các danh hiệu thi đua như học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, học sinh xuất sắc … chưa phản ánh đúng phẩm chất và năng lực học sinh.
Khi nào không còn tổng kết đánh giá học sinh, xếp thi đua theo điểm số, không còn áp lực điểm số, học sinh sẽ không cần học thêm tối ngày, chúng ta sẽ trả lại ký ức quý giá nhất của con người, đó là tuổi thơ của học sinh.
Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-vien-day-gi-o-lop-hoc-them-post239539.gd