Giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa tại nhà, trung tâm: Lợi ít hại nhiều

Các chuyên gia cho rằng, không nên khuyến khích việc giáo viên tổ chức dạy thêm tại nhà với học sinh chính khóa vì có thể để lại nhiều hệ lụy.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có loạt bài viết phản ánh việc giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường tại nhà dân. Đáng nói, giáo viên đều dạy học sinh chính khóa bất chấp hiện quy định cấm.

Sự việc dấy lên trong dư luận nhiều lo ngại về vấn đề an toàn phòng chống cháy nổ cho học sinh khi công năng của nhà dân không thích hợp để bố trí các lớp học thêm. Đồng thời, nhiều ý kiến cũng băn khoăn về việc làm sao quản lý, giám sát được việc giáo viên không giữ lại một phần kiến thức nhất định khi dạy ở trường nhằm lôi kéo, ép buộc học sinh vào tình thế phải tham gia các lớp học thêm do giáo viên đó tổ chức.

Đáng chú ý, về vấn đề này theo một khảo sát nghiên cứu về đời sống giáo viên mầm non và phổ thông khu vực Nam Bộ, thực nghiệm tại ba tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang trong đề tài khoa học cấp Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, được thực hiện trong tháng 9 và 10 cho thấy, hơn 63% trong số 12.500 giáo viên muốn được hợp pháp dạy thêm tại nhà và dạy thêm online để tăng thu nhập chính đáng.

Không thể cho tổ chức học thêm tại nhà với học sinh chính khóa

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nhu cầu học thêm trên thực tế là có thật nhưng là với những nội dung không có trong chương trình chính khóa, nhằm giúp học sinh nâng cao kiến thức hoặc bồi bổ kiến thức với học sinh yếu.

Tuy nhiên, nếu để giáo viên dạy thêm tại nhà với học sinh chính khóa khó tránh được tiêu cực khi có thể xảy ra trường hợp giáo viên giữ lại một phần kiến thức đáng ra phải được dạy hoặc dạy trước chương trình. Điều này là bất công bằng với học sinh trong các gia đình không đủ điều kiện kinh tế để tham gia các lớp dạy thêm.

 Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Giáo viên ngoài đồng lương thì họ muốn kiếm thêm thu nhập từ việc dạy thêm để trang trải cuộc sống là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong việc dạy thêm nếu chính bản thân giáo viên đó không có tự trọng nghề nghiệp, chạy theo lợi nhuận của đồng tiền thì rất khó để cơ quan quản lý xử lý được hệ lụy xảy ra từ việc dạy thêm.

Chúng ta biết rằng, trong quá trình giảng dạy trên lớp, giáo viên được quyền đánh giá, xếp loại với học sinh của mình định kỳ theo học kỳ hoặc theo năm học. Tuy nhiên, việc đánh giá, xếp loại học sinh nó theo chuẩn tương đối. Điều này dẫn đến một vấn đề là làm sao để lãnh đạo nhà trường hoặc cơ quan quản lý có thể nắm chắc được giáo viên đó không "thiên vị" với học sinh tham gia và học sinh không tham gia lớp học thêm do giáo viên đó tổ chức.

Thông thường, các bậc phụ huynh cũng ngầm hiểu rằng, chính vì việc giám sát đó là "quá khó" đối với cơ quan quản lý nên dù muốn hay không họ cũng cố gắng để cho con theo học thêm nếu giáo viên "phát động" nhằm tránh ảnh hưởng đến con em mình.

Điều này vô tình khiến cho vấn nạn dạy thêm trái quy định ngày càng nhức nhối, các lớp dạy thêm tại nhà vẫn cứ mọc lên và không thể xử lý triệt để dù cơ quan quản lý đã nhiều lần kiểm tra, xử phạt, nhiều cơ quan báo chí cũng đã lên án.

Vì thế tôi cho rằng, không nên tạo “điều kiện” để việc giáo viên tổ chức các lớp dạy thêm với học sinh chính khóa tại nhà", thầy Ngai bày tỏ.

Qua đó, theo vị nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, khi cơ quan quản lý phát hiện được những trường hợp giáo viên tổ chức dạy thêm trái quy định thì nên có những biện pháp xử lý mạnh tay để ngăn ngừa tái phạm và răn đe với những giáo viên khác. Đồng thời, cần công bố những trường hợp giáo viên vi phạm, tái phạm một cách công khai để chính bản thân mỗi giáo viên đó tự soi xét bản thân, lương tâm nghề nghiệp, từ đó hạn chế tái phạm.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng nên vào cuộc, đồng hành cùng ngành giáo dục trong việc phát hiện những trường hợp tổ chức hoặc cho thuê nhà dân để mở lớp dạy thêm tại nhà. Việc này có thể thông qua trình báo của nhân dân trên địa bàn về vấn đề mất trật tự, an toàn và lộn xộn tại vị trí nhà dân có lớp học thêm.

“Tôi tin rằng, với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương cùng cơ quan quản lý ngành giáo dục thì việc dạy thêm trái quy định sẽ dần được khống chế”, thầy Ngai nhận định.

Cùng chung quan điểm về vấn đề này, Giáo sư Phạm Tất Dong (cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam) cho rằng, việc giáo viên tổ chức dạy thêm với học sinh chính khóa tại nhà là không nên khuyến khích. Qua đó vị này mong muốn ngành giáo dục sớm có phương án hiệu quả nhằm giám sát với hoạt động tổ chức, mở lớp dạy học tại khu vực nhà dân.

Giáo sư Phạm Tất Dong nhấn mạnh: “Khi học sinh đã được học kiến thức trên trường rồi thì không có lý do gì để các giáo viên phải mời chào học sinh của mình về nhà giáo viên đó để học cả.

Thử đặt ra trường hợp, nếu vì do học sinh đó học yếu muốn nâng cao kiến thức thì tại sao giáo viên đó không giới thiệu phụ huynh đến các trung tâm dạy thêm để học. Tôi thấy rằng, khi giáo viên muốn tổ chức các lớp học tại nhà thì động cơ lợi nhuận nhiều hơn là việc truyền thụ kiến thức.

Chưa kể, nếu giáo viên này dạy được mà giáo viên khác trong trường lại không được dạy thì còn xảy ra mâu thuẫn về lợi ích, từ đó gây nên tình trạng mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến hoạt động chung của nhà trường.

Từ đó có thể thấy rằng, nếu để giáo viên tổ chức các lớp dạy thêm tại nhà với học sinh tại nhà rõ ràng là “lợi ít hại nhiều”, Giáo sư Phạm Tất Dong bày tỏ.

 Giáo sư Phạm Tất Dong (cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam). Ảnh: Thùy Linh

Giáo sư Phạm Tất Dong (cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam). Ảnh: Thùy Linh

Ngoài ra, cũng theo vị cố vấn Hội Khuyến học Việt Nam, các trường hợp nào cấm trong dạy thêm, học thêm cũng đã được nêu rất rõ. Đặc biệt là việc tổ chức dạy thêm với học sinh chính khóa tại nhà riêng của giáo viên thì càng không nên khuyến khích.

Lâu nay đã có rất nhiều trường hợp giáo viên giữ lại một phần kiến thức được dạy trên lớp, số kiến thức còn lại sẽ được các giáo viên này tiếp tục dạy vào các buổi học thêm. Việc này là không công bằng với những học sinh không tham gia học thêm.

Hơn nữa, mức phí với một buổi học thêm với học sinh hiện nay tại các khu vực thành thị là tương đối cao. Nếu phải theo học thêm nhiều môn, mức độ chi phí đối với một học sinh là khá lớn. Trong một lớp học cũng sẽ có nhiều đối tượng học sinh khác nhau, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện để cho con đi học thêm. Điều này ít nhiều gây ra sự xáo trộn tâm lý học sinh nếu rơi vào tình cảnh, việc học thêm đó đang bị “ép buộc ngầm”.

Bắt học sinh chính khóa phải học thêm có phải giáo viên đang dạy 2 lần/ 1 chương trình

Cùng trao đổi và nhìn nhận về vấn đề dạy thêm, học thêm từ các quốc gia khác trên thế giới, một chuyên gia giáo dục từng có nhiều năm học tập, giảng dạy, nghiên cứu trong và ngoài nước cho rằng, không nên để tồn tại các hoạt động dạy thêm đối với các giáo viên dạy học sinh chính khóa.

Vị chuyên gia này nêu quan điểm: “Nếu muốn tổ chức dạy thêm với học sinh chính khóa thì chúng ta đặt ra câu hỏi và các giáo viên đó cần phải trả lời được đó là, có phải cùng một chương trình nhưng do lần dạy thứ nhất ở trường không thành công hay sao mà phải dạy thêm với chương trình đó tại nhà?

Bởi lẽ mục đích cho việc học thêm của học sinh là để nâng cao và mở rộng kiến thức mà trong phạm vi sách giáo khoa không có, việc này ở các trung tâm dạy thêm được cấp phép hoàn toàn đủ điều kiện đáp ứng.

Hơn nữa, ở trung tâm, học sinh có quyền đăng ký học thêm hoặc không đăng ký, hoàn toàn tự nguyện. Các giáo viên giảng dạy tại trung tâm có khi còn không biết học sinh đó của trường nào, lớp nào thì làm sao xảy ra được các tiêu cực, chèn ép học sinh được.

Nếu không phải vì các lý do nhằm kèm cặp học sinh quá yếu hoặc để nâng cao kiến thức ngoài chương trình chính khóa thì không có lý do gì phải tổ chức các lớp học thêm với học sinh chính khóa. Qua đó, tôi cho rằng nên hạn chế hoạt động này để tránh các hệ lụy không đáng có”.

 Một lớp dạy thêm tại nhà dân trên địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Mạnh Đoàn

Một lớp dạy thêm tại nhà dân trên địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Mạnh Đoàn

Chia sẻ thêm về hoạt động dạy thêm tại một số quốc gia tiên tiến trên thế giới, vị này dẫn ra tại quốc gia Phần Lan. Theo đó học sinh tại quốc gia này vẫn có học thêm nhưng chỉ được tổ chức tại trường. Điều đặc biệt tại quốc gia này là việc học thêm của học sinh hoàn toàn miễn phí.

“Các lớp học thêm đó chỉ dành cho các học sinh học lực yếu, cần phụ đạo để theo kịp các bạn khác trong lớp. Hoặc là những học sinh nào có lực học tốt, có nhu cầu học nâng cao để bứt phá trong học tập.

Ở các nhà trường tại Phần Lan họ cho rằng, việc dạy thêm là một phần trách nhiệm của giáo viên đối với học sinh chứ không coi đó là một hoạt động mang yếu tố thu lợi nhuận”, chuyên gia giáo dục chia sẻ.

Trung Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-vien-day-them-hoc-sinh-chinh-khoa-tai-nha-trung-tam-loi-it-hai-nhieu-post247652.gd