Giáo viên Hà Nội trăn trở, gỡ khó trong giảng dạy môn tích hợp

Môn tích hợp là điểm nghẽn, điểm khó nhất trong triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Thay vì than khó, ngại khổ, nhiều giáo viên Hà Nội đã biến trăn trở thành giải pháp để gỡ rối cho giảng dạy môn tích hợp. Cách làm của các cô có giá trị lan tỏa trong toàn ngành.

Tăng hiệu quả, giảm áp lực

Gần 17 năm gắn bó với nghề giáo, cô Hoàng Thị Vân, giáo viên môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Định Công, quận Hoàng Mai đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong lòng học sinh, phụ huynh cùng đồng nghiệp bởi sự tâm huyết với nghề và tấm lòng yêu thương học sinh hết mực.

Cô Phạm Thị Duyên (thứ 3 bên trái) và cô Hoàng Thị Vân (thứ 2 bên phải) tại chung khảo Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo 2023

Cô Phạm Thị Duyên (thứ 3 bên trái) và cô Hoàng Thị Vân (thứ 2 bên phải) tại chung khảo Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo 2023

Là tổ phó chuyên môn, cô không ngừng nghiên cứu và ứng dụng các cải tiến, sáng kiến khoa học đưa vào công tác hoạt động của tổ một cách hiệu quả, sáng tạo.

Cô Vân kể lại: Khi môn Khoa học tự nhiên được đưa vào giảng dạy, đội ngũ giáo viên đơn môn trước đây chỉ được bồi dưỡng chứng chỉ trong một thời gian ngắn đã phải dạy liên môn. Tình huống ấy khiến không ít đồng nghiệp của cô lúng túng, lo lắng, mất tự tin và cũng mất nhiều thời gian khi phải kiếm tìm nguồn tư liệu cho việc soạn giảng.

“Chứng kiến cảnh đó, tôi khao khát có giải pháp giúp bản thân và đồng nghiệp giảm được cường độ làm việc mà vẫn tăng hiệu quả công việc. Ý tưởng về kho học liệu dùng chung được ra đời”, cô Vân chia sẻ.

Thời gian sau đó, cô Vân đã dành rất nhiều tâm huyết để tìm hiểu và xây dựng “Kho học liệu số dùng chung môn Khoa học tự nhiên” trên nền tảng ứng dụng của google là google sites - một công cụ hỗ trợ cho giáo viên trong quá trình dạy. Khi gửi ý tưởng tham dự Cuộc thi thiết kế kho học liệu số lần thứ nhất do Bộ GD&ĐT tổ chức, cô Vân bất ngờ và vui mừng khi ý tưởng lọt vòng chung khảo.

“Sao ý tưởng chỉ để đi thi mà không hiện thực hóa tại trường để bản thân mình và đồng nghiệp bớt vất vả?”. Nghĩ là làm, cô đã đề đạt, xin ban giám hiệu vào bắt tay xây dựng kho học liệu. Ban đầu tuy có chút lo lắng nhưng với sự hỗ trợ tích cực của các thầy cô giáo yêu công nghệ, giàu tâm huyết, kho học liệu đã dần hoàn thành và đi vào sử dụng.

Từ đây, các giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên phần nào thấy tự tin hơn trong việc tìm kiếm nguồn tư liệu cho giảng dạy. Học sinh cũng qua việc sử dụng kho học liệu thấy hứng thú hơn trong học tập, thêm yêu thích môn Khoa học tự nhiên, mạnh dạn hơn trong quá trình học.

Tương tự cô Vân, cô giáo Phạm Thị Duyên, Trường THCS Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm đã xây dựng: “Kho học liệu số môn Khoa học tự nhiên và Lịch sử & Địa lí lớp 6, 7”.

Cô Duyên cho hay: Kho học liệu với tài khoản và dung lượng miễn phí, giáo viên có thể lưu trữ và sử dụng dễ dàng trên mọi thiết bị thông minh có kết nối Internet và được cấp quyền truy cập.

Kho học liệu có 5 thư mục lớn, các thư mục được bố trí khoa học, dễ tìm kiếm. Không những vậy, phần tài nguyên được sắp xếp theo khối lớp/môn học/chủ đề dạy học và theo thứ tự lần lượt là: thiết bị dạy học, bài giảng điện tử, sơ đồ tư duy, phiếu học tập các tiết dạy.

Được biết, kho học liệu có tổng 88 thiết bị tranh ảnh, 24 video/clip, 275 bài giảng điện tử và tài liệu tham khảo. Hệ thống sơ đồ tư duy do chính cô Duyên cùng đồng nghiệp vẽ trên phần mềm imindmap 10.0 theo từng tiết dạy, chủ đề. Sự đa dạng và tiện ích đó mang đến nhiều giá trị cho học sinh và các thầy cô giáo dạy môn tích hợp.

Tiết kiệm hàng trăm triệu đồng

Ý tưởng sáng tạo của cô Phạm Thị Duyên đã tiết kiệm được ngân sách Nhà nước hàng trăm triệu đồng. Cụ thể: Theo rà soát và đề xuất của giáo viên, để mua sắm đủ 232 danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, dự toán kinh phí mua sắm là 245 triệu đồng.

Tuy nhiên kho học hiệu số của cô Duyên với 112 danh mục thiết bị dạy học đã giúp nhà trường giảm được một nguồn kinh phí đáng kể. Nhờ có kho học liệu số, nhà trường chỉ phải mua khoảng 120 danh mục thiết bị với kinh phí khoảng 113 triệu đồng. Như vậy ý tưởng sáng tạo của cô Duyên đã giúp nhà trường tiết kiệm được khoảng 132 triệu đồng.

Học sinh Trường THCS Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm

Học sinh Trường THCS Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm

Tiếp đến, kho học liệu số đã giúp học sinh có kỹ năng tự học, tự nghiên cứ; từ đó học sinh được phát triển năng lực và phẩm chất toàn diện, đáp ứng mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Thêm nữa, kho học liệu số đã giúp giáo viên giảng dạy môn Khoa học tự nhiên và Lịch sử & Địa lí khối 6,7 tiết kiệm được thời gian tìm kiếm tài liệu, mượn trả đồ dùng dạy học, thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương pháp dạy học. Giáo viên giảm áp lực trong công việc, giúp thầy cô thêm yêu nghề, yêu trường, yêu lớp, góp phần xây dựng thành công mô hình Trường học hạnh phúc.

Dù không có con số cụ thể nhưng ý tưởng của cô Hoàng Thị Vân cũng được đánh giá là giải pháp hiệu quả, hợp lý và tiết kiệm. Giá trị hơn khi kho học liệu đó không chỉ giúp ích cho cô, cho giáo viên ở trường cô mà giáo viên ở bất kỳ trường nào trên toàn quốc cũng có thể tham khảo để sử dụng.

Hai ý tưởng về kho học liệu môn tích hợp của cô Hoàng Thị Vân và cô Phạm Thị Duyên lọt chung khảo Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo năm 2023 và được Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân đánh giá rất cao bởi trên hết, nó thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, tâm huyết của các cô với nghề nghiệp và nhiệm vụ của mình.

“Các cô giáo đã rất thông minh khi phối kết hợp với đồng nghiệp, tổ nhóm chuyên môn để bàn thảo, lên ý tưởng và thực hiện. Sau khi thiết kế thành công, các cô đưa lên nhóm chung, giúp lan tỏa ý tưởng để đồng nghiệp có thể biết, hiểu, vận dụng; từ đó nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy môn tích hợp và dần đáp ứng với yêu cầu của Chương trình mới...", ông Nguyễn Ngọc Ân ghi nhận.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giao-vien-ha-noi-tran-tro-go-kho-trong-giang-day-mon-tich-hop.html