Giáo viên hiến kế đưa giáo dục vùng khó cất cánh
Tại hội thảo nâng cao chất lượng giáo dục trung học trên địa bàn miền núi Quảng Trị, nhiều giáo viên đang công tác tại khu vực này đã đưa ra nhiều kế sách để thúc đẩy phát triển giáo dục.
Chất lượng giáo dục còn khoảng cách
Những năm qua, diện mạo giáo dục ở huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông có nhiều khởi sắc. Công tác quy hoạch và bố trí mạng lưới trường lớp cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xóa được “bản trắng” giáo dục; nhiều trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang; tỷ lệ học sinh (HS) trong độ tuổi đến trường ngày càng tăng; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng cũng tăng dần lên qua các năm…
Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể của GD-ĐT tỉnh nhà, vẫn còn sự cách biệt khá xa so vùng đồng bằng, đô thị, nhất là ở khối cấp trung học. Trong đó, đối với khối THCS, tỉ lệ HS xếp loại hạnh kiểm tốt thấp vùng thuận lợi hơn 10%, trong khi có hạnh kiểm yếu cao hơn từ 3 - 4%; xếp loại HS học lực giỏi thấp hơn 10 - 12%, trong khi tỉ lệ HS có học lực trung bình cao hơn 20% so với mặt bằng chung, tỉ lệ HS kém cũng cao hơn mức trung bình của tỉnh.
Khối THPT cũng tương tự, HS xếp loại hạnh kiểm tốt thấp hơn 3%, trong khi chất lượng hạnh kiểm trung bình và yếu cao hơn 3 - 5%; tỉ lệ HS xếp loại học lực giỏi thấp hơn 5 - 7%, trong khi có học lực yếu kém lại cao hơn 6 - 8% so với mức trung bình chung.
Thực trạng này khiến tỉ lệ HS tốt nghiệp THPT trong năm 2020 - 2021 của 2 huyện khá thấp, chỉ đạt hơn 82%, so với mặt bằng chung của tỉnh là hơn 94%.
Ông Phan Văn Đức - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đakrông cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó phải kể đến: Địa bàn bị ngăn sông cách núi; cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học còn thiếu; đội ngũ giáo viên còn thiếu và chưa đồng bộ; hơn 50% dân số là người đồng bào Pa Cô, Vân Kiều đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, tập quán sinh hoạt còn lạc hậu nên việc huy động học sinh đến trường và duy trì sĩ số không hề đơn giản...
“Chất lượng giáo dục mũi nhọn của Đakrông vẫn còn là điểm trắng, bởi liên tục trong 3 năm học qua, toàn huyện chỉ có 10 HS đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh với chất lượng giải thưởng không cao. Đây là minh chứng về sự cách biệt khá xa giữa chất lượng giáo dục trung học nói riêng và chất lượng GD-ĐT nói chung so với các huyện thị khác trong tỉnh”, ông Đức nói.
Nhiều kế sách thiết thực
Theo lãnh đạo ngành GD-ĐT Quảng Trị, để tháo gỡ khó khăn trên cần giải quyết tốt bài toán sắp xếp lại mạng lưới trường lớp; tăng cường huy động và ưu tiên phân bổ nguồn lực cho giáo dục miền núi; xây dựng đội ngũ nhà giáo công tác ở vùng miền núi đủ về số lượng, vững về chất lượng; tăng cường lồng ghép các nội dung, hoạt động giáo dục để nâng cao năng lực, kỹ năng sống và giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc cho HS tại các trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện và bình đẳng…
Còn đối với công tác dạy và học ở các bộ môn, cô Nguyễn Thị Kim Hảo – giáo viên Ngữ văn Trường THPT A Túc (huyện Hướng Hóa) chia sẻ: Đa số HS ở miền núi chưa xác định được trọng tâm của môn Ngữ văn. Các kỹ năng còn hạn chế, vì thế, phần lớn HS không muốn, hoặc không thích học văn.
Cô Hảo cho rằng, trong các văn bản trọng tâm của chương trình có thể cho các em vẽ tranh mô phỏng, đóng tiểu phẩm hay sử dụng sơ đồ tư duy để tóm tắt tác phẩm, sau đó thuyết trình trước lớp. Hình thức này tạo hiệu ứng rất tốt từ HS và giúp các em nắm bắt nội dung tác phẩm hiệu quả hơn nghe đọc văn bản trong SGK. Tương tự, phương pháp kiểm tra đánh giá cần đa dạng và linh hoạt chứ không nhất thiết cứ kiểm tra bài cũ mới cho điểm kiểm tra thường xuyên…
Còn thầy Phạm Duy Thảo – Hiệu trưởng Trường THPT Lao Bảo cho rằng: Môn Toán với những kiến thức trọng tâm, dạng bài tập cốt lõi, giáo viên cần thực hiện nhiều lần và đặt vấn đề tương tự để HS giải quyết. Kiến thức cần trình bày phù hợp để HS dễ tiếp thu, tái hiện và lồng ghép các bài toán thực tế vào quá trình giảng dạy nhằm gây hứng thú cho HS.
Để có thể giúp nhiều học sinh ở vùng cao “thoát cảnh” mù ngoại ngữ, cô Phan Thị Duyên – giáo viên Trường PTDT bán trú THCS Pa Nang (huyện Đakrông) kiến nghị: Cần mở các lớp phụ đạo HS yếu môn Tiếng Anh ở từng khối lớp để các em có kiến thức cơ bản về môn học; tổ chức các hoạt động ngoại ngữ trong điều kiện cho phép như thi hùng biện để đưa môn học này đến gần hơn với HS…
“Để phát triển giáo dục miền núi Quảng Trị, ngoài sự nỗ lực của ngành GD-ĐT, rất cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Chỉ khi khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền trên địa bàn tỉnh được rút ngắn thì giáo dục Quảng Trị mới thực sự cất cánh đi lên”, Bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị nhận định.