Giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có được công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở?

Không phải giáo viên nào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cũng được đề nghị công nhận danh hiệu 'Chiến sĩ thi đua cơ sở'.

Việc bình xét thi đua khen thưởng vào cuối mỗi năm học, trong đó có danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" luôn nhận được nhiều sự quan tâm và tìm hiểu của giáo viên ở các nhà trường mầm non, phổ thông.

Tuy vậy, không phải thầy cô giáo nào cũng hiểu rõ về những quy định có liên quan đến danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở".

Đáng chú ý, không phải giáo viên nào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cũng được công nhận "Chiến sĩ thi đua cơ sở" vì liên quan đến các quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 và Nghị định 98/2023/NĐ-CP.

Trong phạm vi bài viết này, người viết là giáo viên cung cấp đến bạn đọc một số quy định liên quan đến danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở các cấp.

Thứ nhất, Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 có hiệu lực từ 01/01/2024, quy định việc xếp loại thi đua giáo viên có nhiều điểm đáng lưu ý.

Theo đó, việc xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở theo Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 có thể tạo điều kiện cho những giáo viên không đạt sáng kiến kinh nghiệm vẫn có thể được xét danh hiệu này.

Cụ thể, theo Điều 23 Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 quy định về điều kiện, tiêu chuẩn để được xét danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” cần các tiêu chuẩn sau đây:

"Điều 23. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”

Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:

1. Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;

2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận."

Như vậy, danh hiệu để đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" thì không bắt buộc giáo viên phải có sáng kiến mà có thể thay bằng đánh giá mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc đề tài/đề án khoa học.

Theo tìm hiểu của người viết, từ năm học 2023-2024, nhiều giáo viên có khả năng nghiên cứu khoa học đã có những đề tài thiết thực được Sở Khoa học và Công nghệ địa phương nghiệm thu, ứng dụng hiệu quả trong việc giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ hai, không phải giáo viên nào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cũng được đề nghị công nhận "Chiến sĩ thi đua cơ sở".

Bởi vì, khoản 7 Điều 30, Mục 3, Chương IV Nghị định 98/2023/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng) nêu rõ:

“Đối với danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở, Cờ thi đua của Bộ, ban ngành, Cờ thi đua của Chính phủ phải có tỷ lệ phiếu đồng ý của Hội đồng Thi đua, khen thưởng cấp trình khen thưởng từ 80% trở lên trên tổng số thành viên hội đồng”.

Như vậy, cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” phải có tỷ lệ đồng ý của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp trình khen thưởng từ 80% trở lên tính trên tổng số thành viên của Hội đồng.

Đó cũng là lí do nhiều giáo viên vẫn viết sáng kiến để được đề nghị công nhận "Chiến sĩ thi đua cơ sở" - nếu sáng kiến được công nhận.

Theo ghi nhận của người viết, có hiệu trưởng cũng là Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng có cách làm rất thuyết phục giúp giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được bỏ phiếu "đồng ý" đạt tỉ lệ theo quy định.

Đó là, giáo viên được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là những thầy cô có thành tích cao trong công tác giảng dạy, giáo dục học sinh và hoạt động phong trào được tổ chuyên môn bầu chọn kĩ càng theo tiêu chí đánh giá cụ thể.

Cùng với đó, trước khi bỏ phiếu, hiệu trưởng phân tích, đánh giá, ghi nhận thành tích của những giáo viên được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để giúp thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đồng thuận, tín nhiệm, chứ không phải bỏ phiếu theo cảm tính.

Thứ ba, giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở được xét các danh hiệu khen thưởng khác như danh hiệu chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh; xét tặng huân chương Lao động hạng Ba; xét tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ pháp lí: Theo khoản 1 Điều 22 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 quy định danh hiệu chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh (trích):

Có thành tích xuất sắc tiêu biểu được lựa chọn trong số những cá nhân có 03 lần liên tục được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.

Theo điểm e khoản 1 Điều 44 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 quy định: “Huân chương Lao động” hạng Ba (trích):

Đã được tặng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” và sau đó có liên tục từ 05 năm trở lên đến thời điểm đề nghị được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong thời gian đó có từ 01 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có 03 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Theo điểm b khoản 1 Điều 73 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 quy định “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” (trích):

Đã được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh và có liên tục từ 05 năm trở lên đến thời điểm đề nghị được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong thời gian đó có 03 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.

Thứ tư, giáo viên đạt chiến sĩ thi đua cơ sở có thể được nâng lương trước hạn. Căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư 08/2013/TT-BNV, giáo viên lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ có thể được nâng bậc lương trước thời hạn.

Việc lập thành tích xuất sắc nhiệm vụ thường được xác định bằng việc đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do thủ trưởng đơn vị đánh giá, đạt các chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên hoặc các bằng khen cấp tỉnh, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…

Như vậy, giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở cũng là căn cứ để được đề nghị nâng lương trước thời hạn.

Thứ năm, theo Nghị định 98/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi đua, khen thưởng thì mức tiền thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp được tính dựa trên mức lương cơ sở. Mức tiền thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp năm 2025 như sau:

- Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”: 10.530.000 đồng.

- Danh hiệu Chiến sĩ thi đua bộ, ban, ngành, tỉnh: 7.020.000 đồng.

- Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”: 2.340.000 đồng.

Việc xét danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng tuân thủ theo nguyên tắc quy định tại Điều 4 Nghị định 98/2023/NĐ-CP (trích):

Khen thưởng căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn và thành tích đạt được, không yêu cầu phải qua khen thưởng mức thấp hơn mới được xét mức cao hơn.

Cấp có thẩm quyền thực hiện khen thưởng hoặc đề xuất cấp trên xét khen thưởng cho các tập thể, cá nhân đủ điều kiện.

Kết quả khen thưởng đột xuất hoặc thi đua theo chuyên đề không làm căn cứ để đề nghị cấp trên khen thưởng công trạng.

Thứ sáu, Tỉ lệ chiến sĩ thi đua cơ sở không bị khống chế. Căn cứ theo quy định tại Điều 23 Luật Thi đua, Khen thưởng 2022; Điều 1 Nghị định 98/2023/NĐ-CP.

Việc “nới lỏng” điều kiện xét chọn danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” khiến nhiều giáo viên lo lắng sẽ có khả năng “lạm phát” danh hiệu này.

Điều này đòi hỏi Hội đồng Thi đua - khen thưởng cấp trường bình xét phải bảo đảm các nguyên tắc chính xác, công khai, công bằng, minh bạch, khách quan.

Tỉ lệ chiến sĩ thi đua cơ sở không bị khống chế mở ra nhiều cơ hội cho giáo viên, nhân viên các nhà trường. Nhưng, phải căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn và thành tích đạt được, gắn với minh chứng, sản phẩm cụ thể, thiết thực thì việc khen thưởng mới có ý nghĩa.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-vien-hoan-thanh-xuat-sac-nhiem-vu-co-duoc-cong-nhan-chien-si-thi-dua-co-so-post250866.gd