Giáo viên hưởng lợi gì từ lớp chứng chỉ bao đỗ liên kết với Đại học Vinh?
GDVN- Bỏ ra số tiền 2.5-3 triệu đồng cho một tấm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp 'bao đỗ' nhưng giáo viên lại không thu nhận thêm được kiến thức, chuyên môn gì.
Chứng chỉ chức danh giáo viên “bao đỗ, chống trượt” – học cho có
Hiện nay, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, chương trình gồm 3 phần:
Phần I: Kiến thức về chính trị, quản lý nhà nước và các kỹ năng chung (gồm 4 chuyên đề).
Phần II: Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp (gồm 7 chuyên đề).
Phần III. Tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch.
Thời gian bồi dưỡng: Tổng thời gian = 6 tuần x 5 ngày làm việc/tuần x8 tiết/ngày = 240 tiết.
Trong đó phần lý thuyết, thảo luận, thực hành chiếm 176 tiết; phần ôn tập chiếm 10 tiết; phần kiểm tra: 6 tiết; phần tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch: 44 tiết; công tác tổ chức lớp (khai giảng, bế giảng): 4 tiết.
Thâm nhập lò sản xuất chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, giáo viên nộp tiền là có!
Tại các lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp siêu tốc dành cho giáo viên do Trung tâm Ngoại ngữ Đông Nam Á (tầng 3, tòa nhà 168, Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội) liên kết với trường Đại học Vinh tổ chức, thời gian và chương trình học bị rút ngắn xuống chỉ còn khoảng từ 1 đến 2 ngày (thứ 7, Chủ nhật hàng tuần).
Đây cũng là “mánh lới” mà Trung tâm liên kết với Đại học Vinh sử dụng nhằm thu hút các đối tượng giáo viên mong muốn hoàn thiện chứng chỉ mà không cần phải học nhiều.
Điều này được chị T.H. nhân viên của Trung tâm Ngoại ngữ Đông Nam Á thừa nhận:
“Trung tâm đã tạo điều kiện hết mức cho các thầy cô rồi, đã giảm bớt 8 chuyên đề thì chỉ còn 2 buổi điểm danh thầy cô cố gắng điểm danh ít nhất một buổi.
Đối với thầy cô nào không đi được thì có thể nhờ đồng nghiệp điểm danh hộ. Giảng viên của Trung tâm là giảng viên của Đại học Vinh chính vì thế thầy cô thực hiện nghiêm túc.
Nếu muốn về sớm thầy cô có thể đề xuất phương án với giảng viên, có thể đẩy thời gian học sớm hơn để kết thúc nhanh chóng.
Trung tâm sẽ tác động thêm đến giảng viên để hỗ trợ các thầy cô được về sớm”.
Ngoài việc rút ngắn thời gian và chương trình học, những lớp học chứng chỉ siêu tốc kiểu này còn làm sẵn bài thu hoạch cho giáo viên, giáo viên chỉ việc đi in và nộp lại cho trung tâm.
Trường hợp giáo viên in hộ đồng nghiệp không có mặt tại buổi học chỉ cần thay đổi tên và đơn vị công tác.
Như vậy những bài thu hoạch kiểu này chỉ để cho có, hợp thức hóa thủ tục, giấy tờ chứ thực chất kiến thức đó không thể gọi là kiến thức của giáo viên.
Lấy ví dụ, cô giáo L.T.H, giáo viên tại Thanh Hóa, trong buổi học lớp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp dành cho đối tượng giáo viên Trung học Cơ sở hạng I, cô H. đã chuẩn bị trước bài thu hoạch kết thúc khóa học.
Thế nhưng thực chất bài thu hoạch này do nhân viên của trung tâm gửi trước cho cô H. qua địa chỉ email.
Nội dung bài thu hoạch gồm 3 phần theo chương trình học của Đại học Vinh.
Đối với những học viên không thể về học tại Trung tâm, những người này sẽ được hỗ trợ bằng cách: Trung tâm in bài thu hoạch và gửi về địa chỉ của học viên.
Học viên sẽ phải đóng thêm 200.000 đồng.
Tại buổi học, một số học viên đã chuẩn bị sẵn bài thu hoạch, học viên chưa có bài thu hoạch có thể mượn bài của nhau và chỉ cần thay đổi học tên và đơn vị công tác là được.
Chị L.T.H cho biết: “Bài thu hoạch phía trung tâm đã gửi cho chị trước một tuần. Mình chỉ cần in và đến hôm đi học thì nộp lại cho trung tâm là được thôi. Nếu muốn mượn bài thì chị gửi qua email cho và thay đổi họ tên là được.
Bên trung tâm cho biết nếu nhờ họ làm bài thu hoạch và in sẵn, nộp hộ thì phải đóng thêm 200.000 đồng.
Nói chung mình đã không muốn học mà vẫn có chứng chỉ thì phải đóng tiền thôi em. Ở huyện chị, nếu danh sách của trường gửi lên Phòng giáo dục sẽ được miễn phí nhưng phải đi học 2 tháng”.
Trong khi đó tư vấn viên T.H của Trung tâm Ngoại ngữ Đông Nam Á hướng dẫn:
“Hiện nay lệ phí chung của trung tâm thu theo quy định là 2.5 triệu đồng. Những ai đi học được thì chỉ cần đóng 2.5 triệu đồng thôi.
Nếu ai bận không đi học được thì bọn chị hỗ trợ thuê sinh viên đi học và chép bài kiểm tra 2 ngày; mỗi ngày 50.000 đồng, hai ngày là 100.000 đồng.
Bài thu hoạch đóng quyển ai không tự làm và in được thì đóng thêm 100.000 đồng, trung tâm chị sẽ làm và in hộ, nộp hộ”.
Ai là đối tượng hưởng lợi nhất từ các loại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp?
Từ những thực tế mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh qua loạt bài: Thâm nhập lò sản xuất chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, giáo viên nộp tiền là có!; độc giả có thể hình dung được đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ những quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp (nếu không được tổ chức đúng) đó là các trung tâm môi giới và các trường đại học được cấp phép đào tạo và cấp loại chứng chỉ này.
Những thực tế này đã được nhiều giáo viên chỉ ra, nhưng chỉ đến khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam “bắt tận tay, day tận trán” một buổi học cấp tốc kiểu trên mới có đối chứng cho việc làm này.
Giáo viên biên chế đang hưởng lợi từ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chức danh?
Lấy ví dụ, một buổi học chứng chỉ chức danh Trung học Cơ sở hạng I tại Trung tâm Ngoại ngữ Đông Nam Á có sĩ số lớp 52 học viên.
Trung bình mỗi học viên phải đóng từ 2.3 – 2.7 triệu đồng. Nguyên ngày hôm đó Trung tâm có 4 lớp, khi nhân số tiền lên sẽ ra con số tương đối lớn.
Chưa kể Trung tâm còn có các dịch vụ ôn, thi cấp tốc chứng chỉ tiếng Anh, chứng chỉ tin học mở thứ 7, chủ nhật hàng tuần.
Chính vì thế số tiền các Trung tâm thu được từ những hoạt động kiểu này là một số tiền không hề nhỏ.
Thật khó có thể tưởng tượng những buổi học bát nháo và đầy tiêu cực như trên lại hướng đến đối tượng là giáo viên – những người làm công việc cao quý đó là giáo dục, trồng người.
Độc giả Anh Đức bình luận: “Cần xem lại cách làm của một số trường Đại học, quá bát nháo chứ tất cả chứng chỉ đều có giá trị của nó: Giúp giáo viên phát triển giảng dạy, nâng cao chuyên môn; phẩm chất, đạo đức.
Đây là nghề cao quý cần có sự đánh giá đúng vai trò và giáo viên tự hào nếu như mình ngang bằng về ngoại ngữ và công nghệ thông tin với các em học sinh, sinh viên mình đang dạy (trừ giáo viên mầm non, tiểu học vùng cao, vùng khó khăn). Mình không thể là tấm gương trong học tập nếu như mình yếu và còn gian lận như này”.
Độc giả nêu ý kiến, đề nghị Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có các hoạt động thanh, kiểm tra các hoạt động giảng dạy, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp tại Trung tâm Ngoại ngữ Đông Nam Á, trường Đại học Vinh.
Bên cạnh đó liên Bộ cũng cần có những đánh giá, nghiên cứu về tính cần thiết, sự hiệu quả của loại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nêu trên.