Giáo viên không muốn về làm công tác quản lý vì chế độ thấp
Chiều 5/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi tiếp xúc cử tri chuyên đề với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi. Các giáo viên, nhà quản lý giáo dục gửi nhiều tâm tư, kiến nghị đến các đại biểu về biên chế, đãi ngộ đối với cán bộ phòng giáo dục, giáo viên miền núi.
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri là giáo viên, nhà quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi quan tâm nhiều đến việc thực hiện sáp nhập, tiếp nhận hệ thống trường nghề từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội đưa về Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý. Cử tri kiến nghị giữ nguyên chế độ đối với các cơ sở đào tạo nghề; xem xét thay đổi quy định các trường hợp không được thuyên chuyển.
Hiện nay, quy định giáo viên muốn thuyên chuyển phải đủ 3 năm trở lên kể từ khi tuyển dụng mới được thuyên chuyển là chưa phù hợp với thực tế. Nếu phải đủ 3 năm, nhà giáo công tác tại miền núi, vùng có điều kiện khó khăn mới được thuyên chuyển thì khó có cơ hội cho giáo viên miền núi.
Trên địa bàn 5 huyện miền núi ở tỉnh Quảng Ngãi, việc thực hiện dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số là cần thiết. Tuy nhiên, Nghị định 105 của Chính phủ quy định chỉ giáo viên mầm non dạy tại các điểm trường lẻ được hưởng chế độ dạy tăng cường tiếng Việt. Cử tri mong muốn bổ sung đối tượng được hưởng chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số tại điểm trường chính.
Đại diện các Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị cần tháo gỡ khó khăn cho công tác tuyển dụng giáo viên đang thiếu hiện nay. Theo Luật Giáo dục 2019, Giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Trong khi đó, việc đào tạo trình độ cử nhân của các trường Đại học Sư phạm chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của địa phương, thiếu nguồn tuyển dụng, nhất là các địa phương thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Cô Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Minh Long kiến nghị: “Phòng Giáo dục Minh Long rất ít biên chế công chức. Khối lượng công việc rất lớn, có biên chế huyện phân nhưng tuyển dụng rất khó. Khi mà rút về phòng bao giờ cũng chọn giáo viên, cán bộ quản lý trội hơn, nhưng khó vì chế độ chính sách. Vì khi rút về phòng thì mất đi tiền thâm niên, tiền đứng lớp, không đảm bảo cuộc sống nên không thu hút được”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã lắng nghe và tiếp thu những kiến nghị của các thầy, cô giáo vùng miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Hiện nay, cả nước đang khẩn trương tổng kết và tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó có việc ngành Giáo dục tiếp nhận các cơ sở đào tạo nghề từ ngành Lao động Thương binh và Xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, đối với các quy định thuyên chuyển nhà giáo là kiến nghị đúng đắn, thời gian bao lâu sẽ phải nghiên cứu lại. Đoàn sẽ tiếp thu và có ý kiến với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chính phủ về vấn đề này:
“Tuyển sinh Đại học hiện nay 20 phương thức tuyển sinh và mỗi nơi làm mỗi kiểu, rất nhiều vấn đề còn vướng. Tới đây cần phải bàn tháo gỡ chuyện này. Việc tuyển sinh theo học bạ, theo điểm.. nhiều thứ, tạo ra chuyện là chất lượng nguồn nhân lực ngay từ đầu vào Đại học đã không ổn rồi thì phải tính toán thêm”.