Giáo viên Kỳ Sơn không còn phải góp tiền thuê người trực trường dịp Tết
Trực Tết là nhiệm vụ của nhà trường, không phải nhiệm vụ của giáo viên. Chúng tôi đã quán triệt kỹ các trường học thực hiện đúng theo quy định.
Năm nào cũng vậy, cứ đến mỗi dịp Tết Nguyên Đán thì câu chuyện trực Tết lại trở nên nóng hơn trên khắp các diễn đàn giáo dục.
Các thầy cô ở khắp mọi nơi chia sẻ về việc phân công trực Tết ở trường mình. Có nơi trực theo nhu cầu, nơi lại bắt buộc như là trách nhiệm.
Nhiều tranh luận nổ ra và trở nên bức xúc mà nguyên do cũng tại không ít trường học áp đặt mà không làm theo quy định đã được ban hành.
Nhiều trường vi phạm quy định về việc phân công giáo viên trực Tết
Người viết tìm kiếm trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, không có điều khoản nào quy định giáo viên phải trực Tết cả.
Tuy thế trong thực tế, không phải địa phương nào cũng thực hiện đúng. Có nơi, phòng giáo dục bắt các trường lên danh sách giáo viên trực Tết gửi về phòng trước ngày nghỉ Tết. Có danh sách, họ tổ chức đi kiểm tra, nếu phát hiện giáo viên vắng mặt sẽ bị xử lý.
Có nơi, hiệu trưởng phân công giáo viên trực Tết theo kiểu ấn định buộc phải thực hiện mà không cần biết thầy cô giáo ấy có lý do chính đáng như thế nào. Khi đã phân công thì hiệu trưởng cũng sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra.
Cách kiểm tra hữu hiệu nhất là gọi điện thoại bàn nơi giáo viên ngồi trực. Nếu có mặt, các thầy cô giáo sẽ nghe được cuộc gọi, còn không họ khẳng định ngay rằng giáo viên đã bỏ trực.
Có nơi thoáng hơn chút, hiệu trưởng cho phép giáo viên đăng ký ngày để trực phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình. Lại có nơi, hiệu trưởng gợi ý ai không muốn trực thì bỏ tiền thuê đồng nghiệp trực giúp.
Bên cạnh đó, vẫn còn những địa phương thực hiện việc phân công giáo viên trực Tết một cách nghiêm túc theo đúng quy định đã ban hành. Một trong những địa phương thực hiện tốt nhất chuyện phân công giáo viên trực Tết, theo cá nhân người viết đó là Kỳ Sơn, một huyện miền núi thuộc tỉnh Nghệ An.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn khẳng định: Trực Tết là nhiệm vụ của nhà trường
Nếu về Kỳ Sơn cách đây dăm năm về trước, hỏi đến chuyện trực Tết hàng năm chắc chắn sẽ được nghe rất nhiều câu chuyện buồn. Nhiều trường học bắt buộc tất cả giáo viên (trong đó có không ít thầy cô giáo ở miền xuôi) phải ở lại trực Tết.
Vì muốn ăn Tết cùng gia đình ở quê, nhiều thầy cô giáo đã phải góp tiền thuê bảo vệ và giáo viên địa phương trực hộ. Thế là, tiền Tết chẳng có đồng nào nhưng các thầy cô cũng phải dứt từ đồng lương ít ỏi để trả tiền trực Tết.
Vài năm trở lại đây, giáo dục Kỳ Sơn đã đổi khác khá nhiều, điển hình là chuyện trực Tết của giáo viên.
Ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An khẳng định với chúng tôi: “Trực Tết là nhiệm vụ của nhà trường, không phải nhiệm vụ của giáo viên. Chúng tôi đã quán triệt kỹ các trường học thực hiện đúng theo quy định.
Giáo viên được nghỉ trọn những ngày Tết mà không phải đóng góp tiền để thuê người trực như trước đây. Nhà trường có thể phân công giáo viên địa phương trực (khi họ có nhu cầu) nhưng phải trả tiền theo đúng theo quy định".
Giáo viên hồ hởi trước những quy định mới
Khá nhiều giáo viên khi chia sẻ với người viết về chuyện trực Tết đã rất hồ hởi, vui mừng vì cho biết nhờ không phải trực Tết như trước đây nên khi được nghỉ Tết là trở về nhà ngay để gặp con cái, cha mẹ sau bao ngày xa cách.
Tôi hiểu vì sao các thầy cô giáo lại vui đến thế. Mỗi năm, những giáo viên vùng xuôi lên miền sơn cước này cắm bản, phần lớn đều để lại con cái nơi quê nhà nhờ ông bà trông nom và chỉ được về thăm gia đình 2 lần trong năm vào dịp Tết Nguyên đán và thời gian nghỉ hè.
Nay, đã không phải trực Tết, cũng không phải nộp tiền thuê người trực nên ai nấy đều cảm thấy vui mừng.
Khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định (trích): Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây: Tết Âm lịch: 05 ngày.
Vì thế, giáo viên có quyền nghỉ trọn 5 ngày Tết mà không phải chịu sự phân công, áp đặt nào. Ép buộc giáo viên phải trực Tết như cách mà nhiều trường học hiện nay đang làm khi chính các thầy cô không có nhu cầu là vi phạm về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động.
Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi như sau (trích):
Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động…
Hy vọng rằng, các hiệu trưởng trường học ở nhiều địa phương cần nghiên cứu các quy định về việc nghỉ Tết, trực Tết của người lao động thật kỹ để thực hiện cho đúng, tránh tình trạng áp đặt gây nên nhiều bức xúc cho giáo viên.
Tài liệu tham khảo:
https://luatvietnam.vn/tin-phap-luat/quy-dinh-ve-truc-he-truc-tet-cua-giao-vien-230-27772-article.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.