Giáo viên mầm non sáng tạo đồ dùng dạy học
Trong thời gian học sinh chưa thể đến lớp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều giáo viên mầm non trong tỉnh Gia Lai đã cùng nhau sáng tạo các mô hình đồ chơi, đồ dùng dạy học vô cùng độc đáo.
Tận dụng những đồ dùng đã cũ và nguyên liệu sẵn có trong gia đình, cô Tống Thị Xinh-giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Hội Thương, TP. Pleiku) đã tạo thành những dụng cụ dạy học hữu ích, đẹp mắt. Đó là bộ tranh động vật bằng các loại hạt đậu, lúa, gạo, cà phê... và bộ tranh học chữ cái bằng đá. Sản phẩm sau khi hoàn thiện sẽ được trưng bày ở các góc chơi, góc tạo hình trong lớp và sử dụng trong các tiết dạy tạo hình, học chữ cái cho trẻ. “Vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mầm non và đồ chơi chính là phương tiện giáo dục trẻ hữu hiệu nhất. Vì vậy, tôi không ngừng tìm tòi, sáng tạo để làm ra những đồ chơi, đồ dùng dạy học mới mẻ; qua đó thu hút, kích thích tính tò mò, khám phá và tạo hứng thú cho trẻ”-cô Xinh chia sẻ.
Với tính sáng tạo, thẩm mỹ, an toàn và ứng dụng cao, 2 bộ tranh của cô Xinh đã đạt giải xuất sắc tại Hội thi làm đồ dùng, đồ chơi từ nguyên vật liệu phế thải do Trường Mầm non Hoa Hồng tổ chức. Cô Trần Thị Thủy-Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng-cho hay: Hàng năm, nhà trường đều tổ chức thi thiết kế đồ dùng dạy học với những chủ đề khác nhau nhằm phát huy, khuyến khích tinh thần sáng tạo, cải tiến nội dung, phương pháp dạy học của giáo viên; đồng thời, bổ sung và làm phong phú các thiết bị, đồ dùng, học liệu của nhà trường. Thông thường, mỗi cô giáo sẽ cùng với học sinh lớp mình thực hiện sản phẩm. Tuy nhiên, năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trẻ hiện vẫn chưa thể đến trường nên các cô tự làm tại nhà. Vì có nhiều thời gian hơn nên chất lượng sản phẩm mô hình giáo viên tạo ra cũng cao hơn. Nhiều đồ chơi, đồ dùng có tính mới, đa dạng phục vụ các môn học.
Tương tự, giáo viên Trường Mẫu giáo Hoa Mai (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) cũng vừa cùng nhau tạo nên diện mạo mới đẹp mắt cho khuôn viên điểm trường trung tâm. Những hòn đá vô tri, nằm lăn lóc bên vệ đường được các cô nhặt về rửa sạch, rồi khéo léo, tỉ mỉ biến chúng thành những chậu hoa, con vật, vườn rau củ quả hay mô hình ao hồ, biển đảo đầy màu sắc và có hồn. Hiệu trưởng Trần Thị Hồng Ánh thông tin: Giáo viên toàn trường chia thành 2 nhóm và tiến hành trang trí 7 gốc cây xanh trong sân trường. Vật liệu sử dụng chủ yếu từ các đồ dùng, phế liệu đã qua sử dụng, đá cuội, đá thiên nhiên… đảm bảo độ bền; bề mặt nhẵn, an toàn, không gây thương tích và không độc hại đối với trẻ. Ngoài trang trí gốc cây, chúng tôi còn thiết kế các giá treo truyện tranh trên mỗi thân cây để khi tới trường trẻ và phụ huynh có thể đọc mọi lúc, mọi nơi.
“Thay vì phải chịu sự gò bó trong phạm vi lớp học, cô và trò ngồi 1 chỗ dạy-học qua tranh thì trẻ có thể ra ngoài trời khám phá. Bằng hình ảnh trực quan, sinh động và nhiều màu sắc mà các cô tạo ra, trẻ có thể vừa học vừa chơi bất cứ lúc nào, tạo thêm niềm vui và sự yêu thích nơi các bé”-cô Nguyễn Thị Anh chia sẻ.
Có thể nói, đồ dùng dạy học là phương tiện không thể thiếu trong các tiết học cho trẻ. Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học trong giai đoạn hiện nay thì những đồ dùng hay thiết bị hỗ trợ là rất quan trọng. Dẫu các trường đều có đồ dùng dạy học được cấp sẵn nhưng trên thực tế, giáo viên vẫn là người hiểu và có thể sáng tạo nên các bộ đồ dùng, đồ chơi gần gũi, thiết thực nhất với nội dung bài học cũng như phù hợp với đối tượng học sinh.