Nhà giáo trong thời đại Công nghiệp 4.0
Tổng Bí thư Tô Lâm trong lần trao đổi với đại biểu Quốc hội gần đây nhất có phát biểu 'Trong đào tạo, người thầy rất quan trọng, muốn giáo dục phát triển được đầu tiên phải có thầy, có trường'. Câu nói ấy nhấn mạnh yếu tố then chốt của giáo dục - người thầy.
Với truyền thống "tôn sư trọng đạo", người Việt Nam trước nay vẫn thể hiện sự trân trọng và tôn trọng sâu sắc đối với những người làm nghề giáo, coi người làm việc trong học đường chính là người dẫn đầu về cả kiến thức và lối sống. Trong nhiều cuộc cách mạng trước đây của nền văn minh nhân loại, thầy giáo vẫn là lực lượng hàng đầu nắm sự khôn ngoan cũng như tri thức của dân tộc. Tuy nhiên, ngày nay, trong bối cảnh xã hội hiện đại với sự ra đời của Công nghiệp 4.0, vai trò của giáo viên đã không còn ở vị trí ấy nữa và nguy cơ người thầy bị bỏ quên sẽ hiện hữu nếu nhà giáo không tự mình thay đổi. Vì thế, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2024, những người làm nghề dạy học không chỉ là duy trì các nguyên tắc truyền thống mà còn phải mở rộng và thích ứng với những nhu cầu mới. Và từ đó, chữ tôn sư trọng đạo cũng cần phải được xem xét, bổ sung và phát triển cho phù hợp với hoàn cảnh.
Trong nền văn hóa truyền thống của Việt Nam, nghề dạy học thường được coi là có vai trò quan trọng trong xã hội. Quan niệm “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” đã tồn tại từ lâu trong tâm trí của bất cứ người Việt Nam nào từng trải qua giai đoạn học đường. Trật tự đáng kính trọng của một người trong thời phong kiến (Quân - Sư - Phụ) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của người thầy chỉ sau vị quân chủ. Trong một số trường hợp, người thầy có thể thay thế người cha với tư cách vừa là người truyền đạt kiến thức vừa là người bồi dưỡng đạo đức, hình thành nhân cách cho đứa trẻ. Ngược lại, để có được chỗ đứng vững chắc trong môi trường giáo dục có sự đổi mới ngày nay, thầy cô giáo cần phải thay đổi suy nghĩ về vai trò của mình: không còn chỉ là người dạy mà còn phải là người học; không chỉ là người đi trước có kinh nghiêm mà còn là người đồng hành sẵn sàng chia sẻ. Muốn vậy, người thầy phải luôn cập nhật và làm chủ công nghệ cần thiết cho nghề nghiệp trong thế kỷ 21. Một trong những yêu cầu cơ bản của giáo viên trong thế kỷ này là phải thành thạo các kỹ năng số và sử dụng công nghệ trong quá trình giảng dạy.
Kỷ nguyên Công nghiệp 4.0 là thời đại của các công nghệ như Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data) hay Công nghệ thực tế tăng cường (AR),... đã tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có cả giáo dục. Nếu như trước đây sự hướng dẫn trực tiếp và ghi nhớ là mô hình chuẩn của lớp học truyền thống thì bây giờ mô hình hiện đang được thay thế bằng lớp học trong môi trường chuyển đổi số kết hợp nhiều phương pháp dạy học linh hoạt. Giáo viên không còn vai trò truyền đạt kiến thức duy nhất nữa mà thay vào đó là vai trò người cố vấn giúp học sinh khám phá và giải quyết các vấn đề thực tế. Công nghệ giúp giáo viên thiết kế các bài học sáng tạo, hấp dẫn hơn, khuyến khích học sinh tham gia chủ động vào quá trình học tập hơn.
Các mô hình học tập hiện đại như học tập dựa trên dự án (project-based learning) hay học tập dựa trên vấn đề (problem-based learning) đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc phát triển kỹ năng tư duy phản biện và sáng tạo cho học sinh. Ví dụ, học sinh có thể sử dụng lập trình kéo thả như Scratch để xây dựng các mô phỏng khoa học, hoặc tham gia vào các dự án nhóm nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn. Những hoạt động này không chỉ cải thiện chất lượng giảng dạy mà còn chuẩn bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết để bước vào lực lượng lao động trong tương lai. Vì vậy, nếu như người giáo viên truyền thống có thể vượt qua nhiều khó khăn để đứng vững trên bục giảng phần lớn là nhờ vào sự tôn trọng của xã hội và học sinh dành cho trí tuệ của mình thì người giáo viên hiện đại muốn vượt qua khó khăn trong cuộc sống phải dựa trên việc làm chủ nền tảng công nghệ, làm chủ trí tuệ nhân tạo và đi đầu trong chuyển đổi số.
Việc sử dụng các công cụ hỗ trợ dạy học qua internet và trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp giáo viên tổ chức các lớp học hiệu quả hơn mà còn khuyến khích học sinh tham gia vào bài học. Đó là một trong những yêu cầu tối thiểu để hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ở nhiều trường học, các cải tiến công nghệ như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) hoặc in 3D đã xuất hiện trong các đơn vị bài học. Điều này giúp học sinh dễ dàng hiểu các khái niệm phức tạp, hoặc trải qua các thí nghiệm mà không cần phải lo về nguy cơ an toàn. Ví dụ, trong môn Hóa học, học sinh có thể sử dụng AR để khám phá cấu trúc nguyên tử hoặc sử dụng in 3D để tạo mô hình phân tử, điều này sẽ làm tăng sự hứng thú của các em và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thu kiến thức.
Lý tưởng là vậy nhưng sự thay đổi này cũng có một số nhược điểm và tạo ra thách thức đối với một số giáo viên. Nhiều thầy cô giáo, đặc biệt là ở vùng nông thôn hoặc trường học có nguồn lực hạn chế, chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc sử dụng và tiếp cận công nghệ. Lý do chính là thiếu cơ sở vật chất hay các chương trình tập huấn có tính chất đại trà của các cơ quan giáo dục chưa giúp giáo viên chạm đến vấn đề. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là từ ý thức nhà giáo. Do buộc phải liên tục cập nhật phần mềm và nền tảng mới trong khi vẫn duy trì nhiệm vụ giảng dạy hàng ngày của mình nên nhiều thầy cô giáo cảm thấy quá tải khi dạy học có ứng dụng công nghệ, một số người tìm cách thực hiện đối phó. Đồng thời, giáo viên lại tỏ ra xao nhãng trong các buổi tập huấn đổi mới phương pháp dạy học do cơ quan quản lý tổ chức. Ngoài ra, việc thiếu khả năng tiếp cận công nghệ ở một số khu vực khiến sự khác biệt trong khả năng tiếp cận công nghệ trở nên rõ rệt.
Từ thực trạng tiếp cận không đồng đều đã dẫn đến phong cách giảng dạy không đồng đều và thành công trong nghề dạy học giữa giáo viên với nhau bắt đầu có khoảng cách lớn. Có những nhà giáo kiếm tiền rất khá nhờ vào nắm bắt công nghệ (dạy online, viết các trang web hay xây dựng các chương trình dạy học tự động), trong khi có những người khác vẫn loay hoay và chật vật với chiếc máy tính và bản thiết kế in trên giấy A4.
Những nỗ lực cân bằng giữa truyền thống được tôn trọng và yêu cầu phải hiện đại hóa cách thức tiếp cận dạy học buộc giáo viên đang chuyển trạng thái từ người truyền đạt kiến thức sang người truyền cảm hứng và tạo động lực, phát huy tiềm năng của từng học sinh. Giáo viên giờ đây không chỉ rèn luyện và sử dụng kỹ năng truyền đạt kiến thức mà còn tập trung vào các kỹ năng tư duy phản biện, giao tiếp, hợp tác và sáng tạo của thế kỷ 21, mà những kỹ năng này đôi khi còn cần hơn cả kiến thức. Những kỹ năng đó sẽ giúp học sinh thành công ngoài cuộc sống, ở nơi làm việc tương lai và biến học sinh thành những thành viên cộng đồng có khả năng duy trì sự phát triển. Thầy cô giáo không thể “dạy đời” học sinh theo suy nghĩ và góc nhìn của mình nữa, ít nhất là các vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống với học sinh bậc trung học phổ thông. Việc thấu hiểu công nghệ, cập nhật kiến thức và làm chủ các kỹ thuật phương pháp dạy học với nền tảng tâm lý học hiện đại giúp cho giáo viên có cái nhìn thấu suốt và bản lĩnh hơn để cùng học và cùng thay đổi với học sinh.
Những yêu cầu nêu trên có thể dễ dàng được đáp ứng nếu giáo viên được đào tạo bài bản và tự học thường xuyên. Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục và Chính phủ phải tổ chức các chương trình xây dựng năng lực về sử dụng công nghệ và phương pháp sư phạm hiện đại không chỉ để làm quen với các công cụ mà còn để sử dụng đúng cách các công cụ này nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Đồng thời, trong điều kiện có một số giáo viên đã lớn tuổi, khó có thể đào tạo lại thì việc xây dựng các cộng đồng giáo viên sáng tạo để họ có thể trao đổi kinh nghiệm và giúp nhau học hỏi là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, đây chính là một rào cản lớn đối với một bộ phận giáo viên Việt Nam vì đặc trưng văn hóa. Rất đông thầy cô giáo ở Việt Nam tham gia vào các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm dạy học thường "ít trao” mà chỉ xin “đổi” tài liệu hoặc giáo án sẵn có. Nhiều giáo viên vẫn còn tư duy, kiến thức là của mình; lấy đó làm phương tiện kiếm sống ngoài học đường, không hề sẵn sàng tiếp thu cái mới và chia sẻ những gì mình đã có.
Trong bối cảnh Công nghiệp 4.0, truyền thống tôn trọng nhà giáo Việt Nam được xác định là đóng vai trò nền tảng quan trọng nhất. Tuy nhiên, sự tôn trọng truyền thống cần được kết hợp với các sự tôn trọng mới hơn về tính sáng tạo và khả năng thích ứng để đáp ứng các nhu cầu mới hơn. Sự tôn trọng cần được cung cấp với sự quan tâm đích đáng không chỉ đến các giá trị đạo đức truyền thống mà còn cả khả năng định hướng học sinh trong một thế giới năng động. Người thầy trong thế giới hiện đại tiếp tục có vị trí quan trọng, dẫn dắt sự phát triển xã hội. Muốn đảm đương trọn vẹn vai trò đó, sự kết hợp giữ truyền thống và cách tiếp cận hiện đại phù hợp sẽ cho phép giáo viên Việt Nam tiếp tục đóng vai trò cốt lõi trong hệ thống giáo dục của đất nước, đồng thời đảm bảo cho thầy cô giáo một vị trí trong việc xây dựng nền giáo dục hiện đại, toàn diện và cân bằng.