Giáo viên miền núi đến từng thôn, bản vận động học sinh trở lại trường
Sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều giáo viên ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) bỏ tiền túi mua sách, bánh kẹo đến nhà vận động học sinh đến trường.
Chiều 1/2, bà Nguyễn Thanh Nga - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) cho biết, địa phương chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số nên việc trở lại trường của học sinh sau kỳ nghỉ Tết dài ngày gặp khó khăn.
Báo cáo của Phòng GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho thấy, tỷ lệ trẻ quay trở lại trường học tính đến ngày ngày 30/1 (ngày mùng 9 tháng Giêng) ở cấp Mầm non là 81%, cấp Tiểu học và Trung học cơ sở là 95%.
Việc nhiều học sinh không trở lại lớp học sau dịp nghỉ Tết tồn tại nhiều năm nay tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Trị. Nguyên nhân là do những ngày đầu năm mới, nhiều em phải theo cha mẹ đi làm nương rẫy, một số em ốm đau.
Ông Đoàn Văn Anh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Húc (xã Húc, huyện Hướng Hóa) chia sẻ, trường có 7 điểm trường với hơn 550 học sinh và 34 lớp. Ngoài điểm trường ở khu vực trung tâm, còn có điểm trường ở các thôn: Húc Ván, Tà Rùng, Cu Dông, Tà Cu, Húc Thượng, Ho Le.
Các điểm trường đều nằm ở khu vực đồi núi, giao thông đi lại khó khăn. Trong khi khoảng cách giữa các điểm trường rất xa. Giai đoạn sau kỳ nghỉ Tết thường có nhiều học sinh vắng học.
"Để khắc phục, nhà trường chủ động thực hiện nhiều giải pháp như kết hợp hội cha mẹ học sinh, cán bộ thôn, xã và liên hệ với từng phụ huynh... để vận động học sinh đến trường chuyên cần", thầy Đoàn Văn Anh nói.
Tại Trường Tiểu học và THCS A Xing (huyện Hướng Hóa), nhân dịp Tết Nguyên đán, nhà trường tổ chức phát động mừng tuổi cho học sinh. Đặc biệt, bên cạnh những phong bao lì xì, sách vở để tặng học sinh đầu năm, nhiều giáo viên tại các điểm trường miền núi ở Quảng Trị mua bánh kẹo đến gõ cửa từng nhà học sinh để vận động các em quay lại trường.
Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa đang tiếp tục chỉ đạo các trường làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động, giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học, các em vắng học đến lớp chuyên cần.