Giáo viên môn nào đang phải soạn, chấm bài nhiều nhất ở bậc học phổ thông?

Giáo viên Ngữ văn được phân công dạy từ 4-5 lớp nên mỗi lần kiểm tra định kỳ sẽ có khoảng trên dưới 200 bài kiểm tra với gần ngàn trang giấy.

Ngày 20/11, tại Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo. Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành (Đoàn Nghệ An) đã nêu ý kiến: “Về chế độ làm việc của nhà giáo, do tính chất đặc thù trong lao động sư phạm của nhà giáo đòi hỏi phải có hành lang pháp lý đầy đủ về chế độ làm việc, đề nghị quy định thời gian soạn bài, chấm bài của nhà giáo cần được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trong năm, trong tuần.” [1]

Ý kiến của Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành đã nhận được sự đồng tình của đông đảo nhà giáo trên cả nước vì nó vừa đúng, vừa trúng, vừa phù hợp với thực tế công việc mà giáo viên đang đảm nhận trong năm học.

Thực tế cho thấy, mỗi khối lớp hiện nay ở các cấp học phổ thông có những môn học đang rất áp lực trong việc soạn bài, chấm bài vì hàng tuần số tiết dạy ở từng lớp nhiều và bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ cũng rất lớn. Môn Ngữ văn là một ví dụ minh chứng cụ thể nhất.

 Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Áp lực của giáo viên Ngữ văn trong việc soạn bài, chấm bài hằng năm

Hiện nay, ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông thì các môn: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh đang có số tiết nhiều nhất/ tuần/ lớp.

Chẳng hạn, môn Ngữ văn, Toán ở cấp Trung học cơ sở có 4 tiết / tuần/ lớp; môn tiếng Anh có 3 tiết/ tuần/ lớp và mỗi môn học này đều do 1 giáo viên đảm nhận.

Cấp Trung học phổ thông, các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh cũng có tiết/ tuần/ lớp nhiều nhất.

Cấp Trung học cơ sở có môn Khoa học tự nhiên cũng 4 tiết/ tuần/ lớp nhưng đang có 3 giáo viên giảng dạy; môn Hoạt động trải nghiệm có 3 tiết/ tuần/ lớp nhưng cũng có nhiều giáo viên cùng giảng dạy vì ngoài số tiết trên lớp sẽ có một số tiết dạy theo chủ đề cho cả khối.

Trong các môn nhiều tiết, có lẽ giáo viên Ngữ văn cấp Trung học cơ sở là áp lực nhất vì mỗi tuần có 4 tiết/ tuần/ lớp. Bởi lẽ, đặc trưng môn học này không chỉ trên lớp giáo viên phải nói nhiều, viết nhiều mà việc soạn bài, chấm bài cũng khá áp lực.

Hiện nay, gần như trường nào cũng phân công giáo viên dạy 2 khối lớp nên họ phải chuẩn bị mỗi tuần 8 bài giáo án. Ngoài ra nếu chủ nhiệm thêm giáo án chủ nhiệm và hoạt động trải nghiệm- hướng nghiệp; hoặc nếu dạy thêm Nội dung địa phương nữa thì mỗi tuần, giáo viên phải chuẩn bị thêm 1 giáo án nữa.

Vì thế, nếu vừa kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm; vừa dạy Nội dung giáo dục địa phương và 2 khối lớp môn Ngữ văn thì mỗi tuần, giáo viên phải soạn khoảng 10 bài giáo án với vô số những hoạt động dài lê thê.

Mỗi tuần có 7 ngày mà có từ 8-10 bài giáo án (tùy vào phân công nhiệm vụ) thì gần như trung bình ngày nào giáo viên cũng phải soạn từ 1 đến 1,5 bài giáo án.

Điều này cho thấy, mặc dù định mức tiết dạy của giáo viên cùng cấp như nhau: cấp Trung học cơ sở dạy 19 tiết/ tuần; giáo viên Trung học phổ thông dạy 17 tiết / tuần nhưng môn Ngữ văn luôn phải soạn giáo án nhiều nhất.

Các môn học khác, chỉ có 1-2 tiết/ tuần/ lớp thì mỗi tuần dù họ dạy 2 khối cũng chỉ phải soạn từ 2 - 4 giáo án; nếu thêm chủ nhiệm thì thêm giáo án Hoạt động trải nghiệm- hướng nghiệp nữa.

Ngoài ra, môn Ngữ văn cũng đang có số lượng bài kiểm tra nhiều nhất. Mỗi lớp có 4 bài kiểm tra thường xuyên và 2 bài kiểm tra định kỳ và đa phần các bài kiểm tra môn Ngữ văn đều thực hiện theo hình thức tự luận hoàn toàn. Thời gian kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn cũng nhiều hơn gần hết các môn học khác (trừ môn Toán) vì có đến 90 phút.

Chính vì bài kiểm tra tự luận và thời gian bài kiểm tra định kỳ có đến 90 phút nên học sinh viết khá dài. Chuyện bài kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn có từ 4-8 trang giấy là chuyện rất bình thường. Giáo viên được phân công dạy từ 4-5 lớp nên mỗi lần kiểm tra định kỳ sẽ có khoảng trên dưới 200 bài kiểm tra với gần ngàn trang giấy.

Trong khi, với đặc thù môn Ngữ văn vừa chấm vừa phải sửa lỗi chính tả, ngữ pháp, diễn đạt cho học sinh nên mất rất nhiều thời gian.

Mỗi học kỳ có hơn 4 tháng trời nhưng mỗi lớp có 6 bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ nên giáo viên phải thường xuyên soạn đề kiểm tra và chấm bài kiểm tra cho học sinh.

Điều này cho thấy giáo viên Ngữ văn hiện nay đang rất áp lực với việc soạn bài, soạn đề kiểm tra và chấm bài kiểm tra cho học sinh.

Thời gian soạn bài, chấm bài của nhà giáo được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy là cần thiết

Nhiều người không công tác trong ngành giáo dục vẫn thường cho rằng giáo viên phổ thông viên dạy 1 tuần có trên dưới 20 tiết thì đâu có vất vả gì nhưng để chuẩn bị cho dạy được chừng ấy số tiết là cả một vấn đề không hề đơn giản mà chúng tôi đã phản ánh ở phần đầu bài viết.

Vì thế, việc đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành (Đoàn Nghệ An) đề cập: “Về chế độ làm việc của nhà giáo, do tính chất đặc thù trong lao động sư phạm của nhà giáo đòi hỏi phải có hành lang pháp lý đầy đủ về chế độ làm việc, đề nghị quy định thời gian soạn bài, chấm bài của nhà giáo cần được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trong năm, trong tuần” là điều hoàn toàn hợp lý.

Bởi lẽ, giáo viên không chỉ đơn thuần dạy hết định mức số tiết trên lớp theo quy định là xong công việc mà họ có vô số những công việc chuẩn bị (soạn giáo án, chuẩn bị bài) rồi chấm bài cho học sinh. Ngoài ra thường xuyên tham gia hội họp, làm những việc không tên theo nhiệm vụ phân công như các ngành nghề khác.

Các ngành nghề khác có thể sau giờ hành chính là có thể nghỉ ngơi nhưng với giáo viên thì gần như đêm nào cũng phải làm việc. Không soạn giáo án thì soạn đề kiểm tra, chấm bài, nhập điểm cho học sinh và công việc này không chỉ theo thời điểm mà diễn ra quanh năm, suốt tháng của năm học.

Đặc biệt là mấy năm nay, khi ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì công việc đòi hỏi giáo viên phải đầu tư nhiều hơn về soạn giảng; về phương pháp giảng dạy nên áp lực công việc càng nhiều hơn trước.

Vì thế, giáo viên rất mong muốn những đề xuất của đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành (Đoàn Nghệ An) sẽ được các cơ quan chức năng nghiên cứu và có thể đưa vào áp dụng sớm nhất có thể. Nếu được quy đổi số tiết soạn bài, chấm bài cũng là một cách thể hiện đến công việc đặc thù của đội ngũ nhà giáo hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://m.giaoduc.net.vn/dbqh-de-xuat-thoi-gian-soan-bai-cham-bai-cua-gv-quy-doi-thanh-gio-day-tiet-day-post247178.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

.

THANH AN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-vien-mon-nao-dang-phai-soan-cham-bai-nhieu-nhat-o-bac-hoc-pho-thong-post247470.gd