Giáo viên mong được 'an cư'

Với những giáo viên công tác xa nhà, đặc biệt là giáo viên tại các trường ở xã vùng xa trên địa bàn tỉnh thì mong muốn có nơi ăn ở, sinh hoạt hằng ngày là nhu cầu thiết yếu, chính đáng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, để 'bám trường, bám lớp', nhiều giáo viên phải thuê trọ rất vất vả.

Chị Ngô Thị Hoài là giáo viên môn Tiếng Anh, quê ở Yên Bái, công tác tại Trường Tiểu học Lao Chải (thị xã Sa Pa) đã được 9 năm. Chồng chị cũng là giáo viên tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hầu Thào, thị xã Sa Pa. Để thuận tiện cho việc học của 2 con nhỏ, chị và chồng quyết định thuê nhà trọ tại khu vực trung tâm thị xã. Căn phòng trọ chật hẹp vỏn vẹn 20 m2 là nơi sinh hoạt của 4 người, mức thuê gồm cả điện, nước là 2,5 triệu đồng/tháng. Chị Hoài chia sẻ: “Hằng ngày, sau khi đưa các con đi học, tôi và chồng phải đi quãng đường hơn 10 km đến trường dạy học. Trong 9 năm, gia đình tôi đã phải đổi 3 phòng trọ do tăng giá. Điều kiện sinh hoạt chật chội phần nào ảnh hưởng tới cuộc sống và việc học tập của hai con nhưng không có cách nào khác, tôi vẫn phải tìm mọi cách để khắc phục”.

Cô giáo Dương Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lao Chải cho biết: Trường có 49 cán bộ, giáo viên thì có tới 13 giáo viên phải thuê nhà trọ. Năm 2017, nhà trường được đầu tư xây dựng 7 phòng công vụ giáo viên với diện tích 14 m2/phòng, tuy nhiên phải nhường lại cho học sinh bán trú.

Cùng cảnh ngộ với chị Hoài là thầy giáo Hà Văn Mười, giáo viên Âm nhạc, quê ở Phú Thọ, lên công tác tại huyện Bắc Hà đã được 14 năm. Do trường không có nhà công vụ nên thầy giáo Mười và gia đình phải thuê phòng trọ tại trung tâm huyện với giá hơn 3 triệu đồng/tháng. Hơn 10 năm công tác tại đây, thầy giáo Mười không nhớ đã thay đổi chỗ ở biết bao nhiêu lần.

Thầy giáo Mười tâm sự: Ở đây, việc tìm nhà trọ không mấy khó khăn nhưng giá cao so với mức lương của giáo viên. Vợ tôi công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Mòn 1 cách nhà trọ 13 km. Sáng nào, vợ tôi cũng phải dậy từ 5 giờ mới kịp đi làm. Đồng lương giáo viên không đáng là bao cộng với khoản tiền nuôi 2 con nên cuộc sống vất vả lắm!

Tại nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh, chuyện nhà ở là nỗi nhọc nhằn của giáo viên từ nơi khác đến và phần lớn họ phải “tự thân vận động”. Hiện nay, ngoài chế độ đãi ngộ phục vụ tại vùng xa, thầy cô giáo chưa hưởng được chế độ, chính sách nào từ nhà ở. Chi phí thuê nhà đắt đỏ, điều kiện sinh hoạt chật chội, thiếu thốn đã ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của giáo viên, từ đó phần nào tác động đến chất lượng giảng dạy mỗi giờ lên lớp.

“An cư lạc nghiệp” có thể coi là giải pháp để giữ chân giáo viên gắn bó với giáo dục, góp phần vào sự phát triển toàn diện, bền vững của giáo dục. Tuy nhiên, do quy mô phát triển giáo dục tăng nhanh, ngân sách cấp huyện còn hạn hẹp nên việc đầu tư xây dựng nhà công vụ từ ngân sách cấp huyện gặp nhiều khó khăn. Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo và đề nghị UBND tỉnh đồng ý về chủ trương giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát tổng thể nhu cầu nhà công vụ giáo viên, nhà ở học sinh bán trú. Trên cơ sở đó tham mưu cho UBND tỉnh giao kế hoạch xây dựng nhà ở học sinh bán trú, nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2023 - 2030, trong đó đầu tư xây dựng thêm khoảng 191 nhà công vụ giáo viên, 877 phòng ở cho học sinh bán trú, 407 nhà vệ sinh. Đồng thời, tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội hóa để sửa chữa các nhà công vụ xuống cấp, hư hỏng, từng bước xây mới nhà ở công vụ cho giáo viên trong thời gian tới.

Giáo viên dạy học tại các xã vùng cao luôn đối mặt với rất nhiều khó khăn song vì yêu nghề, mến trẻ, họ đã vượt qua tất cả để mang kiến thức đến với học sinh. Để các thầy cô giáo yên tâm công tác thì bài toán về “an cư” cho giáo viên cần sớm có lời giải.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/giao-vien-mong-duoc-an-cu-post367708.html