Giáo viên 'mũ nồi xanh' Việt Nam ở Abyei

Tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc (LHQ), những giảng viên Quân đội không nghĩ sẽ có một ngày mình được quay trở lại với nghề giáo cao quý khi đang tham gia Lực lượng GGHB LHQ của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ An ninh lâm thời của LHQ ở khu vực Abyei (UNISFA).

Bài học đầu tiên về hòa bình

Trung tá Nguyễn Thị Liên, ngoài nhiệm vụ của một sĩ quan điều phối quân dân kết hợp của Đội Công binh số 1 tại UNISFA, chị tranh thủ ngày nghỉ thứ 6 mỗi tuần để dạy các em học sinh Trường cấp 3 Abyei môn tiếng Anh. Nghe kể, thầy Hiệu trưởng Santino Jok Mijak vui lắm vì trường đang thiếu giáo viên trầm trọng. Cuộc sống khó khăn, lương thấp (khoảng 50USD/tháng) nên nhiều giáo viên của trường không trụ được với nghề. Nay có “teacher Lien-cô giáo Liên”-cách gọi trìu mến của thầy dành cho cô giáo “mũ nồi xanh” Việt Nam, các học sinh của trường sẽ không bị gián đoạn môn học. Mặc dù không phải giáo viên chính thức nhưng cũng có thể coi chị là nữ giáo viên đầu tiên của trường. Cô giáo Liên dạy theo giáo trình tiếng Anh của trường, ngoài ra còn trực tiếp biên soạn các tài liệu tham khảo cho các em.

Thầy Santino biết Trung tá Nguyễn Thị Liên ở Việt Nam cũng làm nghề giáo nên đã tin tưởng đề nghị chị nghiên cứu bộ sách giáo khoa môn tiếng Anh để có phương pháp giảng dạy thích hợp nhất với các em. Cô giáo “mũ nồi xanh” tưởng nghiệp dư mà chuyên nghiệp. Là Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại ngữ, Khoa Cơ bản, Trường Sĩ quan Đặc công nên với cô giáo Liên, việc tiếp xúc và giảng dạy cho các em học sinh cũng dễ dàng hơn. Bất đồng ngôn ngữ, tiếng Anh các em chỉ nói được rất ít nên cô đành kết hợp cả ngôn ngữ cơ thể như cử chỉ, tay chân, miễn sao cô trò hiểu nhau.

 Lớp học tiếng Anh của Trung tá Nguyễn Thị Liên.

Lớp học tiếng Anh của Trung tá Nguyễn Thị Liên.

Được sự cho phép của chỉ huy đơn vị và sự ủng hộ của thầy Hiệu trưởng Santino cùng các giáo viên còn lại của trường, Trung tá Nguyễn Thị Liên rất hào hứng với công việc của một giáo viên mà chị đã bao năm gắn bó khi còn ở Việt Nam. Ngày khai trương hai phòng học mới do Đội Công binh số 1 xây dựng ủng hộ trường cũng là lúc cô giáo Liên có tiết học đầu tiên với các học trò. Bài học đầu tiên trong sách có tên “Language of Peace-Ngôn ngữ của hòa bình”. Chị Liên cho biết, sách tiếng Anh cấp 3 của Abyei được biên soạn không đơn giản chỉ các bài học tiếng Anh mà như một cuốn sách sử. Cuốn sách này được viết cho các em học sinh bắt đầu vào cấp 3, ở độ tuổi đang hình thành những ước mơ về cuộc sống, cũng đủ lớn để nhận thức được hạnh phúc và khổ đau. Trong đó, các học giả nổi tiếng như Martin Luther King đã vẽ lên ước mơ của mình về hòa bình.

Khi soạn giáo án cho bài học đầu tiên về hòa bình này, chị xúc động vì nhận ra trong đó khát vọng cháy bỏng và cũng gần như là nỗi tuyệt vọng của người dân Abyei, mảnh đất tranh chấp nằm giữa Sudan và Nam Sudan mà từ lâu chưa hề biết tới hòa bình. Là sĩ quan điều phối các hoạt động quân dân kết hợp, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người dân bản địa nên hơn ai hết, chị hiểu giá trị của hòa bình ở mảnh đất nghèo khó, nơi người dân luôn phải sống trong sợ hãi vì súng đạn và không có tương lai. Và khi đứng lớp dạy bài học đầu tiên, đặt những câu hỏi cho các em về hòa bình như: “Hòa bình là gì?”, cô giáo Liên càng thương học trò hơn. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất xung đột, câu trả lời của các em chính là những thứ mà các em đang thiếu. Có em trả lời: “Em mong hòa bình để được tới trường”. Đơn giản hơn, một em khác trả lời: “Hòa bình là gia đình em không bị đói”...

Thầy giáo ngoại ngữ dạy IT

Cùng với Trung tá Nguyễn Thị Liên, Thiếu tá Nguyễn Văn Thứ, sĩ quan Tham mưu Hậu cần Phái bộ UNISFA cũng tình nguyện làm công việc của một giáo viên ở Abyei vào những ngày thứ 6 được nghỉ. Vốn là giảng viên Bộ môn Ngoại ngữ, Khoa Cơ bản, Trường Sĩ quan Thông tin nhưng anh lại đang giảng dạy môn Công nghệ thông tin (IT) cho các em học sinh Trường cấp 3 Abyei. Những kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin như sử dụng máy tính, mạng internet, phần mềm, phần cứng... nhưng đối với các học sinh cấp 3 ở Abyei thì cũng không dễ tiếp thu. Vì vốn kiến thức về IT và tiếng Anh của các em còn hạn chế nên phải giảng tỉ mỉ các em mới có thể hiểu. Với vốn kiến thức IT được đào tạo tại nhà trường khi còn là học viên Khóa ĐH14, Trường Sĩ quan Thông tin và kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh tại trường, anh Thứ đã phối hợp với giáo viên Trường cấp 3 Abyei xây dựng chương trình và lộ trình dạy học môn IT cho học sinh các lớp.

Tổng cộng có 5 lớp học, mỗi lớp khoảng 30-35 em, dù số lượng các em muốn theo học đông hơn nhưng vì sức chứa hai phòng học chỉ được như vậy. Hai môn tiếng Anh và Công nghệ thông tin được cô Liên, thầy Thứ xếp lịch học gối nhau tại chính hai phòng học được Đội Công binh xây dựng và hỗ trợ các trang thiết bị giảng dạy như: Máy phát điện, ti vi, dụng cụ chuyển đổi, bảng, bút viết, vở, các tài liệu và in ấn... Chia sẻ thêm về việc xây dựng hai phòng học, anh Thứ cho biết, tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất và trang thiết bị giảng dạy đã ảnh hưởng tới việc dạy học của giáo viên cũng như việc tiếp thu kiến thức của học sinh. Đội Công binh đã tận dụng vật liệu sẵn có hoặc tự đi xin các đơn vị trong phái bộ để dựng hai phòng học. Anh em trong đội đi khắp các nơi để tận dụng những tấm bê tông và tấm gỗ bỏ đi, tích cóp lại làm vật liệu dựng hai phòng học.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thứ dạy các em học sinh những kiến thức về công nghệ thông tin. Ảnh do Lực lượng GGHB LHQ của Việt Nam tại UNISFA cung cấp

Thiếu tá Nguyễn Văn Thứ dạy các em học sinh những kiến thức về công nghệ thông tin. Ảnh do Lực lượng GGHB LHQ của Việt Nam tại UNISFA cung cấp

“Khoảng cách giữa chúng tôi và các em học sinh không còn xa lạ, bỡ ngỡ và cách biệt như những ngày đầu. Chúng tôi và các em đã trở nên thân thiết, gần gũi theo đúng nghĩa thầy, trò. Chúng tôi hiểu rằng, việc mang lại nền hòa bình trên mảnh đất Abyei không chỉ là ngăn ngừa xung đột vũ trang, giải quyết mâu thuẫn sắc tộc và bảo vệ thường dân; mà giáo dục-đào tạo, nâng cao nhận thức của các em học sinh là vấn đề rất quan trọng, mang ý nghĩa cao cả và tầm nhìn dài hạn. Bởi lẽ, các em chính là thế hệ tiềm năng, nguồn nhân lực chính của Abyei-những người sẽ góp phần mang lại hòa bình, ổn định và phát triển cho khu vực này. Đây là động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục mang tri thức và truyền cảm hứng cho các em”, Thiếu tá Nguyễn Văn Thứ chia sẻ.

Công việc thầm lặng của các giáo viên “mũ nồi xanh” Việt Nam ở Abyei không chỉ nhận được sự đánh giá tích cực của chỉ huy phái bộ, lãnh đạo địa phương mà còn thu hút sự chú ý của truyền thông bản địa. Sau 3 tuần các lớp học được triển khai, Đài Phát thanh Abyei đã đăng thông tin về hoạt động tình nguyện này của các sĩ quan "mũ nồi xanh" trong Lực lượng GGHB LHQ của Việt Nam. Trả lời phỏng vấn trên đài, thầy Santino nói rằng, sĩ quan Việt Nam đã dành ngày nghỉ thứ 6 hằng tuần để dạy học. Thầy kỳ vọng các lớp học sẽ giúp học sinh nâng cao trình độ tiếng Anh và kỹ năng sử dụng máy tính. Thầy Santino bày tỏ vui mừng vì một số học sinh đã tiến bộ rõ rệt sau khi tham gia các lớp học.

MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-14/giao-vien-mu-noi-xanh-viet-nam-o-abyei-711612