Giáo viên nghỉ thai sản, nghỉ hè có được hưởng phụ cấp ưu đãi?
Trong thời gian nghỉ hè, dù không đứng lớp giảng dạy nhưng giáo viên vẫn được hưởng phụ cấp ưu đãi theo quy định dù Thông tư 05 không đề cập cụ thể.
Giáo viên trong thời gian nghỉ thai sản (cả đối tượng nam và nữ), nghỉ ốm đau/ tai nạn, và nghỉ hè theo quy định mới tại Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT có được hưởng phụ cấp ưu đãi hay không được giáo viên rất quan tâm.

Ảnh minh họa
Giáo viên nghỉ ốm đau, thai sản có được hưởng phụ cấp ưu đãi không?
Theo Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 23/01/2006 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 6/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập, quy định đối tượng không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi: “… Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời gian theo quy định của Điều lệ bảo hiểm xã hội hiện hành”.
Tức là có thể hiểu, trong thời gian nghỉ ốm đau, thai sản không vượt quá thời gian quy định (nghỉ ốm đau không quá 180 ngày, nữ nghỉ thai sản không quá 6 tháng) thì thời gian nghỉ này vẫn được hưởng phụ cấp ưu đãi.
Tuy nhiên, gần đây theo hướng dẫn tại Công văn 649/NGCBQLGD-CSNGCB năm 2024 về hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục ban hành
“Chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn. Theo đó, đối tượng áp dụng bao gồm nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương, đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Đối với nhà giáo nghỉ ốm đau, thai sản trong thời hạn theo quy định của pháp luật được hưởng lương theo quy định về bảo hiểm xã hội hiện hành, không trực tiếp tham gia giảng dạy và không thuộc đối tượng tính hưởng phụ cấp ưu đãi nhà giáo.”
Theo đó, nhà giáo nghỉ thai sản trong thời hạn theo quy định của pháp luật được hưởng lương theo quy định về bảo hiểm xã hội hiện hành, không trực tiếp tham gia giảng dạy và không thuộc đối tượng tính hưởng phụ cấp ưu đãi nhà giáo
Về quy định, nghỉ thai sản, ốm đau không được hưởng phụ cấp ưu đãi được Bộ Giáo dục và Đào tạo giải đáp thêm theo Luật Bảo hiểm xã hội như sau:
“Từ 1/1/2007, tên gọi Điều lệ BHXH đã được thay thế bởi Luật Bảo hiểm xã hội. Luật Bảo hiểm xã hội quy định chế độ thai sản là bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Về nội dung quy định chế độ thai sản, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (đang có hiệu lực thi hành) có mục riêng về chế độ thai sản (Mục 2 Chương III), bên cạnh đó còn có các văn bản liên quan quy định về chế độ thai sản đối với người lao động (Nghị định số 115/2015/NĐ-CP, Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH, Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH).
Luật Bảo hiểm xã hội không điều chỉnh những vấn đề liên quan đến phụ cấp ưu đãi người lao động trong các ngành nghề.
Quy định về phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập là nội dung được quy định tại Quyết định 244/2005/QĐ-TTg, Thông tư số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC là những văn bản đang còn hiệu lực thi hành.” [1]
Với những quy định và giải thích của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà giáo trong thời gian nghỉ ốm đau, thai sản (cả nam và nữ) do không trực tiếp đứng lớp nên không được hưởng phụ cấp ưu đãi.
Giáo viên nghỉ hè không đứng lớp có được hưởng phụ cấp ưu đãi không?
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT hết hiệu lực từ 22/04/2025 hiện hành quy định:
“Điều 5. Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm
..3. Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:
a) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)..”
Theo đó, theo quy định này trong thời gian nghỉ hè, nhà giáo vẫn được hưởng phụ cấp ưu đãi theo quy định mặc dù thời gian này họ không đứng lớp giảng dạy.
Tuy vậy, Thông tư 28/2009 và Thông tư 15/2017 đã được thay thế bởi Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 22/4/2025, theo đó tại khoản 1 Điều 6. Thời gian nghỉ hằng năm của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên quy định về thời gian nghỉ của giáo viên như sau:
“1. Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm:
a) Thời gian nghỉ hè theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.
Trong thời gian nghỉ hè, giáo viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, tham gia công tác thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh khi cơ quan có thẩm quyền triệu tập;
b) Thời gian nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội;
c) Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên phù hợp, đúng quy định, bảo đảm khung thời gian năm học.”
Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT không còn có quy định đề cập rằng: “Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)”.
Nhưng, tại Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC cũng đã có quy định về phụ cấp ưu đãi nêu rõ như sau:
“I. Phạm vi, đối tượng và điều kiện áp dụng
1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
a) Nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương, đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, Đảng, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật);
b) Nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập làm nhiệm vụ tổng phụ trách đội, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm;
c) Cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định của cấp có thẩm quyền...
III. Phương thức và nguồn chi trả
1. Phương thức chi trả
Phụ cấp này được trả cùng kỳ lương hàng tháng (kể cả thời gian nghỉ hè) và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...”
Theo đó, phụ cấp ưu đãi được trả cùng kỳ lương hàng tháng (kể cả thời gian nghỉ hè).
Từ những căn cứ trên, theo người viết, trong thời gian nghỉ hè, dù không đứng lớp giảng dạy nhưng giáo viên (kể cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) vẫn được hưởng phụ cấp ưu đãi theo quy định dù Thông tư 05 không đề cập cụ thể.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://baochinhphu.vn/giao-vien-nghi-om-thai-san-co-duoc-huong-phu-cap-uu-dai-102240131102511519.htm