Giáo viên Ngữ văn nói gì về đề thi vào lớp 10 khó hơn đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông?
Một số giáo viên Ngữ văn so sánh đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 với một số đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn đã nêu ý kiến về việc đề thi vào lớp 10 của một số địa phương có phần khó và phức tạp hơn. Vậy, lý giải điều này như thế nào?
Hiện nay, đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn của cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông (chương trình 2006) có cấu trúc, hình thức tương đồng với nhau. Đề nào cũng gồm 2 phần: phần đọc hiểu và phần làm văn.
Các câu hỏi đọc hiểu (4-5 câu) tương tự nhau, phần làm văn của đa phần các địa phương và đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng có 2 câu: câu nghị luận xã hội (2,0 điểm - viết đoạn văn) và câu nghị luận văn học (5,0 điểm).
Chính vì sự tương đồng về hình thức, cấu trúc như vậy nên đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của phần lớn các địa phương hiện nay so với đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ khác nhau một chút về ngữ liệu, còn lại cách thức khai thác, kiểu bài cơ bản giống nhau.
Thậm chí, đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn năm 2023 của một số địa phương được đánh giá khó hơn đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Sự tương đồng của môn Ngữ văn ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông
Đối với các cấp học phổ thông hiện nay, cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đều chung một đầu mối phụ trách chuyên môn. Cấp Bộ là Vụ Giáo dục Trung học; cấp Sở là Phòng Vụ Giáo dục Trung học - Giáo dục thường xuyên. Và, mỗi môn học ở các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có 1 chuyên viên phụ trách chung cho cả 2 cấp học.
Vì vậy, đề kiểm tra, đề thi Ngữ văn của cả 2 cấp học này đều được thực hiện na ná như nhau và thường ra đề "đóng" theo một lối mòn quen thuộc. Chỉ có một số địa phương như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là đề thi tuyển sinh lớp 10 có sự khác biệt nhiều hơn khi có một số câu hỏi mở và số lượng câu hỏi nhiều hơn các tỉnh, thành khác. Nhưng, đề kiểm tra định kỳ, đề thi môn Ngữ văn cấp trung học phổ thông thì tỉnh, thành nào cũng giống nhau để hướng đến đề thi chung cho các thí sinh trên cả nước.
Chính vì sự tương đồng như vậy nên mỗi đề kiểm tra và đề thi môn Ngữ văn của cả 2 cấp học này có 2 phần: đọc hiểu và làm văn. Phần đọc hiểu, cơ bản đều chỉ xuay quanh các câu hỏi như: xác định thể thơ; xác định phương thức biểu đạt; tìm biện pháp tu từ; theo tác giả; theo em (anh/ chị)….
Phần làm văn thông thường sẽ có 2 câu hỏi. Câu 1 là nghị luận xã hội (2,0 điểm) thường yêu cầu viết 1 đoạn văn "nêu suy nghĩ"; "nêu ý nghĩa"; "bài học được rút ra" từ đoạn ngữ liệu trong phần đọc hiểu. Câu nghị luận văn học (5,0 điểm) thường yêu cầu học sinh phân tích; cảm nhận; trình bày suy nghĩ về một tác phẩm văn học, một đoạn trích, một nhân vật văn học; một đoạn thơ từ một tác phẩm đã học trong chương trình lớp 9 hoặc lớp 12.
Vì thế, phần đọc hiểu (3,0 điểm) và câu viết đoạn văn (2,0 điểm) trong phần làm văn của đề thi Ngữ văn tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 và kể các kỳ thi gần đây thì có lẽ phần lớn học sinh lớp 9 vẫn làm được bởi nội dung hỏi không khác nhau với các đề thi tuyển sinh lớp 10. Chỉ có câu nghị luận văn học (5,0 điểm) là học sinh lớp 9 không làm được vì các em chưa đọc và học những tác phẩm văn học này mà thôi.
Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông có dễ hơn đề thi tuyển sinh lớp 10 của một số địa phương?
Nếu so sánh đề Ngữ văn trong thi tuyển sinh lớp 10 với đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong kỳ thi vừa qua đều có cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông quen thuộc, an toàn cho thí sinh. Chỉ có đoạn ngữ liệu của phần đọc hiểu là lấy ở ngoài sách giáo khoa (đề tuyển sinh lớp 10 cũng vậy), còn phần làm văn (câu 5,0 điểm) chủ yếu đều lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa.
Điều này cho thấy sự giống nhau trong việc ra đề môn Ngữ văn hiện nay đối với cả 2 cấp học. Song, mức độ khó thì đề thi tuyển sinh lớp 10 của một số địa phương yêu cầu có phần cao hơn đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông - rõ nhất là câu nghị luận văn học.
Đề thi tuyển sinh lớp 10 đều yêu cầu thí sinh "cảm nhận" về văn bản; đoạn trích; nhân vật nhưng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ yêu cầu thí sinh "phân tích". Mặc dù cảm nhận hay phân tích cũng đều là kiểu bài nghị luận văn học nhưng đề phân tích là yêu cầu thấp nhất của nghị luận văn học.
Hơn nữa, một số địa phương yêu cầu thí sinh dự thi tuyển sinh lớp 10 cảm nhận về một tác phẩm văn học hoàn chỉnh, hoặc đoạn trích có độ dài, khó hơn đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Chẳng hạn đề thi Ngữ văn của tỉnh Bình Dương yêu cầu: "Trình bày cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong trích đoạn của truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long". Trích đoạn Lặng lẽ Sa Pa có tới 8 trang sách giáo khoa.
Câu 5,0 điểm của tỉnh Bình Phước năm nay yêu cầu: "Phân tích nhân vật ông Sáu trong tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng để thấy được tinh thần yêu nước và tình cảm sâu nặng của người cha đối với con". Văn bản "Chiếc lược ngà" ở lớp 9 có 6 trang sách giáo khoa…
Trong khi đó, đề tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, đề yêu cầu phân tích đoạn trích trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lâm với 24 dòng ngữ liệu. Vì thế, nếu so sánh với đề thi tuyển sinh 10 của Bình Dương, Bình Phước thì có phần nhẹ hơn về nội dung. Nếu so sánh với đề thi Ngữ văn tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì mức độ hay, khó của đề tuyển sinh lớp 10 cũng có phần nhỉnh hơn đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Đó là chưa kể câu hỏi về Tiếng Việt đối với biện pháp tu từ thì những địa phương ra đề tuyển sinh lớp 10 sẽ có lệnh đề: "Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ; xác định biện pháp tu từ và nêu tác dụng" nhưng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua yêu cầu: "nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh…". Điều này cho thấy mức độ khó ở đề tuyển sinh lớp 10 có phần cao hơn vì biện pháp tu từ hiện có tới 8 biện pháp đang được giảng dạy ở trường phổ thông.
Học sinh lớp 9 và học sinh lớp 12 rõ ràng trình độ khác nhau, kiến thức giảng dạy càng lên cao càng khó hơn. Nhưng, nếu so sánh đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 với một số đề thi tuyển sinh 10 môn Ngữ văn thì thấy đề thi tuyển sinh 10 của một số địa phương có phần khó và phức tạp hơn. Điều này thể hiện rõ trong đề thi, đáp án của các địa phương với đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua.