Giáo viên nổi tiếng hướng dẫn giải đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn ở Hà Nội
Thầy Phan Thắc Trúc Định, thầy giáo dạy Ngữ văn trường THPT Nguyễn Văn Cừ - Hà Nội gửi tới Báo điện tửcách giải đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2018 ở Hà Nội.
Sáng nay (7/6), hơn 94.000 thí sinh tại Hà Nội có mặt tại điểm thi để làm bài thi Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018 – 2019.
Theo đó, các thí sinh làm bài trong thời gian 120 phút.
Báo điện từ VTC Newsgiới thiệu tới thí sinh gợi ý cách giải đề thi môn Ngữ văn sáng nay của thầy Phan Thắc Trúc Định, giáo viên dạy Ngữ văn trường THPT Nguyễn Văn Cừ - Hà Nội.
Video: Thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội: Những phát ngôn bất ngờ của học sinh, phụ huynh
Gợi ý giải đề
Phần I (6,0 điểm)
Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” là một khúc ca về lao động và về thiên nhiên đất nước:
1. Tên tác giả Huy Cận; năm sáng tác 1958.
2. Các từ thuộc trường từ vựng chỉ thiên nhiên ở hai câu thơ là: gió, trăng, mây, biển.
Biện pháp tu từ nói quá cùng những hình ảnh giàu sức liên tưởng được sử dụng trong hai câu thơ có tác dụng:
- Nhấn mạnh vẻ đẹp của cảnh đánh cá lúc biển đêm và niềm vui phơi phới của những người lao động làm chủ công việc của mình.
- Con thuyền đánh cá vốn nhỏ bé với biển cả bao la giờ đây qua cái nhìn của tác giả bỗng trở nên lớn lao kì vĩ, ngang tầm vũ trụ. Một con thuyền đặc biệt có gió làm bánh lái, trăng làm cánh buồm đưa con thuyền ra khơi với tốc độ nhanh chóng. Con thuyền như được hòa với biển trời.
Con thuyền – con người lao động mới trở thành trung tâm, chủ nhân của vũ trụ.
3. Câu thơ trong một bài thơ của chủ tịch Hồ Chí Minh mà em đã học ở chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở cũng có hình ảnh con thuyền trong đêm trăng là câu cuối bài thơ “Nguyên tiêu”.
Nguyên tác của Bác viết:
Yên ba thâm xứ đàm quân sự Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
Ông Xuân Thủy dịch bài thơ trên của Bác như sau:
Giữa dòng bàn bạc việc quân Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền
(Học sinh có thể chép câu thơ cuối).
4. Viết đoạn văn:
a. Hình thức: HS viết thành 1 đoạn văn hoàn chỉnh (khoảng 12 câu) theo hình thức lập luận diễn dịch; có sử dụng phép lặp để liên kết và câu có thành phần phụ chú (và chú thích rõ ràng – gạch dưới)
b. Gợi ý nội dung:
- Câu đầu tiên là câu chủ đề: Hình ảnh người lao động trong khổ thơ trên của bài “Đoàn thuyền đánh cá” hiện lên thật khỏe khoắn, đẹp đẽ, phi thường trong cái nhìn đầy tự hào của Huy Cận.
- Các câu sau HS khai triển, phân tích đoạn thơ:
+ Nội dung: nhấn mạnh vẻ đẹp của người lao động khỏe khoắn, khẩn trương, ngăn nắp, tư thế sẵn sàng lao động; niềm tự hào về những con người lao động mới.
+ Nghệ thuật: ẩn dụ, phóng đại, câu thơ giàu chất tạo hình; cách ngắt nhịp thơ linh hoạt, kết hợp các động từ...
Video: Gần 95.000 thí sinh Hà Nội thi vào lớp 10
c. Học sinh có thể tham khảo đoạn văn mẫu sau:
“Hình ảnh người lao động trong khổ thơ trên của bài “Đoàn thuyền đánh cá” hiện lên thật khỏe khoắn, đẹp đẽ, phi thường trong cái nhìn đầy tự hào của Huy Cận. Khi trời đã về sáng, sao trên cao mờ dần và người lao động bắt đầu kéo lưới. Thật tinh tế khi hình ảnh thiên nhiên đang mờ dần đi để làm sắc nét hơn hành động kéo lưới của người dân lao động. Và bàn tay lao động của họ thật rắn rỏi “xoăn tay – “xoăn” chứ không phải “xoắn” vì quá sức.
“Xoăn” là vẻ đẹp cơ bắp săn chắc của những ngư dân vùng biển. Và thành quả thật đáng trân trọng, tự hào “chùm cá nặng”, “vẩy bạc, đuôi vàng” - ẩn dụ “bạc vàng” không chỉ chỉ màu sắc của vẩy cá đang ánh lên dưới sự cộng hưởng của ánh sáng mặt trời mà còn là ánh sáng của sự giàu có rừng vàng biển bạc quê hương.
Câu thơ không giấu nổi niềm tự hào của tác giả. Và câu cuối, thật khẩn trương, ngăn nắp với những hành động liên tiếp: “Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”. “Nắng hồng” trong đối sánh với “mặt trời xuống biển” ở đầu đã hình thành 1 vòng khép kín của 1 buổi lao động. Từ khi ra khơi cho đến khi trở về tất cả đều thật vui tươi sảng khoái. Câu thơ cuối cũng khiến ta thấy niềm lạc quan, tin tưởng của tác giả vào tương lai đất nước”.
Phần II:
1. Phan Lang trò chuyện với Vũ Nương trong bối cảnh Vũ Nương làm tiên nữ dưới thủy cung thì gặp Phan Lang (Phan Lang gặp nạn, lạc vào động rùa gặp Linh Phi, được cứu giúp và chàng gặp Vũ Nương).
- “Tiên nhân” chỉ Trương Sinh, mẹ chồng, gia đình chồng Vũ Nương.
2. Vì sao sau khi nghe Phan Lang nói, Vũ Nương “ứa nước mắt” và quả quyết “tôi tất phải tìm về có ngày” vì:
- Vũ Nương là người phụ nữ yêu thương chồng con hết mực, luôn sống vì gia đình, luôn mong nhớ nhà, nhớ chồng con.
- Nàng cũng là một người luôn trọng nhân phẩm, danh dự và tình nghĩa sâu sắc.
3. Trình bày suy nghĩ (2/3 trang giấy thi) về vai trò của gia đình trong cuộc sống của chúng ta:
- Yêu cầu hình thức: HS biết cách viết thành đoạn văn hoặc bài văn ngắn khoảng 2/3 trang giấy thi; diễn đạt lưu loát, rõ ràng; bám sát các thao tác lập luận cơ bản.
- Nội dung: Học sinh cần triển khai thành các ý cơ bản như sau:
a. Giải thích: gia đình là ông bà cha mẹ, anh chị em=> những người thân thiết, ruột thịt => Có ý nghĩa lớn với mỗi con người.
b. Ý nghĩa vai trò:
- Là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nơi ta lớn lên, trưởng thành, trở thành người tốt, người có ích.
- Là nơi chắp cánh ước mơ, khát vọng.
- Nơi ta có thể trở về bất cứ khi nào (nếu ta có va vấp, sa ngã...)
- Là động lực, điểm tựa để ta đi lên-> tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta vượt qua mọi gian nan, thử thách.
c. Biểu hiện – dẫn chứng:
· + Nói với con – Y phương: Lời dặn dò con trên những con đường đời -> tình yêu cha mẹ dành cho con cái.
· Bếp lửa, Tiếng gà trưa, Quê hương: Gia đình là những gì đơn sơ, thân thuộc nhất, là những kỉ niệm vô cùng quan trọng nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người...
d. Bàn luận: Phê phán lối sống quay lưng với gia đình; những người con bất hiếu...
e. Liên hệ bản thân: Mỗi chúng ta cần hiểu biết, yêu thương, trân trọng tình cảm gia đình; luôn quan tâm tới những người xung quanh. Hãy làm tất cả những gì có thể để cho cha mẹ mãi nở nụ cười trên môi, tự hào về chúng ta, khi đó ta sẽ cảm thấy cuộc sống này hạnh phúc và ấm áp biết nhường nào.
Đôi điều về thầy giáo Phan Trắc Thúc Định: Tốt nghiệp bằng Giỏi ngành sư phạm Ngữ văn – Đại học Giáo Dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội; Thạc sĩ Văn học Việt Nam, khoa Văn - trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội. Hiện tại, thầy đang dạy tại trường THPT Nguyễn Văn Cừ - Hà Nội. Thầy Phan Định là người có nhiều năm giảng dạy, ôn luyện và chấm thi THPT Quốc gia môn Văn, giải các đề thi THPT Quốc gia; thầy cũng thường xuyên chia sẻ các bí kíp, kinh nghiệm làm bài thi hiệu quả tới các bạn học sinh.