Giáo viên ở quốc gia Nam Mỹ sống với mức lương 15 USD/tháng

Với mức lương hàng tháng là 15 USD, một giáo viên ở Venezuela không kiếm đủ tiền để trang trải nhu cầu thực phẩm cơ bản, chưa kể tiền thuê nhà hay thuốc men.

Ở Venezuela, giáo viên không đủ tiền để mua quần áo mới do mức lương thấp. Ảnh: AFP.

Ở Venezuela, giáo viên không đủ tiền để mua quần áo mới do mức lương thấp. Ảnh: AFP.

Nhiều người ở quốc gia Nam Mỹ đang gặp khủng hoảng này buộc phải làm nhiều công việc hoặc phải dồn tiền nuôi gia đình. Trong khi đó, hàng nghìn người đã phải di cư để theo đuổi sự ổn định tài chính tốt hơn ở những quốc gia khác.

Maria Cerezo, 70 tuổi, giáo viên làm việc trong khu vực công trong suốt 39 năm, nói với AFP tại một cửa hàng tiết kiệm ở thủ đô Caracas, Venezuela: “Trong 2 năm qua, tình hình thật tồi tệ, tôi thậm chí không thể mua nổi đôi giày”.

Bà vừa chọn một chiếc váy làm bằng vải nylon màu xanh có chấm bi trắng - và giá chỉ là 2 USD (51.000 đồng). Bà giấu chiếc váy này sâu bên dưới những bộ quần áo khác chứ không mua ngay lập tức.

Bà Cerezo giải thích: “Tôi sẽ mua được nó vào ngày mai, vì hôm nay tôi không có tiền”.

Bà nhớ rằng có thời điểm mà các giáo viên mua "nhiều quần áo, giày dép, đồ điện" bằng tiền thưởng hàng năm của họ. Ngày nay, "điều đó là không thể".

Một giỏ thực phẩm cần thiết cho một gia đình 4 người ở Venezuela có giá khoảng 500 USD/tháng, gấp 33 lần lương của giáo viên - một nghề trước đây vốn đã có mức lương thấp nhưng chưa bao giờ thấp như hiện nay.

Ngân sách của gia đình bà Cerezo được tăng thêm nhờ tiền lương của con gái của bà - cũng là giáo viên - và chồng bà, một luật sư.

GDP giảm 80% trong một thập kỷ ở Venezuela, kể từ năm 2013, đã khiến hơn 8 triệu người dân nước này, tương đương 1/4 dân số, phải tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn ở nơi khác.

Mức lương của giáo viên khu vực công thậm chí chưa phải loại thấp nhất. Mức lương tối thiểu ở Venezuela hiện nay chỉ là 2 USD/tháng, được chính phủ bổ sung bằng các khoản trợ cấp khác. Ở khu vực tư nhân, thu nhập trung bình hàng tháng là khoảng 200 USD.

Hầu hết các trường công hiện nay chỉ hoạt động 2 hoặc 3 ngày một tuần để giáo viên có thể đi làm thêm. Một số dạy kèm, số khác lái taxi hoặc bán đồ thủ công.

Theo chính phủ, hệ thống giáo dục của Venezuela đang thiếu 200.000 giáo viên và số lượng sinh viên đăng ký theo ngành giáo viên giảm gần 90%.

Đối với những người còn theo nghề, họ thường được hỗ trợ bởi cửa hàng tiết kiệm El Ropero Solidario ở thủ đô Caracas, do giáo viên Kethy Mendoza điều hành và được Liên đoàn giáo viên Venezuela hỗ trợ.

Phần lớn hàng hóa của cửa hàng này đến từ các nhà giáo dục. Những người này sẽ nhận được một nửa giá bán của một mặt hàng quần áo - họ cũng có thể lựa chọn quyên góp số tiền này - trong khi nửa tiền còn lại giúp cửa hàng tiếp tục hoạt động.

Bà Mendoza, 64 tuổi, giải thích rằng cửa hàng này được vận hành nhằm mục đích giúp đỡ các giáo viên đang cần thuốc men, thực phẩm và chăm sóc cấp cứu tại bệnh viện: “Chúng tôi là hình mẫu cho trẻ em noi theo”.

“Nếu chúng tôi đến trường khi ăn mặc tồi tàn vì khủng hoảng kinh tế không cho phép chúng tôi mua quần áo hoặc giày tử tế để thay, thì làm sao chúng tôi có thể mong đợi học sinh ăn mặc chỉnh tề?”, bà nói.

Các chuyên gia chỉ ra rằng việc quản lý kinh tế yếu kém cùng với các lệnh cấm vận của Mỹ khiến quốc gia giàu dầu mỏ này lao vào khủng hoảng kinh tế.

Theo AFP

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/giao-vien-o-quoc-gia-nam-my-song-voi-muc-luong-15-usdthang-post182966.html