Giáo viên phải làm gì để khỏi phạm sai lầm?

Rất nhiều giáo viên đã làm nghề mà không được học một cách cơ bản về quyền con người, quyền trẻ em, tâm lý học trẻ em, các vấn đề lâm sàng của trường học...

Vụ việc một nữ sinh ở An Giang tự tử bất thành vì bức xúc với ứng xử của giáo viên và hình thức kỷ luật của nhà trường đang gây xôn xao trong dư luận. May mắn trong chuyện này là nữ sinh không bị mất đi sinh mạng. Rồi đây, dư luận cũng sẽ lắng xuống sau khi cơ quan quản lý có những “biện pháp thích hợp” để làm an lòng người dân.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở góc độ chuyên môn và một cách có hệ thống ta sẽ cảm thấy bất an. Sự việc này chỉ là một trong một chuỗi rất nhiều sự việc khác xảy ra ở trường học như giáo viên bạo hành học sinh, giáo viên trù dập vì học sinh không học thêm, giáo viên chửi mắng xúc phạm học sinh… Nếu dùng Google tìm kiếm các từ khóa trên trong khoảng vài giây, số lượng kết quả thông tin tìm thấy sẽ khiến ta giật mình. Cách thức biểu hiện của từng vụ việc và hậu quả của nó là khác nhau, nhưng xâu chuỗi lại ta sẽ thấy một điểm chung là giáo viên và nhà trường, mà cụ thể là các cán bộ quản lý giáo dục đã phạm sai lầm trong mối quan hệ với học sinh.

Lý luận giáo dục hiện đại chỉ ra rằng hiệu quả giáo dục cao hay thấp, mục tiêu giáo dục đạt được hay không, người thầy có thể gây được ảnh hưởng tốt lên học sinh hay không suy cho đến cùng, phụ thuộc vào mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh. Như vậy có thể thấy những sai lầm của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhà trường ở đây là những sai lầm rất cơ bản. Có nhiều nguyên nhân gây ra những sai lầm trên nhưng có thể chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu:

Thứ nhất, ở Việt Nam như “một truyền thống” có tính chất lịch sử, người ta hay quan niệm nghề giáo là nghề “nhàn nhã” và “ổn định”, vì vậy nhiều người đã động viên, ép buộc con em mình học sư phạm rồi trở thành giáo viên trong một cảm quan rất hời hợt về sứ mệnh của nghề nghiệp. Sai lầm đầu tiên về tư duy, triết lý này là bước đệm kéo theo những sai lầm tiếp sau đó. Hỗ trợ đắc lực cho sai lầm này là việc tuyển học sinh vào các trường sư phạm để học và trở thành giáo viên về cơ bản chỉ dựa trên điểm số của bài thi trên giấy và học bạ (không tính các ngành có thi năng khiếu). Không có bài viết luận, không có phỏng vấn thì rất khó để thẩm định sơ bộ về ý chí, năng lực giao tiếp và nhận thức về sứ mệnh người thầy.

Ai dám chắc cái roi ngày xưa nay đã hoàn toàn biến mất trong lớp học thế kỷ XXI? Ảnh: TL

Thứ hai, làm việc trong các trường công lập hầu hết cán bộ, giáo viên đều là công chức, viên chức, nghĩa là bản thân họ là một mắt xích trong hệ thống hành chính công. Cơ chế vận hành của hành chính giáo dục hiện nay mang nặng tính trung ương tập quyền với áp lực từ trên xuống rất mạnh. Những chỉ thị, mệnh lệnh và uy quyền của cấp trên mang tính tuyệt đối. Trong cơ chế đó, ý thức mình chỉ là người “thừa hành”, “thực thi” những chỉ thị, mệnh lệnh từ trên đưa xuống ở người giáo viên rất mạnh.

Sự cộng hưởng của các yếu tố trên khiến cho người giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục dễ rơi vào “mê hồn trận của trò chơi quyền lực”. Họ dễ phạm sai lầm khi có ảo tưởng quyền uy nghề nghiệp là quyền lực của bản thân, điều mà chuyên gia người Nhật Tanaka Yoshitaka đã chỉ rõ trong cuốn sách Cải cách giáo dục Việt Nam: Liệu có thực hiện được lấy học sinh làm trung tâm? (NXB Phụ Nữ, 2020). Khi không có ý thức về việc ảo tưởng và lạm dụng quyền lực, người giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục dễ phạm sai lầm, làm tổn thương, gây nguy hiểm tới học trò. Những sự vụ được đưa trên mặt báo chủ yếu diễn ra ở trường công cũng là một dữ liệu đáng suy ngẫm.

Thứ ba, cho dù giáo viên là người được đào tạo có trình độ nhất định và có học vấn cao hơn người bình thường, cá nhân họ vẫn dễ rơi vào ảo giác của một thứ quyền lực và quyền uy có tên “gia trưởng”. Đây là di sản nặng nề của lịch sử và văn hóa. Người thầy rất dễ bị cảm giác gia trưởng chi phối khi coi “học trò cũng là con” và vì thế mình phải “dạy dỗ” như là cha mẹ!

Trong xã hội xưa, người thầy của trò đồng thời là người thầy của xã hội (quân-sư-phụ) vì thế cho dù xã hội đã đổi thay, tư tưởng gia trưởng khi áp đặt quan hệ thầy - trò có tính chất giống như quan hệ gia đình (chú bác - cháu, bố mẹ - con) vẫn còn đất sống. Đây là một sai lầm rất cơ bản vì giữa thầy và trò hoàn toàn không có sự liên hệ và ràng buộc về huyết thống. Người thầy cũng không có cơ hội trải nghiệm cùng học trò ở những khoảng không gian riêng tư. Một người mẹ, một người bố khi nóng giận có thể sai lầm khi quát vào mặt con hoặc nói đôi lời gây tổn thương… nhưng sau đó họ còn có nhiều cơ hội để ôm con, ru con ngủ, cho con ăn, cho con uống thuốc, âu yếm, vuốt ve con. Từ đó người con có thể cảm nhận được tình máu mủ, sự yêu thương ẩn dưới vẻ ngoài thô ráp, vụng về của cha, mẹ và có thể khoan dung, tha thứ. Tuy nhiên ở trường hợp của thầy cô thì không có những cơ hội đó. Thầy cô đối xử thô bạo với học trò có thể trong tâm thức gia trưởng, muốn dạy dỗ học trò và rồi quên ngay nhưng sự ám ảnh, sự tổn thương ở học trò thì còn lại mãi.

Thứ tư, trong xã hội bất đối xứng thông tin trước đó, chỉ một tầng lớp có khả năng biết đọc, viết, tính toán, nhận và truyền tin bằng chữ viết, vì vậy người thầy độc tôn thông tin, tri thức, do đó có quyền uy lớn. Tuy nhiên khi xã hội công nghiệp hóa mạnh, internet phủ sóng, xuất bản bùng nổ cộng với đại chúng hóa đại học, người thầy không còn là người sở hữu thông tin duy nhất và nhiều người làm các lĩnh vực khác có học vấn thậm chí cao hơn người thầy. Song, tâm thế coi mình là trung tâm tri thức duy nhất vẫn chảy trong người giáo viên và dễ làm cho họ trở thành người bảo thủ, tiến hành công việc “từ trên xuống” như là một sự truyền dạy, giáo huấn thay vì hợp tác, đối thoại và học hỏi lẫn nhau (người thầy hiện đại phải là người luôn học hỏi từ trò, xã hội, đồng nghiệp, phụ huynh, các nguồn thông tin khác như internet, sách báo...) để tiến lên trong tư tưởng, nhận thức và chuyên môn.

Cho dù giáo viên là người được đào tạo có trình độ nhất định và có học vấn cao hơn người bình thường, cá nhân họ vẫn dễ rơi vào ảo giác của một thứ quyền lực và quyền uy có tên “gia trưởng”.

Thứ năm, trong cơ chế hành chính giáo dục trung ương tập quyền với sự hạn chế lớn về tính dân chủ và thừa nhận tự trị, tự chủ ở địa phương, trường học, người giáo viên phải gánh chịu áp lực lớn từ cấp trên cũng như những khó khăn trong đời sống (vật chất và tinh thần) nhưng họ lại không biết cách chuyển hóa lành mạnh áp lực đó; dẫn đến hướng áp lực đó, xả áp lực đó vào kẻ yếu hơn mình. Nói nôm na là “giận cá chém thớt”. Trong mê trận đó thì học sinh là thực thể yếu nhất và dễ gánh hậu quả nhất.

Thứ sáu, do lạc hậu về lý luận giáo dục và hạn chế trong hệ thống đào tạo giáo viên cũng như những hạn chế về môi trường tự học, tự đào tạo, rất nhiều giáo viên thiếu hiểu biết về những vấn đề của giáo dục nhìn từ góc độ khách quan, vĩ mô và hệ thống. Biểu hiện rõ rệt nhất là hành xử kiểu cảm tính theo kinh nghiệm, cảm xúc và thi hành mệnh lệnh máy móc.

Cuối cùng là sự thiếu hiểu biết về pháp luật và kiến thức về giáo dục học, tâm lý học, nhất là tâm lý học lâm sàng trường học và tâm lý học trẻ em. Rất nhiều giáo viên đã làm nghề mà không được học một cách cơ bản về quyền con người, quyền trẻ em, tâm lý học trẻ em, các vấn đề lâm sàng của trường học... Khi thiếu kiến thức người ta sẽ nghĩ quẫn, làm liều, miễn cho xong việc hoặc vừa lòng cấp trên.

Tất cả những vấn đề trên tác động qua lại với nhau tạo ra một cơ chế chi phối người giáo viên rất phức tạp, khiến họ dù không phải là người xấu vẫn dễ phạm sai lầm, và thậm chí cho dù đã phạm sai lầm và bị xử lý kỷ luật, bị dư luận lên án vẫn không nhận ra mình đã sai lầm thế nào và do đâu.

Từ việc chỉ ra các nguyên nhân trên ta sẽ thấy trong bối cảnh hiện tại khi vĩ mô chưa có sự chuyển biến căn bản, để tránh phạm phải sai lầm, người giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phải tự phản tỉnh, khiêm tốn học hỏi, cầu thị để nâng tầm tư tưởng, nhận thức của bản thân, nỗ lực giải quyết các vấn đề mình có thể trong ý thức sâu sắc về những vấn đề lớn của nền giáo dục.

Nguyễn Quốc Vương

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/giao-vien-phai-lam-gi-de-khoi-pham-sai-lam-26863.html