Giáo viên quấy rối tình dục học sinh: Vấn nạn của nền giáo dục Nhật Bản
Trong số 273 giáo viên bị phạt vì các hành vi sai trái liên quan đến tình dục năm 2020 ở Nhật Bản, 97% là nam giới và 153 người bị sa thải.
Ngày 28/9, Hidehito Yamamoto, 53 tuổi, Phó Hiệu trưởng một trường học ở thành phố Numazu, tỉnh Shizuoka, Nhật Bản, nói chuyện với một bé gái 10 tuổi, dụ cô bé lên xe của mình bằng cách nhờ cô bé mang giúp hành lý. Ông ta sau đó khống chế đưa cô bé đến một địa điểm trên núi và tấn công tình dục em.
Yamamoto cũng thừa nhận từng bắt cóc và tấn công tình dục một nữ sinh khác 19 tuổi năm 2017. Ông ta ra hầu tòa vì các hành vi của mình hôm 20/12.
Vào ngày 16/9, Masanori Takei, Hiệu phó của một trường trung học cơ sở ở tỉnh Kanagawa, phía Nam Tokyo, bị bắt vì quấy rối một bé gái 12 tuổi trên một chuyến tàu. Một trường hợp khác, giáo viên Yuki Kamei 35 tuổi bị bắt giữ tại quận Okayama vào giữa tháng 9, vì có hành vi đưa một học sinh đi ăn tối, khuyến khích nữ sinh này uống rượu, sau đó đánh đập và tấn công tình dục em trong một khách sạn.
Bất chấp những nỗ lực của bộ giáo dục và các cơ quan quản lý giáo dục địa phương, các sự cố liên quan đến việc giáo viên quấy rối tình dục học sinh vẫn tiếp tục được báo cáo ở Nhật Bản.
Tổng cộng 273 giáo viên tại các trường công lập trên khắp Nhật Bản bị kỷ luật vì hành vi sai trái liên quan đến tình dục trong năm học vừa qua, chỉ ít hơn 9 trường hợp so với con số kỷ lục năm trước.
Các số liệu được Bộ Giáo dục Nhật Bản công bố hôm 22/12. Giới chức Nhật Bản bày tỏ sự tiếc nuối rằng các biện pháp được đưa ra vào năm ngoái nhằm đẩy lùi tình trạng này đã không có tác động như mong muốn.
Các quan chức của bộ này có ý định nhấn mạnh rằng các cơ quan quản lý giáo dục địa phương cần thực thi nghiêm ngặt hơn các biện pháp để ngăn chặn những vụ việc như vậy. Một trong các vấn đề được nêu ra là việc giao tiếp không phù hợp giữa giáo viên và học sinh trên mạng xã hội.
Theo nghiên cứu cho năm tài chính 2019 (kết thúc vào cuối tháng 3/2020), 153 giáo viên tại Nhật đã bị sa thải vì hành vi sai trái liên quan đến tình dục, 50 giáo viên khác đình chỉ, 16 người bị phạt trừ lương và 9 người bị cảnh cáo bằng văn bản, 45 người bị phạt nhẹ hơn.
Hơn 97% giáo viên trong số này là nam giới, với hầu hết các vụ việc liên quan đến quấy rối hoặc lạm dụng tình dục. Có 49 trường hợp quan hệ tình dục với học sinh và 49 vụ liên quan đến chụp ảnh trái phép, 33 trường hợp thị dâm.
Báo cáo cho biết 186 vụ xảy ra ngoài giờ học, 20 vụ trong các lớp học và 16 vụ khác trong giờ giải lao ở trường.
126 vụ liên quan đến học sinh của chính giáo viên đó hoặc một học sinh cũ dưới 18 tuổi vào thời điểm đó.
Báo cáo này chưa bao gồm tất cả các cơ sở giáo dục, chẳng hạn như các trường luyện thi do các đơn vị tư nhân điều hành - những nơi cũng có các sự cố liên quan được truyền thông đưa tin năm ngoái.
Makoto Watanabe, giáo sư truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo cho biết: “Trước đây, học sinh và cộng đồng kính trọng giáo viên, nhưng tôi tin rằng vị thế của giáo viên đã dần bị suy giảm đến mức nhiều người trong số họ gần như ngang hàng với học sinh mà họ đang dạy".
“Dường như nhiều người trong số họ đang là bạn với học sinh và không còn khoảng cách giữa họ nữa. Khi không còn rào cản, mọi thứ đều có thể xảy ra”, ông nói.
“Đồng thời, chúng ta cũng phải đặt câu hỏi liệu các tiêu chuẩn đạo đức đã thay đổi trong xã hội hay chưa”.
Bên cạnh đó, Watanabe nói: “Trước đây, đối với những giáo viên có ý đồ xấu, việc liên lạc với các học sinh nhỏ tuổi khó khăn hơn rất nhiều, nhưng giờ đây, trong thời đại kỹ thuật số, việc liên lạc bằng cách nhắn tin ngay lập tức hoặc phương tiện truyền thông xã hội đã dễ dàng hơn nhiều, cũng khó bị phát hiện hơn khi liên lạc qua thư hoặc điện thoại”.
Ông cho rằng: “Trước mắt, chính quyền địa phương cần tăng hình phạt đối với những giáo viên phạm những tội danh này, sau đó đảm bảo rằng họ không thể làm công việc giảng dạy trong tương lai".
Shinichi Ishizuka, giáo sư luật và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học, Đại học Ryukoku, Kyoto, cho biết “quấy rối học đường” đã là một vấn đề trong nhiều năm, nhưng các cô gái trước đây phần lớn phải im lặng chịu đựng.
Ông nói: “Giáo viên (trước đây) rất quyền uy và học sinh sẽ bị phớt lờ nếu phàn nàn với giáo viên khác hoặc phụ huynh. Các em không biết tìm đến ai. Nhưng điều đó bắt đầu thay đổi cách đây 5 hoặc 6 năm khi chiến dịch #MeToo bắt đầu thu hút sự chú ý, các trường học và cơ quan như bộ giáo dục không thể phủ nhận những khiếu nại như vậy nữa.
Nên mặc dù chúng ta đang thấy số vụ tăng mạnh, nhưng rất có thể số vụ thực sự trong quá khứ cũng ở mức này, chỉ là không ai báo cáo".