Giáo viên sát sao hơn với từng học trò

Năm học 2020-2021, tất cả các môn học của học sinh THCS, THPT đều có đánh giá bằng nhận xét của giáo viên. Ảnh: THÚY HẰNG

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 26 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT ban hành kèm theo Thông tư 58/2011/BGD-ĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng GD-ĐT, với nhiều thay đổi như: giảm số đầu điểm, đa dạng hóa hình thức kiểm tra, đánh giá; đảm bảo hoạt động kiểm tra, đánh giá như một hoạt động học tập và vì sự tiến bộ của học sinh…

Tăng cường đánh giá bằng nhận xét

Nhìn nhận một cách tổng quát, ông Dương Bình Luyện cho rằng cùng với tính chủ động, sáng tạo trong đổi mới giáo dục, Thông tư 26 được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra sự mới mẻ hướng tới sự tiến bộ của học sinh, đón đầu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai cho lớp 6 từ năm học 2021-2022.

Ông Dương Bình Luyện, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT) cho biết, Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT ban hành kèm theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT vừa được Bộ GD-ĐT ban hành nhằm thực hiện mục tiêu kép. Trong đó thể hiện rõ quan điểm đổi mới về hoạt động kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; bảo đảm hoạt động kiểm tra, đánh giá như một hoạt động học tập và vì sự tiến bộ của học sinh.

Theo ông Luyện, điểm mới đáng chú ý đầu tiên của thông tư này là tất cả các môn học đều có đánh giá bằng nhận xét, thay vì chỉ đánh giá bằng nhận xét ở một số môn học như trước đây. Các hoạt động đánh giá được cụ thể hóa hơn so với Thông tư 58. Trong đó, kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua: hỏi - đáp; viết ngắn; thuyết trình; thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập gắn với chủ đề dạy học cụ thể. Trong mỗi học kỳ, một môn học có 1 điểm kiểm tra đánh giá giữa kỳ và 1 điểm kiểm tra đánh giá cuối kỳ; không còn điểm 1 tiết. Điểm trung bình môn học kỳ là trung bình cộng của điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên, điểm kiểm tra, đánh giá giữa kỳ và điểm kiểm tra, đánh giá cuối kỳ với các hệ số quy định.

Theo Thông tư 26, tổng số đầu điểm đã giảm so với quy định hiện hành. Song việc đánh giá bằng nhận xét nhằm hiện thực mục tiêu theo định hướng đánh giá phẩm chất, năng lực người học; hay nói cách khác là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh sẽ được đánh giá nhiều lần, bằng nhiều hình thức đánh giá khác nhau để tạo điều kiện cho học sinh có nhiều cơ hội thể hiện bản thân. Từ đó, kết quả của hoạt động kiểm tra, đánh giá sẽ sát thực với năng lực học sinh hơn, giúp các em hình thành, phát triển được phẩm chất, năng lực trong học tập. “Đây sẽ là bước đệm giúp giáo viên, cán bộ quản lý chuyển dần sang kiểm tra, đánh giá theo hướng hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực người học khi triển khai hoạt động kiểm tra, đánh giá theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, ông Luyện nói.

Bắt đầu kiểm tra, đánh giá học sinh theo thông tư mới

Thông tư 26 hiện đang được các trường bắt đầu triển khai từ năm học 2020-2021. Theo nhìn nhận của các trường, một trong những thay đổi lớn trong đánh giá học sinh trung học là tất cả các môn học được bổ sung đánh giá bằng nhận xét, thay vì chỉ cho điểm như trước kia. Điều này giúp giáo viên sát sao hơn với từng học sinh.

Thầy Nguyễn Xuân Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương (TP Tuy Hòa) cho biết: Hiện nhà trường đã triển khai Thông tư 26 đến giáo viên và sẽ trao đổi, phổ biến đến phụ huynh, học sinh trong thời gian tới. Nhà trường sẽ chỉ đạo giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy một cách đa dạng hơn để phù hợp với yêu cầu của kiểm tra, đánh giá mới.

Theo giáo viên các trường, sự tăng cường và đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết hợp với kiểm tra đánh giá định kỳ, đánh giá bằng nhận xét theo Thông tư 26 sẽ trao cơ hội để giáo viên ghi nhận một cách khách quan, đầy đủ quá trình phấn đấu, rèn luyện của học sinh. “Sự thay đổi này sẽ kích thích sự tự học, tự nghiên cứu của học sinh; khuyến khích các em mạnh dạn hơn trong học tập và tham gia trong các hoạt động phong trào của trường. Còn với giáo viên, khi được trao quyền chủ động trong thiết kế bài giảng, thiết kế hình thức kiểm tra đánh giá phù hợp với kế hoạch giảng dạy thì sẽ phù hợp với đối tượng học sinh hơn”, cô Thúy Diễm, Trường THCS Hòa Quang (huyện Phú Hòa) chia sẻ.

Ngày 17/9, Sở GD-ĐT đã có công văn hướng dẫn về kiểm tra, đánh giá học sinh theo Thông tư 26 từ năm học 2020-2021. Theo đó, sở này lưu ý: Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên giao cho giáo viên tự sắp xếp hình thức, nội dung, số lần kiểm tra, đánh giá; còn kiểm tra định kỳ, kiểm tra cuối kỳ, hiệu trưởng xây dựng kế hoạch kiểm tra tập trung (có thể ra đề kiểm tra chung một số môn, các môn còn lại giao cho tổ chuyên môn/giáo viên tự tổ chức, thực hiện), sao cho thời lượng kiểm tra, đánh giá từ 45-90 phút; riêng môn Toán, Ngữ văn đủ 90 phút; các môn chuyên đủ 120 phút; xây dựng ma trận kiểm tra, đánh giá cho từng khối lớp, từng đối tượng học sinh theo bốn mức độ đánh giá (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao).

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/245705/giao-vien-sat-sao-hon-voi-tung-hoc-tro.html