Giáo viên sẽ không còn được hưởng khoản phụ cấp nào từ 1/7/2024?

Từ 1/7/2024, giáo viên là viên chức có thể được nhận và bị cắt những khoản phụ cấp theo chính sách cải cách tiền lương. Bài viết dưới đây cung cấp các thông tin cụ thể liên quan đến vấn đề này.

Loại phụ cấp nào giáo viên không được hưởng từ 1/7/2024?

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành. Cụ thể là bãi bỏ 5 loại phụ cấp:

Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức);

Phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ);

Phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội;

Phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản);

Phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).

Hiện nay, giáo viên đang được hưởng phụ cấp thâm niên nghề. Tuy nhiên, từ 1/7/2024, thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27, giáo viên sẽ không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu).

Từ 1/7/2024, giáo viên sẽ không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề theo chính sách cải cách tiền lương. Ảnh minh họa: TL

Từ 1/7/2024, giáo viên sẽ không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề theo chính sách cải cách tiền lương. Ảnh minh họa: TL

Những loại phụ cấp nào giáo viên được hưởng từ 1/7/2024?

Giáo viên được hưởng các khoản phụ cấp dưới đây, bên cạnh lương theo vị trí việc làm.

Phụ cấp ưu đãi theo nghề

Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề này được tính theo công thức quy định tại Mục II Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC.

Mức phụ cấp ưu đãi = Mức lương cơ sở x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.

Phụ cấp này áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan Nhà nước, Đảng, tổ chức chính trị - xã hội được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động thì được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề giành cho giáo viên.

Phụ cấp đặc thù

Chế độ này áp dụng với nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân ưu tú trở lên hoặc người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, đây là quy định tại Điều 1 Nghị định 113/2015/NĐ-CP.

Công thức tính phụ cấp đặc thù như sau:

Mức phụ cấp đặc thù = 10% [mức lương hiện hưởng + Phụ cấp chức vụ lãnh đạo + Phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)]

Phụ cấp cho giáo viên dạy người khuyết tật

Theo quy định tại Nghị định 113/2015/NĐ-CP, Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH thì giáo viên dạy học cho người khuyết tật được hưởng 02 loại phụ cấp:

- Phụ cấp trách nhiệm công việc.

- Phụ cấp ưu đãi công việc.

Phụ cấp công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn

Chế độ này áp dụng đối với giáo viên giảng dạy, công tác ở huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1, xã đặc biệt khó khăn như xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số, miền núi, xã đảo, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp…

Theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP các đối tượng này sẽ được hưởng một số phụ cấp như: Phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số cho giáo viên…

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/giao-vien-se-khong-con-duoc-huong-khoan-phu-cap-nao-tu-1-7-2024-172240606112416779.htm