Giáo viên thời 4.0
Tiên phong khai thác những giá trị của công nghệ 4.0, các thầy cô đã và đang đưa học trò vượt ra khỏi bốn bức tường của lớp học truyền thống đến với những chân trời tri thức mới mẻ, hấp dẫn. Thông qua những tiết học đó, 'học' đã thực sự đi đôi với hành.
Nhiều năm về trước, chúng tôi học tiếng Anh thông qua sách vở, làm bài tập ngữ pháp, học từ vựng bằng giấy nhớ... nên khi được tham dự một tiết học “không biên giới” của cô giáo Hoàng Thị Hiền – giáo viên môn tiếng Anh trường THPT Hạ Hòa tôi thực sự cảm thấy vô cùng thú vị và bất ngờ. Điều đầu tiên tôi cảm nhận được là không khí học tập sôi nổi và hào hứng từ lúc bắt đầu cho tới khi nói tạm biệt của các em học sinh.
Một tiết học “không biên giới” của cô giáo Hoàng Thị HiềnNgay khi có tín hiệu kết nối internet thành công, trên màn hình hiện ra hình ảnh một thầy giáo nước ngoài, sau phần giới thiệu của cô Hiền, các em lần lượt hỏi thầy giáo một số câu hỏi cho đến khi đoán được thầy đến từ quốc gia nào. Tiết học hôm ấy tôi cùng cô Hiền và các em học sinh được “chu du” đến Guatemala – một quốc gia ở Trung Mỹ, nằm bên bờ Thái Bình Dương và biển Caribe. Các em học sinh chủ động hỏi rất nhiều câu hỏi và nghe thầy chia sẻ về văn hóa truyền thống, trang phục, âm nhạc... của đất nước này. Trước khi kết thúc giờ học, các em cũng có cơ hội giới thiệu về những nét đặc sắc trong văn hóa của Việt Nam.
Thấu hiểu những khó khăn và hạn chế trong việc học Tiếng Anh của học trò, cô Hiền đã tự học hỏi và áp dụng các ứng dụng của Microsoft, kết nối với giáo viên và học sinh nước ngoài trong các giờ dạy học. Những tiết học “không biên giới” thông qua các ứng dụng Microsoft Teams, Skype, Zoom và những giờ nói chuyện 1-1 với học sinh nước ngoài qua dự án worldchat... không chỉ giúp học trò của cô phát triển kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh mà còn mở ra cho các em một bầu trời tri thức mới về kinh tế, văn hóa, xã hội... của nhiều quốc gia trên thế giới. Bằng những cống hiến của mình cho giáo dục, tháng 9 năm 2020, cô Hiền đã được công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft.
Em Lê Tuệ Giang – Học sinh lớp 10A1 chia sẻ: “Từ những lớp học “không biên giới”, chúng em được trải nghiệm những hoạt động thú vị và bổ ích mà ở bậc THCS chưa bao giờ có cơ hội được thực hiện. Em tin rằng từ lớp học này khả năng học tiếng Anh của chúng em sẽ ngày càng được nâng cao hơn nữa”.
Thầy giáo Nguyễn Duy Khánh cùng học sinh trong một tiết học thực hành (Ảnh chụp tháng 4/2021)
Giống như cô Hiền, thầy giáo Nguyễn Duy Khánh – Giáo viên môn Sinh học, Trường THPT chuyên Hùng Vương (Thành phố Việt Trì) cũng là một trong những giáo viên tiên phong trong việc sử dụng công nghệ 4.0 vào giảng dạy. Những tiết học của thầy Khánh không đơn thuần chỉ có bảng đen, phấn trắng mà còn có những chuyên đề được minh họa bằng video clip, hình ảnh 3D sống động hay những thí nghiệm ảo, trò chơi tri thức... Với mục tiêu kết nối chặt chẽ giữa giáo dục 4.0 và công nghệ 4.0, thầy “nhường” bục giảng lại cho học sinh thuyết trình, hùng biện, tranh biện về nhiều chủ đề liên quan đến môn học tạo nên sự tương tác đa chiều, giúp các em học sinh yêu thích và hứng thú với môn học hơn.
Fanpage Facebook SINH HỌC 4.0 – Thầy Nguyễn Duy Khánh với hàng chục nghìn lượt like, theo dõi
Không chỉ dạy tốt lớp học của mình, thầy Khánh thường xuyên cùng các giáo viên khác tổ chức nhiều buổi hội thảo để chia sẻ những phương pháp, kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn và hiệu quả giảng dạy. Thông qua mạng xã hội, thầy đã xây dựng được những cộng đồng học tập để livestream, chia sẻ miễn phí tài liệu, kinh nghiệm ôn thi môn Sinh học cho các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 12, đồng thời góp phần hỗ trợ các đồng nghiệp khi cần. Fanpage Facebook “SINH HỌC 4.0 – Thầy Nguyễn Duy Khánh” và hai hội, nhóm Facebook THCS, THPT được thành lập gần hai năm nay với khoảng 130.000 thành viên đang hoạt động rất hiệu quả, nhất là trong những điểm khó khăn của dịch COVID-19.
Bằng tình yêu với nghề, với trò, các “giáo viên 4.0” đã và đang tạo nên một “làn sóng mới” thông qua những thay đổi mạnh mẽ trong cách dạy và học, tạo nên một thế hệ học sinh năng động, sáng tạo, từng bước trở thành những công dân toàn cầu của thời đại mới.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202111/giao-vien-thoi-4-0-181136