Giáo viên trẻ đổi mới, sáng tạo vì học trò
Mỗi người mỗi nơi công tác, một lĩnh vực giảng dạy ở cấp học khác nhau song điểm chung của 30 nhà giáo trẻ tiêu biểu vừa được Tỉnh đoàn, Sở GĐ-ĐT vinh danh chính là không ngừng đổi mới, sáng tạo giúp cho học sinh hứng thú với môn học, tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Đội.
Khác với cách giảng dạy truyền thống, tiết dạy của cô Vương Thị Phượng, giáo viên Trường tiểu học Liên Ngọc (xã Ngọc Định, huyện Định Quán) thường bắt đầu bằng những giai điệu vui tươi khiến học trò thích thú.
* Đổi mới phương pháp giảng dạy
Lý giải về lý do có những tiết dạy như vậy, cô Vương Thị Phượng cho biết, do mê công nghệ, lại thấy các trang thiết bị dạy học chưa phát huy hết chức năng nên cô bắt đầu mày mò và từng bước thiết kế bài giảng dưới dạng PowerPoint với những hình ảnh, video clip sinh động.
Theo cô Phượng, để có được những đoạn video clip hay những hình ảnh phù hợp với nội dung bài học, cô sử dụng các phần mềm đồ họa để tạo những hình vẽ và xử lý hình ảnh. Chẳng hạn khi giảng về sự sinh sản của côn trùng, cô sưu tầm hình ảnh về các loài côn trùng và sử dụng phần mềm Photoshop để cắt, ghép, chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung bài học...
Nhà giáo trẻ tiêu biểu tỉnh Đồng Nai là giải thưởng của Ban Chấp hành Tỉnh đoàn trao tặng cho giáo viên, giảng viên trẻ tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, đóng góp tích cực cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Với cách làm này, không chỉ giúp cô Phượng tự tin hơn trong mỗi tiết dạy mà quan trọng hơn cả là tạo hứng thú, giúp học sinh lĩnh hội kiến thức một cách thoải mái. Em Nguyễn Ngọc Khánh Tiên, học sinh lớp 5/1 Trường tiểu học Liên Ngọc cho biết: “Em cảm thấy rất thích thú đối với những tiết học có ứng dụng công nghệ thông tin, bởi nó giúp em dễ hình dung bài học thông qua việc quan sát tranh, ảnh, xem những đoạn video clip. Nhờ đó, nhiều bài học em nhớ ngay tại lớp mà khi về nhà không cần học lại”.
Môn Công nghệ xưa nay vẫn bị học sinh cho là khô khan nhưng dưới sự giảng dạy của cô Nguyễn Trần Kim Kiều, giáo viên Trường THPT Võ Trường Toản (xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ) sự khô khan ấy đã được mềm hóa, có sức hút mạnh mẽ đối với học sinh. Chia sẻ về cách làm của mình, cô Kim Kiều cho hay, bên cạnh việc soạn bài giảng lên máy vi tính, sử dụng bảng tương tác và máy chiếu cô còn đưa những ý tưởng mới vào dạy học.
Chẳng hạn, để giúp học sinh hình dung về quy trình đúc chi tiết máy bằng kim loại, cô đã gợi ý cho học sinh sử dụng sáp đèn cầy đổ vào khuôn thay thế cho kim loại. Hay trước mỗi bài học, cô gợi ý cho học sinh về nhà tự tìm hiểu trên internet, sau đó cô sẽ hệ thống lại toàn bộ kiến thức liên quan đến bài học. Việc phát huy vai trò chủ động của học sinh trong tìm hiểu thông tin giúp học sinh bớt nhàm chán và ghi nhớ bài học tốt hơn.
Trong suốt 11 năm gắn bó với trẻ mầm non, cô Nguyễn Ngọc Thủy, giáo viên Trường mầm non Thanh An (phường Xuân An, TP.Long Khánh) luôn đặt mình vào vị trí người mẹ của trẻ.
Ngoài các sáng kiến rèn luyện kỹ năng cho trẻ mẫu giáo lớn (như: kỹ năng tự phục vụ, giao tiếp với bạn, giao tiếp với người lớn, tự bảo vệ bản thân...), cô còn ứng dụng công nghệ thông tin trên smart tivi để thiết kế các bài dạy nhằm thu hút sự chú ý của trẻ. Cô Ngọc Thủy chia sẻ, bình thường khi kể một câu chuyện, cô phải vẽ tranh minh họa. Tranh là hình ảnh tĩnh nên không gây sự chú ý với trẻ. Trong khi đó, ứng dụng công nghệ thông tin trên smart tivi, câu chuyện kể sinh động hơn khi các nhân vật có thể cử động, chớp mắt, mở miệng... Hoặc đối với một trò chơi, trẻ được thao tác trực tiếp trên tivi màn hình cảm ứng, từ đó, trẻ hào hứng và hiệu quả giờ học được nâng cao hơn.
* Sáng tạo trong công tác Đoàn, Đội
Trong số 30 nhà giáo trẻ tiêu biểu được vinh danh, tuyên dương còn có những nhà giáo làm công tác tổng phụ trách Đội - những người “truyền lửa” cho phong trào Đoàn, Đội trong trường học.
Tốt nghiệp ngành Văn - Giáo dục công dân, Khoa Xã hội Trường cao đẳng sư phạm Đồng Nai (nay là Trường đại học Đồng Nai), thầy Dương Mạnh Đà về công tác tại Trường THCS Thạnh Phú (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) làm giáo viên Tổng phụ trách Đội. Thầy Đà bộc bạch, lúc nhận nhiệm vụ bản thân cũng có chút hụt hẫng, nhưng thiết nghĩ mình còn trẻ, nếu như thử thách này không vượt qua thì làm sao có thể vượt qua những thử thách lớn hơn.
Đồng ý làm giáo viên Tổng phụ trách Đội cũng là lúc thầy Đà bắt đầu quá trình tự học. May mắn thầy được Ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện nên mọi hoạt động Đội do Hội đồng Đội cấp trên tổ chức thầy đều được tham gia.
Tổng phụ trách Đội Dương Mạnh Đà năm xưa nay đã trở thành người dày dặn kinh nghiệm, có nhiều sáng kiến được áp dụng tại trường thu hút đông đảo đội viên, học sinh tham gia. Có thể kể đến như mô hình nuôi heo đất. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền mà số lượng đội viên, học sinh nuôi heo đất ngày một tăng. Trong năm học 2018-2019, toàn Liên đội nuôi được 44 con heo đất, hội thu được trên 90 triệu đồng, hỗ trợ học bổng cho 300 đội viên, học sinh nghèo vượt khó. Bên cạnh đó, do số lượng học sinh của trường đông, thầy Đà đã triển khai mô hình Liên đội tự quản. Kết quả năm học vừa qua, toàn Liên đội không có đội viên, học sinh nào xếp loại trung bình về hạnh kiểm...
Cũng như nhiều giáo viên Tổng phụ trách Đội khác, thầy Lê Văn Hiếu, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Hùng Vương (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) luôn đặt mục tiêu là giáo dục truyền thống, đạo đức, định hướng lối sống đẹp cho học sinh. 3 năm về công tác tại trường cũng là 3 năm thầy Hiếu triển khai những mô hình hoạt động bổ ích, ý nghĩa.
Trong đó có mô hình giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua triển lãm tại phòng truyền thống. Chia sẻ về mô hình này, thầy Hiếu cho biết, vào giờ ra chơi các lớp sẽ tổ chức cho đội viên, học sinh tham quan phòng truyền thống. Để tăng cường công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, 2 tuần/lần vào sáng thứ hai, các chi đội lại luân phiên kể chuyện về các vị anh hùng dân tộc... giúp bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc cho học sinh.
Em Trần Ngọc Anh, học sinh lớp 9/1 Trường THCS Hùng Vương cho biết, từ hoạt động tham quan phòng truyền thống của trường mà em có cơ hội tìm hiểu về 18 vị vua Hùng; hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về lịch sử hình thành và phát triển của ngôi trường mà em đang theo học.
Tại lễ tuyên dương nhà giáo trẻ tiêu biểu tỉnh Đồng Nai lần thứ I-2019, Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Cao Cường nhấn mạnh, 30 nhà giáo trẻ được vinh danh, biểu dương là những nhà giáo trẻ tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy, nghiên cứu và có nhiều sáng tạo mang lại hiệu quả tốt trong công tác GD-ĐT. Đây còn là những gương mặt nhà giáo trẻ luôn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện có hiệu quả các phong trào hành động cách mạng của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, các phong trào của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng hình ảnh nhà giáo mẫu mực trong lòng học sinh, phụ huynh và đóng góp tích cực vào công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của tỉnh.