Giáo viên truyền cảm hứng cho đồng nghiệp

Sáng qua, 183 thầy, cô giáo và cán bộ quản lý tiêu biểu của ngành giáo dục được Bộ GD&ĐT tuyên dương, tặng bằng khen. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ mong các thầy cô giáo được vinh danh sẽ là những người truyền cảm hứng cho đồng nghiệp.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ sáng 15/11 trao bằng khen cho thầy Thái Thành Thuận - giáo viên Trường THCS Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ sáng 15/11 trao bằng khen cho thầy Thái Thành Thuận - giáo viên Trường THCS Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự nỗ lực, công sức của các thầy cô giáo tiêu biểu và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cả nước; đồng thời mong muốn các thầy cô tiếp tục vượt qua khó khăn, đóng góp tâm sức, trí tuệ cho sự nghiệp giáo dục.

Trong số giáo viên được vinh danh có thầy Thái Thành Thuận, giáo viên Trường THCS Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ngồi xe lăn dạy học nhiều năm nay, thầy là tấm gương về nghị lực sống vượt qua nghịch cảnh để gắn bó với nghề. Thầy có nhiều sáng tạo trong dạy học môn Lịch sử - Địa lý. Nhiều năm liền, thầy là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, có nhiều học trò thi học sinh giỏi đạt giải cao.

Tìm mọi cách để học sinh nói được tiếng Anh

Đó là cô giáo Trần Thị Lực, Phó hiệu trưởng Trường THPT Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội vừa được thành phố Hà Nội vinh danh là một trong những nhà giáo tâm huyết, sáng tạo năm 2020. Dù xuất thân là giáo viên dạy Toán nhưng cô Lực lại trăn trở trước việc học sinh học ngoại ngữ nhưng không “nói được”,nhất là học sinh Trường THPT Minh Phú, điểm tuyển sinh đầu vào lớp 10 rất thấp, học sinh không tự tin, chất lượng kiểm tra, đánh giá cũng như thi THPT môn ngoại ngữ hằng năm rất thấp.

Năm 2018, cô Lực đưa ra ý tưởng thực hiện dự án thúc đẩy khả năng học và nói ngoại ngữ ở trường. Từ đó đến nay, dự án là sân chơi thúc đẩy khả năng học và nói tiếng Anh của học sinh. Dự án có 3 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1, trường tổ chức cuộc thi hát tiếng Anh tập thể, yêu cầu 100% học sinh trong lớp phải hát. Sau 1 tháng tập luyện, trường tổ chức thi theo khối, kết quả rất bất ngờ, em nào cũng thuộc ít nhất 1 bài hát và học cách phát âm đúng. Giai đoạn 2 thời gian 2,5 tháng, cứ 15 phút đầu giờ, nhà trường giao cho tất cả các lớp thực hiện chủ đề giao tiếp tiếng Anh. Trong lớp có ít nhất 1 giáo viên hoặc 1 nhân viên tình nguyện đồng hành với học sinh.

Chủ đề được trường xây dựng từng tuần một, 2 học sinh tạo thành 1 cặp nói với nhau và quay lại video mình nói. Cuối tuần, học sinh gửi video cho giáo viên phụ trách lớp để chấm, chọn ra 1 video học sinh nói tốt nhất và 5 cặp học sinh nói tiến bộ, trong đó chú trọng học sinh tiến bộ để trao thưởng. Kết thúc giai đoạn 2, học sinh không sợ hãi mà nhiều em đã hào hứng với tiếng Anh, trường chuyển sang giai đoạn tổ chức chuyên đề, thi hùng biện tiếng Anh để học sinh tự chọn chủ đề và diễn thuyết. Để thúc đẩy khả năng học ngoại ngữ, tất cả bảng hiệu trong trường được chuyển sang tiếng Anh. “Sau gần một năm đánh giá lại cho thấy, trong các giờ học tiếng Anh, học sinh giao tiếp với thầy cô dễ dàng hơn, các em dám nói, tự tin hơn rất nhiều”, cô Lực nói.

Sáng tạo phần mềm dạy học trực tuyến

Cô Đoàn Thu Huyền, Trường THCS Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội vừa được tuyên dương là một trong những giáo viên tiêu biểu, sáng tạo của thành phố Hà Nội. Là giáo viên dạy môn Toán, chủ nhiệm lớp 6A2, cô Huyền là giáo viên trẻ có nhiều ý tưởng trong dạy học.

Năm học 2019-2020, phải chuyển sang dạy học trực tuyến, cô Huyền tìm tòi và học hỏi các ứng dụng CNTT trong hoạt động nhóm, các phần mềm tạo câu hỏi trò chơi trắc nghiệm, gửi bài và kiểm tra các lớp học như phần mềm tạo đề kiểm tra, ứng dụng giao việc làm trực tiếp cho đồng nghiệp trong việc báo cáo nhanh tình hình dạy học trực tuyến hằng ngày…

Cô cũng là người mày mò tìm ra cách dạy học trực tuyến chia đôi màn hình dạy trên Zoom để vừa trình chiếu bài dạy bằng Powerpoint vừa mở được bài làm của học sinh gửi trên Google Classroom để có thể chấm, chữa bài, so sánh bài của nhiều bạn với nhau trên cùng một màn hình. Điều này giúp học sinh tìm được lỗi sai của bản thân để rút kinh nghiệm sau mỗi bài học, đồng thời giúp các bài dạy học trực tuyến không trở nên nhàm chán.Cô cũng cùng các giáo viên trong tổ chủ động nghiên cứu các phần mềm thực hiện thành công chuyên đề Toán như rèn học sinh kĩ năng phát hiện và giải quyết vấn đề thông qua phép cộng phân số trong dạy học trực tuyến.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh chất lượng nguồn nhân lực

Sáng 15/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp gỡ 183 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu toàn quốc nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Chủ tịch Quốc hội điểm lại 6 thành tựu nổi bật của ngành giáo dục,trong đó có chất lượng giáo dục phổ thông ngày càng được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa được triển khai theo đúng lộ trình. Nhiều mô hình giáo dục, nhiều phương pháp dạy học tích cực được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Kết quả các cuộc thi quốc tế ngày càng cao; chất lượng giáo dục đại học được cải thiện rõ rệt, tự chủ đại học được thúc đẩy, tạo đột phá trong quản trị, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Chỉ số xếp hạng và số lượng các trường đại học của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng các trường có chất lượng tốt, uy tín trong khu vực và thế giới được nâng lên; năm 2020, Ngân hàng Thế giới đánh giá thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, có được kết quả nêu trên là do sự cố gắng của toàn ngành, sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng trong dạy và học của các thế hệ thầy, trò trong cả nước, đặc biệt là các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu.Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đặt ra một số nhiệm vụ cho ngành, trong đó nhấn mạnh đến chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh số hóa như hiện nay.

NGHIÊM HUÊ

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/giao-vien-truyen-cam-hung-cho-dong-nghiep-1750474.tpo