Giáo viên tư thục đi bóc vỏ tôm, lau nhà thuê mùa dịch Covid-19
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều giáo viên mầm non tư thục tại Quảng Ninh phải đi bóc vỏ tôm, lau dọn nhà thuê để kiếm sống qua ngày.
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn tiếp tục cho học sinh các cấp trên địa bàn nghỉ học đến hết tháng 3 do dịch Covid-19. Đây là lựa chọn đảm bảo an toàn cho học sinh trước nguy cơ dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Tuy nhiên, học sinh không đi học, các trường tư thục sẽ gặp khó khăn khi không có nguồn thu để trả lương cho giáo viên và đóng BHXH.
Nhiều cô giáo mầm non tư thục tại Quảng Ninh không trông chờ, ỷ lại mà kiếm đủ việc để mưu sinh với mong muốn khắc phục giai đoạn khó khăn và dịch bệnh sớm kết thúc để đi dạy trở lại.
Hơn 1 tháng nay, kể từ khi lớp học mầm non tư thục SuMi ở tổ 15, khu 3a , phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long cửa đóng then cài do dịch Covid-19, chị Phạm Thị Hồng Tươi - chủ lớp mầm non tư thục hùn vốn cùng 3 giáo viên khác mua tôm biển về bóc nõn, đóng hộp và bán hàng online.
Dậy từ 3h sáng, chị Tươi di chuyển khoảng 15km qua bến cá Hòn Gai để mua hàng chục kg tôm sắt loại nhỏ về làm hàng. Đây là loại tôm biển tươi, bóc bỏ hết đầu và vỏ đóng gói bảo quản, sau đó các cô giáo rao bán trên các trang mạng xã hội. Người lấy hàng, tập trung bóc tôm rồi rao bán và ship hàng... Dù vất vả hơn so với nghề trông trẻ nhưng đó là giải pháp trước mắt tháo gỡ khó khăn khi trẻ không đến trường.
“Vì làm tư thục không có lương nhà nước trả, mà không có lương là không có chi tiêu cuộc sống. Một ngày bây giờ kiếm 50.000, 100.000 đồng cũng vui. Giờ chúng tôi đi bưng bê cũng được nhưng nhà hàng nghỉ, công ty thì họ không nhận công nhân thời vụ.
Dịch kéo dài học sinh nghỉ học, giáo viên mầm non chúng tôi xoay đủ việc. Trước tôi làm shipper rồi bán hàng gia dụng, hay ở quê gửi lên trứng gà hay thực phẩm gì bán nhưng bấp bênh lắm”, chị Vui kể.
Khi trường học đóng cửa vì dịch bệnh, những thầy cô giáo ở nhiều bộ môn khác vẫn có thể dạy kỹ năng sống, dạy online để kiếm thu nhập, thì các cô giáo mầm non chỉ biết trông chờ vào đồng lương nhờ kỹ năng trông nom và chăm sóc trẻ nhỏ.
Gia đình cô giáo Vũ Thị Thu Hà (40 tuổi) trường tư thục Hoa Lê, thành phố Hạ Long phải dè xẻn chi tiêu vì chỉ có đồng lương công nhân của chồng. Chị quyết định xin đi làm thuê lau dọn nhà cửa để chia sẻ gánh nặng với chồng. Gần 20 năm công tác trong ngành giáo dục chưa bao giờ chị rơi vào hoàn cảnh này.
Chị Hà Thị Vân Lê, trường mầm non Hoa Lê, thành phố Hạ Long cho rằng kiếm việc làm tạm thời không phải là quá khó, nhưng do đã gắn bó với công việc dạy học, yêu trẻ nên rất mong dịch bệnh qua thật nhanh để các cô có thể đến lớp trở lại.
"Để chờ đợi nhà nước có chính sách hỗ trợ có lẽ hơi lâu, nhất là trong giai đoạn dịch như hiện nay. Tất cả đều khó khăn, cùng chống dịch. Vì thế, chúng tôi cũng không thể đòi hỏi mà phải chủ động kiếm việc để khắc phục khó khăn, tự thân vận động và các cô giáo rất cố gắng, cùng chia sẻ khó khăn. Các cô chỉ làm tạm thời, không muốn chuyển đổi nghề khác. Chỉ mong dịch qua đi để trở lại trường", chị Vân Lê cho biết.
Vượt qua những rào cản tâm lý, e ngại ban đầu để kiếm việc làm thêm trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh gây ra sẽ là trải nghiệm không thể nào quên với các cô giáo mầm non tư thục. Điều mong muốn nhất không chỉ của các cô giáo là dịch bệnh sớm kết thúc để được đón trẻ đến trường và sớm ổn định cuộc sống.