Giáo viên vi phạm Luật giao thông sẽ bị xem xét, đánh giá thi đua
Nếu giáo viên vi phạm Luật giao thông, lực lượng chức năng sẽ gửi thông tin vi phạm về trường, các trường lấy đó làm căn cứ xem xét, đánh giá thi đua hàng năm.
Đó là ý kiến của ông Vũ Văn Trà, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tại hội nghị đánh giá công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý 1, triển khai các nhiệm vụ trong quý 2-2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng.
Theo ông Vũ Văn Trà, thành phố Hải Phòng có hơn 60 vạn học sinh, sinh viên và hơn 3 vạn cán bộ, giáo viên nhân viên.
Nếu chỉ tính bậc học mầm non, tiểu học và một nửa trung học cơ sở, số lượng học sinh có bố mẹ đưa đón thì số lượng người tăng khiến mật độ tham gia giao thông rất lớn.
"Tôi không phủ nhận tình trạng ùn tắc giao thông tại một số trường học; một bộ phận học sinh tham gia giao thông lạng lách, vượt đèn đỏ, thậm chí có một số thầy, cô giáo cũng vi phạm Luật giao thông.
Theo quy định của Luật giao thông đường bộ, học sinh là lứa tuổi vị thành niên nên khung hình phạt không có phạt tiền.
Vậy thì phải có biện pháp thông báo về nhà trường để các trường xem xét đánh giá hạnh kiểm học sinh", ông Trà nhấn mạnh.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng Hải Phòng, trong quý 1/2021 trên địa bàn thành phố có 6 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, trong đó có 2 học sinh bị tai nạn tại cầu Bùi Viện rất thương tâm.
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho rằng, học sinh khi học tập tại các nhà trường được dạy tích hợp, được tham gia nhiều chuyên đề, cuộc thi về chấp hành luật lệ an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.
Tuy nhiên, số lượng học sinh lớn như vậy không tránh khỏi sẽ có một bộ phận các em hiếu động nên cần phải có biện pháp để giảm thiểu tối đa.
Do đó, Sở Giáo dục đề nghị với cơ quan Cảnh sát giao thông ghi chép lại kết quả học sinh, giáo viên vi phạm Luật giao thông và gửi danh sách về nhà trường những trường hợp vi phạm.
Khi có thông tin học sinh vi phạm gửi về trường, nhà trường sẽ thông tin tới giáo viên chủ nhiệm để có biện pháp giáo dục như nhắc nhở, phê bình học sinh đó.
Đồng thời, nhà trường phối hợp, trao đổi với phụ huynh học sinh để có hướng xử lý khi học sinh vi phạm Luật giao thông.
Học sinh khi vi phạm Luật giao thông lần đầu sẽ bị phê bình tại lớp. Nếu tái phạm, nhà trường sẽ có biện pháp nhắc nhở trước toàn trường để răn đe những học sinh khác.
Còn đối với các thầy, cô giáo, đây là những viên chức đặc biệt (giáo viên không chỉ là một công việc bình thường mà còn phải đứng trước học sinh).
Nếu giáo viên vi phạm Luật giao thông, lực lượng chức năng sẽ gửi thông tin vi phạm về các nhà trường thì các trường sẽ xem xét trong việc đánh giá thi đua.
"Những năm gần đây, mô hình cổng trường an toàn giao thông của ngành giáo dục Hải Phòng triển khai rất tốt.
Tại một số cổng trường có cả hội Cựu chiến binh, phụ huynh, thanh niên tham gia tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Nhưng hiện nay đang có tình trạng phụ huynh có điều kiện tốt hơn đưa, đón con bằng ô tô dẫn đến khoảng không gian bị chiếm nhiều hơn gây ách tắc giao thông.
Do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Đài phát thanh truyền hình Hải Phòng nên dành thời gian để đưa những thông tin cảnh báo con số tử vong do tai nạn giao thông, hình ảnh vượt đèn đỏ, lạng lách tới người dân.
Tôi cũng đề xuất với Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý những trường hợp vi phạm Luật giao thông", ông Trà nói.