Giáo viên vùng cao chông chênh đường đến trường

Năm nào cũng vậy, đầu tháng 8 giáo viên vùng cao lại 'trả phép' để chuẩn bị cho năm học mới.

Đường đến trường lầy lội của giáo viên các trường trên địa bàn xã Pú Hồng (Điện Biên Đông, Điện Biên).

Đường đến trường lầy lội của giáo viên các trường trên địa bàn xã Pú Hồng (Điện Biên Đông, Điện Biên).

Năm nay, đường đến lớp càng thêm gian nan, nguy hiểm khi mưa lũ gây ảnh hưởng nặng nề ở các tỉnh miền núi.

Hành trình gian nan

Vào mùa mưa bão, đường đến trường của giáo viên vùng cao thật chông chênh. Thầy cô phải đến trường, lớp sớm để rà soát và sửa sang cơ sở vật chất, đặc biệt tại các điểm bản. Trong khi đó, điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông của hầu hết huyện miền núi chưa hoàn thiện.

Đợt mưa lũ cuối tháng 7 vừa qua gây thiệt hại nặng nề tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên. Mưa lũ khiến hàng nghìn khối đất đá vùi lấp tuyến đường huyết mạch đến các huyện vùng cao Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé; đồng thời làm nhiều tuyến đường giao thông liên xã, liên bản trên địa bàn tỉnh Điện Biên bị ách tắc. Điều đó khiến giáo viên không thể tựu trường trả phép theo đúng kế hoạch.

Năm học này, Trường PTDTBT Tiểu học Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) có 46 giáo viên. Tuy nhiên, đến ngày trả phép (1/8), mới có 15 cán bộ, giáo viên có mặt tại trường.

Thầy Vũ Văn Sơn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Do trời mưa lớn, nhiều tuyến giao thông bị sạt lở khiến thầy cô không thể trả phép đúng kế hoạch. Nhiều người đi đến nửa đường phải quay lại. Tuyến đường vào xã Na Cô Sa cũng xảy ra sạt lở khiến ách tắc giao thông”.

Xuất phát từ Điện Biên vào trường hôm 30/7, cô Bùi Thị Khuyên - giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Na Cô Sa rất khó khăn mới qua được điểm sạt lở tại xã Mường Pồn. Nhưng khi gần đến trung tâm thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên), cô nhận được tin tại km8, km47, đường lên Nậm Pồ bị sạt lở nên phải quay về.

“Đi lại mùa mưa vất vả, nguy hiểm quá, chẳng biết sạt lở lúc nào, chỗ nào. Không vào được trường, lúc quay về nhà, chúng tôi lại bị tắc đường tại xã Mường Pồn”, cô Khuyên chia sẻ.

Theo kế hoạch của Phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ (Điện Biên), ngày 1/8, giáo viên sẽ trả phép để chuẩn bị cho năm học mới. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của ách tắc giao thông do mưa lũ, địa phương này đã lùi lại thời gian trả phép đến ngày 5/8.

Ông Ngô Xuân Chiến - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ cho biết: “Để đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên trong quá trình về tựu trường, chúng tôi đã lùi thời gian về trường và yêu cầu các cơ sở giáo dục nắm bắt, báo cáo tình hình trả phép của giáo viên”.

 Khắc phục hậu quả mưa lũ tại điểm trường Nà Mện, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Ty, huyện Sông Mã (Sơn La).

Khắc phục hậu quả mưa lũ tại điểm trường Nà Mện, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Ty, huyện Sông Mã (Sơn La).

 Thầy cô vất vả trên đường vào xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) ngày 4/8.

Thầy cô vất vả trên đường vào xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) ngày 4/8.

Do sạt lở nên ngày 4/8 cô Lò Thị Thắm - giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Na Cô Sa mới vào được trường. Tuy nhiên, quá trình di chuyển phải qua nhiều điểm sạt lở, ách tắc. Nhiều chỗ trơn trượt, nữ nhà giáo vừa dắt vừa đẩy xe mới qua được.

Kế hoạch của Trường PTDTBT Tiểu học Tá Bạ, huyện Mường Tè (Lai Châu) cũng trả phép ngày 1/8. Nhưng vì đa số thầy cô lên đây công tác đều ở xa nên nhà trường yêu cầu giáo viên tập trung tại trường từ chiều 31/7. Tuy nhiên, do trời mưa lớn, tuyến đường vào Tá Bạ xuất hiện nhiều điểm sạt lở khiến một số thầy cô chưa thể về tựu trường.

Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Hà Nam Thắng: “Năm nay, trường có 42 cán bộ, giáo viên. Chúng tôi yêu cầu các thầy cô tựu trường chiều 31/7. Nhưng mới có những giáo viên về quê, lên trường sớm hơn có mặt. Một số thầy cô ở Mường Tè dự định ngày 31/7 vào trường thì xuất hiện mưa lũ, sạt lở nên chưa thể trả phép”.

 Trường PTDTBT Tiểu học Na Cô Sa tích cực di chuyển dồ đạc ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở.

Trường PTDTBT Tiểu học Na Cô Sa tích cực di chuyển dồ đạc ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở.

Cũng theo thầy Thắng, tuyến đường vào Tá Bạ có 4 - 5 điểm sạt lở. Có những điểm phải 4 - 5 người khiêng xe mới qua được. Vì lý do đó, nhà trường đã đề xuất phòng GD&ĐT để 12 giáo viên chưa thể tựu trường học bồi dưỡng chính trị hè tại các điểm cầu.

Bản thân thầy Thắng dù đã về trường cách ngày trả phép 1 tuần nhưng vì phải xuống huyện họp, đường tắc nên chưa thể quay lại trường theo dự kiến. Thầy Thắng sẽ tham gia lớp bồi dưỡng chính trị tại trung tâm huyện Mường Tè.

“Chúng tôi theo dõi tình hình thời tiết và hỏi người dân thì biết tuyến đường vẫn xảy ra ách tắc. Việc đi lại nguy hiểm nên ban giám hiệu đề xuất với phòng GD&ĐT cho phép giáo viên đang ở đâu sẽ học lớp bồi dưỡng chính trị ở đó để đảm bảo an toàn”, thầy Thắng nói.

 Đóng cọc chống sạt lở tại điểm trường Xà Quế thuộc Trường Mầm non xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, Điện Biên.

Đóng cọc chống sạt lở tại điểm trường Xà Quế thuộc Trường Mầm non xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, Điện Biên.

Nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, huyện biên giới Mường Nhé là một trong những khu vực bị thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua. Nhiều điểm trường đang ngập trong bùn đất.

Ông Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé, cho hay: Trên địa bàn huyện có nhiều điểm trường bị ngập lụt, sạt lở đất đá gây hư hại, nhất là phòng học, bàn ghế, đồ dùng dạy, học cùng phòng ở giáo viên. Hiện tại, thiệt hại nặng nề nhất là điểm trường Xà Quế (Trường Mầm non xã Chung Chải), điểm trường Nậm Ban (Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Pố) và Trường PTDTBT THCS Quảng Lâm.

 Đường vào xã Tá Bạ, huyện Mường Tè (Lai Châu) bị sạt lở.

Đường vào xã Tá Bạ, huyện Mường Tè (Lai Châu) bị sạt lở.

Sau mưa lũ, khắp điểm Trường Mầm non xã Chung Chải dày bùn đất. Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Oanh, trời liên tục mưa khiến công tác dọn dẹp trở nên khó khăn, vất vả. Song, các thầy cô và lực lượng hỗ trợ đang cố gắng khẩn trương dọn dẹp, để học sinh nhà trường có thể đón năm học mới đúng kế hoạch.

Tại Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Pố, huyện Mường Nhé, mưa lớn kéo dài khiến khu đồi gần dãy nhà lớp học của điểm trường Nậm Ban bị sạt lở nghiêm trọng. Chia sẻ thông tin, thầy Hiệu trưởng Vũ Văn Nguyện bày tỏ lo lắng: “Khu vực sạt lở chỉ cách nhà lớp học khoảng 3 mét, với thời tiết mưa kéo dài như hiện nay tôi lo sẽ gây sụt lún các lớp học”.

Lũ chồng lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành Giáo dục tỉnh Sơn La. Theo ông Nguyễn Công Viên - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sông Mã, qua rà soát, điểm trường Nà Mện, Trường PTDT Tiểu học Nậm Ty bị hỏng hoàn toàn 120m chân tường bao. Nước lũ tràn về khiến toàn bộ lớp học ở tầng 1 bị bùn tràn vào, khuôn viên trường bị đất đá vùi lấp...

“Đường sá từ điểm trường trung tâm tới điểm trường Nà Mện do mưa lũ kéo dài nên đi lại khó khăn, phải đi bộ hơn 3km và qua cầu tre tạm do dân làm khiến việc tập trung của giáo viên tới trường cực kỳ gian nan, vất vả. Ngoài ra, việc ăn ở của giáo viên cũng gặp khó khi hầu hết khu nội trú ở các trường bị hư hỏng nặng hoặc bị lũ cuốn trôi”, cô Nguyễn Thị Hà - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Ty chia sẻ.

Ngay sau trận mưa lũ, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Ty huy động 2 máy xúc và nhờ sự giúp đỡ của cấp ủy chính quyền các địa phương, phụ huynh cùng với toàn bộ giáo viên tập trung đông đủ tại trường dọn dẹp bùn đất.

“Chúng tôi tập trung khắc phục các khu vực bị hư hỏng với phương châm nước rút đến đâu tổ chức dọn dẹp đến đó. Hiện tại, do tình hình mưa lũ trên địa bàn còn phức tạp nên nhà trường chưa thể xác định rõ thời gian khắc phục xong hậu quả. Chúng tôi sẽ nỗ lực để có thể đón học sinh tựu trường an toàn trước dịp khai giảng”, cô Hà chia sẻ.

Minh Đức – Hà Thuận

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-vien-vung-cao-chong-chenh-duong-den-truong-post694547.html