Giao xe máy cho con là gián tiếp hại con

Ở độ tuổi thiếu niên các em chưa được thi giấy phép lái xe, vì vậy kỹ năng lái xe, hiểu biết các quy định của pháp luật về giao thông... còn hạn chế.

Một nhóm trẻ em lái xe máy trên đường Quang Trung (TP Hải Dương)

Một nhóm trẻ em lái xe máy trên đường Quang Trung (TP Hải Dương)

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người từ đủ 16 tuổi trở lên mới được đi xe gắn máy đến 50 phân khối, từ đủ 18 tuổi trở lên mới được đi mô tô (xe máy) từ 50 phân khối trở lên. Tuy vậy, không khó để bắt gặp trẻ em đi xe máy trên khắp các tuyến đường từ nông thôn đến đô thị. Trong đó có nhiều em còn đang mặc đồng phục học sinh.

Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân các em mà còn có thể gây tai nạn giao thông đối với những người khác. Chiều 8.6, tại đường tỉnh 394C đoạn xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng), em Nguyễn Văn Tr. và Nguyễn Anh M. (cùng sinh năm 2007, trú tại xã Ngọc Liên, Cẩm Giàng) đi xe máy theo hướng thị trấn Cẩm Giang đi Cẩm Hoàng, va chạm với xe ô tô đang từ đường huyện 195B rẽ vào đường tỉnh 394C. Hậu quả, em M. tử vong tại bệnh viện, em Tr. bị thương nặng.

Việc trẻ em đi xe máy gây tai nạn giao thông như trên không phải là hiếm. Hằng ngày trước các trụ sở công an thường xuyên có cảnh trẻ em bị tạm giữ xe máy đang gọi điện "cầu cứu". 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 80 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm 64 người chết, 32 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2021, tăng 4 vụ, giảm 4 người chết và tăng 2 người bị thương. Theo thống kê của Công an tỉnh, có 12 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người dưới 18 tuổi.

Về góc độ quản lý của gia đình đối với trẻ em, khi để các em đi xe máy rõ ràng là chưa tốt. Có một số cha mẹ sẵn sàng giao xe cho con mà không cần biết đến hậu quả. Có người còn đến cơ quan công an hoặc nhờ người xin xỏ khi con đi xe máy vi phạm pháp luật giao thông. Các nhà trường đều cấm học sinh đi xe máy đến trường, song một số em gửi xe ở nơi khác rồi đi bộ vào trường để "qua mặt" thầy cô. Một số em khi phát hiện có cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự sẵn sàng phóng xe bỏ chạy, rất nguy hiểm.

Tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông được tiến hành thường xuyên, liên tục, song rõ ràng ý thức của một bộ phận người dân chưa chuyển biến tích cực, trong đó có việc giao xe máy cho trẻ em đi lại. Để hạn chế và tiến tới giảm dần tình trạng này, việc xử lý nghiêm khắc của lực lượng cảnh sát giao thông là hết sức cần thiết. Khi phát hiện trẻ em vi phạm cần có thông báo về nhà trường hoặc gia đình để tăng cường giáo dục, quản lý. Về phía các nhà trường, thầy cô giáo cần thiết phải đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở học sinh chấp hành pháp luật giao thông, trong đó có việc nghiêm cấm đi xe máy. Việc này cần được tiến hành liên tục, không qua loa, chiếu lệ vào đầu mỗi năm học. Cùng với đó, các cha mẹ tuyệt đối không giao xe cho con trẻ đi lại.

Cho trẻ em đi xe máy không chỉ gián tiếp gây hại cho con, gây nguy hiểm cho người khác mà còn vi phạm pháp luật về giao thông. Điều này đã được cụ thể hóa tại Bộ luật Hình sự về "Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" và các nghị định của Chính phủ. Không chỉ phạt tiền người giao xe cho trẻ em, nếu trẻ em gây tai nạn chết người, chủ xe còn bị xử lý hình sự.

CẨM LINH (Cẩm Giàng)

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/ban-doc-viet/giao-xe-may-cho-con-la-gian-tiep-hai-con-208570