Giáp Tết, sinh viên cần cân đối giữa việc học và làm thêm

Giáp Tết, tận dụng quãng nghỉ giữa 2 kỳ, nhiều sinh viên đã lựa chọn đi làm thêm để có thu nhập trang trải sinh hoạt phí, hỗ trợ gia đình.

Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội tham gia Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp. Ảnh: Duy Thành

Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội tham gia Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp. Ảnh: Duy Thành

Trải lòng làm thêm

Ngô Thị Phương Thảo - sinh viên năm 4, ngành Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng có hai năm kinh nghiệm đi làm thêm, đặc biệt làm dịp Tết. Năm nay, Phương Thảo vẫn xác định ở lại làm thêm đến ngày 29 Tết mới về quê. Phương Thảo cho biết: “Mỗi giờ làm thêm vào các ngày thường, em được trả 22 nghìn đồng. Tuy nhiên, làm dịp Tết được trả 66 nghìn đồng/giờ”. Đã “bỏ túi” 2 năm kinh nghiệm nên Thảo dễ dàng chọn công việc và khá tự tin khi làm thêm.

“Những ngày cận Tết thường khan hiếm nguồn nhân lực bởi ai đi xa cũng muốn về Tết sớm để sum họp bên gia đình. Đi làm những ngày này, bản thân cũng chạnh lòng, nhớ nhà. Song em lại nghĩ đến khoản thu nhập có được có thể trang trải một phần học phí năm tới, thậm chí hỗ trợ gia đình nên cũng nguôi ngoai và chấp nhận”, Thảo chia sẻ.

Tương tự, Trần Thị Hoài - sinh viên năm hai ngành Dược, Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai (Đồng Nai) do nhà ở Hà Tĩnh, tiền tàu xe đi lại tốn kém nên nữ sinh quyết định không về quê ăn Tết mà ở lại làm thêm. Hoài cho biết: “Em làm phục vụ cho một quán ăn. Mỗi giờ em được trả 20 nghìn đồng, tuy nhiên trong 4 ngày (từ ngày 30 Tết đến mùng 3 Tết), mỗi giờ làm thêm được trả 63 nghìn đồng; từ mùng 4 đến mùng 6 Tết là 42 nghìn đồng/giờ. Những ngày này, em sẽ cố gắng làm hai ca liên tục”.

Hoài chia sẻ thêm, nhiều sinh viên đồng cảnh ngộ xa nhà, không về quê dịp Tết mà ở lại đi làm thêm kiếm tiền trang trải học phí. Năm sau, học phí tăng cũng là động lực để các bạn ở lại làm thêm nhiều hơn.

Đứng ở góc nhìn của nhà tuyển dụng, ông Nguyễn Hoàng Bá - Quản lý sự kiện, Tập đoàn Thiên Long đưa ra lời khuyên: “Khi chọn làm thêm thời vụ dịp giáp Tết, sinh viên nên lựa chọn công việc phù hợp năng lực, thời gian. Trong quá trình tìm việc, cần lưu ý vấn đề quyền lợi như thời gian trả lương, trách nhiệm công việc, điều khoản đi kèm... tránh bị lừa, dẫn đến mất thời gian, công sức thậm chí tiền bạc”.

Ông Bá cũng lưu ý, nên chọn công việc làm thêm có liên quan hoặc gần với chuyên ngành học để trau dồi thêm kiến thức thực tế; lựa chọn nơi làm việc uy tín, mô tả công việc minh bạch, rõ ràng để tránh các công ty lừa đảo, đa cấp tận dụng dịp Tết chiêu dụ sinh viên với chiêu trò “việc nhẹ lương cao”.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Cân bằng làm thêm và học

Giáp Tết, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng cần nhân sự làm việc bán thời gian. Theo đó, mức lương trả cho người lao động có thể cao gấp 3 - 4 lần so với ngày thường. Đây là điều hết sức bình thường để duy trì hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, sinh viên cần tỉnh táo khi lựa chọn việc làm thêm dịp Tết để tránh mắc vào cạm bẫy lừa đảo.

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – Khoa Tâm lý giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục khuyến cáo: “Nếu làm một công việc mà các em không có kỹ năng, chưa quen và không chịu được áp lực sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, tinh thần. Chưa kể, nhiều kẻ xấu lợi dụng thời điểm này để dụ dỗ sinh viên làm việc nhẹ lương cao, dẫn đến sa ngã.

Vì vậy, khi tham gia phỏng vấn hay xin việc ở đâu cần tìm hiểu rõ thông tin công việc sẽ làm, mức thu nhập, điều kiện khi không theo được… Bên cạnh đó, những sinh viên chưa có kinh nghiệm làm thêm nên hỏi bố mẹ, người thân, bạn bè, anh chị… về kinh nghiệm, lời khuyên trước khi quyết định lựa chọn việc làm thêm”.

Làm thêm ngoài giờ học giúp sinh viên tăng kinh nghiệm, kỹ năng, giảm bớt gánh nặng gia đình là điều tốt. Song cần cân bằng để không ảnh hưởng đến việc học. Trên thực tế nhiều em vì mải làm thêm dịp trước và sau Tết mà không thể hoàn thành chương trình học nhiều môn, bỏ lỡ dịp đoàn tụ với gia đình, phải học và thi lại, ra trường muộn so với kế hoạch. Điều đó còn gây tổn hại gấp nhiều lần về mặt thời gian, tiền bạc… so với những gì các em kiếm được.

“Đối với sinh viên, hoạt động chủ đạo là học tập. Do đó cần phân bố thời gian hợp lý, không để việc làm thêm ảnh hưởng đến kết quả học tập, nghề nghiệp sau này của bản thân”, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng nhấn mạnh.

Đơn vị luôn khuyến khích sinh viên chủ động lựa chọn việc làm thêm sát với ngành học để sinh viên trau dồi kinh nghiệm thực tế, hiểu xu thế phát triển của ngành cũng như nhu cầu tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. Mặt khác, làm thêm giúp người học rèn luyện các kỹ năng mềm, va vấp thực tế, trưởng thành hơn trong cuộc sống. Song các em phải luôn lưu ý cân đối giữa việc học và làm thêm, đặc biệt, cần chú trọng đến sức khỏe bản thân.

PGS.TS Phạm Thanh Huyền – Trưởng ban Công tác sinh viên, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ thông tin và cho biết thêm, giáp Tết là thời điểm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội và một số trường đại học khác bước vào kỳ thi kết thúc môn. Các em nên cân nhắc, lựa chọn việc làm thêm hay tập trung ôn tập, không nên vì lương cao trong mấy ngày gần Tết mà ảnh hưởng đến kết quả học tập, rèn luyện cả một kỳ.

“Nhiều sinh viên làm thêm thời vụ dịp Tết thường không ký hợp đồng mà thỏa thuận miệng. Tuy nhiên, các em cần lưu ý làm thêm ngắn hay dài ngày cũng cần ký hợp đồng (ghi rõ quyền lợi và trách nhiệm) để tránh tình trạng bị “đánh cắp” sức lao động. Sinh viên cũng nên tìm hiểu công việc từ bạn bè, anh chị sinh viên khóa trước để tránh rơi bẫy ‘việc nhẹ lương cao’”, PGS.TS Phạm Thanh Huyền khuyến cáo.

Ngô Chuyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giap-tet-sinh-vien-can-can-doi-giua-viec-hoc-va-lam-them-post668310.html