Auschwitz, Dachau, Westerbork, Buchenwald... là bốn trong số nhiều trại tập trung khét tiếng của Đức quốc xã. Chính quyền Hitler đã xây dựng, vận hành những nơi này để giam giữ, tra tấn, giết hại hàng triệu tù nhân, chủ yếu là người Do Thái. Theo ước tính, hơn 6 triệu tù nhân Do Thái đã bị Đức quốc xã sát hại tại các trại tập trung.
Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 1946 mang tựa đề "Tìm kiếm lẽ sống của con người", bác sĩ người Áo gốc Do Thái tên là Viktor Frankl đã tiết lộ cuộc sống "địa ngục" tại trại "tử thần" Auschwitz vào năm 1942 của hai vợ chồng. Sau đó, ông được đưa tới trại tập trung Kaufering - một phần của trại Dachau.
Tại các trại tập trung đó, bác sĩ Viktor và hàng triệu tù nhân khác bị bắt lao động khổ sai, bao gồm đào mương và đường hầm. Vào trước đêm Giáng sinh năm 1944, ông được tặng món quà gọi là "phiếu giảm giá cao cấp". Món quà này thực chất là tiền công mà công ty xây dựng hợp tác với trại tập trung trả cho quản lý trại. Sau đó, giới chức các trại trả thù lao ít ỏi cho mỗi tù nhân. Với mỗi phiếu giảm giá này, tù nhân có thể đổi lấy 6 điếu thuốc lá. Tuy nhiên, đôi khi phiếu giảm giá đến tay tù nhân nhưng không còn hiệu lực.
Trong khi đó, nhà hóa học người Ý gốc Do Thái, Primo Levi, cũng từng có cuộc sống "địa ngục" ở trại Auschwitz. Trong cuốn hồi ký "Sống sót ở Auschwitz" xuất bản năm 1947, cựu tù nhân trại tập trung kể rằng, đã nhận được những loại "phiếu giảm giá" tương tự như của bác sĩ Viktor. Ông và các bạn tù có thể dùng chúng để đổi lấy thuốc lá hoặc bánh mì.
Chính quyền Hitler đã sử dụng những loại "phiếu giảm giá" (hay còn gọi "đồng tiền diệt chủng") như một dạng tiền tệ và giá trị của chúng luôn thay đổi theo những quy định của Đức quốc xã.
Để có được những loại "phiếu giảm giá" này, tù nhân phải làm việc quần quật suốt ngày đêm. Thêm nữa, các lính canh phát xít Đức thường hứa hẹn sẽ trả cho tù nhân nhiều "phiếu giảm giá" nếu chăm chỉ làm việc cho nhà nước và các doanh nghiệp.
Vậy nên, tù nhân lao động cực khổ suốt thời gian dài với hy vọng sẽ sống sót cho đến ngày được giải cứu. Thế nhưng, dù lao động khổ sai mười mấy tiếng mỗi ngày, họ chỉ có thể nhận được số "phiếu giảm giá" ít ỏi để đổi lấy thức ăn, quần áo, thuốc lá và các hàng hóa thiết yếu khác dùng trong sinh hoạt hàng ngày.
Việc trả công bằng "phiếu giảm giá" khiến cuộc sống của tù nhân ngày càng tồi tệ, khắc nghiệt hơn khi họ vẫn không thể có đủ cơm ăn, áo mặc, thuốc men... Nhiều người đã bỏ mạng vì lao động quá sức. Theo các chuyên gia, chính quyền Hitler đã tạo ra "đồng tiền diệt chủng" và cho lưu hành trong các trại tập trung nhằm ép các tù nhân làm việc khổ sai đến chết.
Trong khi đó, thông qua lực lượng lao động là hàng triệu tù nhân trong các trại tập trung, Đức quốc xã thu được khoản tiền lớn để hỗ trợ chiến tranh cũng như bắt họ xây dựng cầu, đường... phục vụ cho sự phát triển của chính quyền phát xít.
Mời độc giả xem video: Câu chuyện ly kỳ về gia đình người lùn Do Thái thời phát xít Đức.
Tâm Anh (theo History)