Các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật ngôi mộ cổ của một thiếu nữ người Anglo-Saxon ở ngôi làng Scremby, Lincolnshire, Anh. Trong số các hiện vật được tìm thấy, họ kinh ngạc khi phát hiện một cổ vật "lạ" còn cổ hơn ngôi mộ của thiếu nữ.
Trong khi ngôi mộ của thiếu nữ Anglo-Saxon có niên đại vào thế kỷ 6, chiếc cốc tráng men do người La Mã tạo ra vào thế kỷ 3. Điều này có nghĩa chiếc cốc có "tuổi đời" lớn hơn các hiện vật khác trong mộ cổ khoảng 300 tuổi.
Bên trong chiếc cốc tráng men khoảng 1.800 tuổi có dấu vết từng chứa đầy mỡ lợn.
Chiếc cốc cao 5,7 cm, có thể chứa khoảng 280 mililít chất lỏng. Hiện vật này được tìm thấy vào năm 2018 tại một nghĩa trang cùng với 49 ngôi mộ khác có niên đại từ năm 480 - 540, trong thời kỳ Anglo-Saxon.
Được chế tác tinh xảo, chiếc cốc còn nguyên vẹn, được đặt trên đầu của một thiếu nữ. Cô được chôn cất trong mộ cổ cùng 2 chiếc trâm cài đơn giản.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra, phân tích kiểm tra kiểu dáng, chất liệu và đưa ra suy đoán chiếc cốc có thể đã được nhập khẩu từ Pháp vào Anh vào giữa thế kỷ 3. Vào thời điểm đó, người La Mã đang thống trị nhiều khu vực ở Anh. Chiếc cốc này có thể được dùng để uống nước hoặc rượu.
Để giải mã lý do vì sao một chiếc cốc La Mã được chôn cùng thiếu nữ Anglo-Saxon, nhóm nghiên cứu đã phân tích cặn hữu cơ còn ở đáy cốc. Kết quả kiểm tra cho thấy có nồng độ lipid cao có thể là từ mỡ lợn. Chất béo đó có thể là một sản phẩm thực phẩm nhưng chất béo động vật đôi khi được người La Mã sử dụng làm chất dưỡng ẩm.
Ngoài ra, chất béo còn được sử dụng cho mục đích y học. Nhóm nghiên cứu dẫn chứng bác sĩ người Byzantine tên Anthimus sống vào thế 6 đã viết rằng, người Franks đã ăn thịt mỡ xông khói sống để điều trị ký sinh trùng đường ruột và sử dụng nó mỡ động vật để làm sạch, chữa lành vết thương.
Từ đây, nhóm nghiên cứu suy đoán thiếu nữ Anglo-Saxon có thể là người hành nghề y tại địa phương. Chiếc cốc La Mã có thể là báu vật được gia đình thiếu nữ này truyền lại qua nhiều thế hệ. Cuối cùng, nó được tùy táng cùng thiếu nữ khi cô qua đời.
Mời độc giả xem video: Chiếc chén pha lê trong mộ cổ 1.000 năm: “Xuyên không” là có thật?.
Tâm Anh (theo Livescience)