Bình sữa, dụng cụ tập nhai. Thị trường có nhiều loại bình đựng nước, đa dạng về kích cỡ và màu sắc. Trong số đó, loại bình nước có nắp đậy, ống nhựa mềm được nhiều phụ huynh chọn mua cho con. Mặc dù tiện dụng nhưng loại bình này có nhiều khe nhỏ rất khó vệ sinh. Đặc biệt, phần gioăng cao su trên nắp giúp chất lỏng không bị rò rỉ dễ bị nấm mốc. Dùng lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ. (Ảnh: Sohu)
Ngoài ra, những chiếc ống hút, cốc mỏ vịt nếu không vệ sinh kỹ lưỡng, chỉ tráng qua nước thì khó có thể loại bỏ mùi hôi và cặn chất lỏng bám thành bên trong. Đáng lưu ý, nhiệt độ mùa hè khá cao, vị trí này sẽ là nơi lý tưởng để vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi.
Bát cách nhiệt. Nhiều bố mẹ chọn mua bát cách nhiệt để giữ ấm đồ ăn. Quá trình sử dụng, đồ ăn có thể rơi vào lớp cách nhiệt gây ôi thiu. Bên cạnh đó, bát cách nhiệt khi rửa rất khó làm khô hoàn toàn. Theo thời gian, nó là nơi sản sinh lượng lớn nấm mốc, vi khuẩn gây hại.
Dụng cụ tập nhai. Dụng cụ tập nhai rất hữu ích trong giai đoạn trẻ tập ăn. Thiết kế giúp trẻ ngậm, ăn thực phẩm mà không lo bị hóc. Tiện dụng là vậy song nó lại là “ ổ vi khuẩn" ít được quan tâm. Thiết kế chứa rất nhiều “góc chết” khó vệ sinh. Chưa kể, vật dụng này thường tiếp xúc với quả ngọt, nước bọt của trẻ nên vi khuẩn càng có cơ hội lây lan.
Núm ti giả, dụng cụ ngậm nướu. Núm ti giả giúp trẻ bớt khó chịu khi mọc răng song cũng có thể là “ổ vi khuẩn” gây hại. Khi sử dụng, sữa, nước bọt, thức ăn, chất bẩn sẽ bám dính trên bề mặt, tạo điều kiện nấm mốc phát triển.
Nhiều người nhầm tưởng chỉ những dụng cụ ngậm nướu có phần rỗng mới mất an toàn. Thực tế, ngay cả những chiếc ngậm nướu dạng đặc vẫn có nhiều rãnh, hoa văn tạo điều kiện bám bẩn.
Đồ chơi nhựa mềm có lỗ, đồ chơi nhà tắm. Đồ chơi nhà tắm thường rỗng ở trong và có lỗ thoát nước. Vị trí khó vệ sinh cùng độ ẩm cao trong nhà tắm khiến chúng rất dễ bị nấm mốc.
Tương tự, các khối xây dựng bằng cao su mềm thường có những lỗ nhỏ khiến nước và chất bẩn dễ đọng lại, tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển. Đáng lưu ý, những món đồ này trẻ rất thích cầm nắm, ngậm mút nên dễ lây lan mầm bệnh.
Chăn gối, khăn tắm. Khăn tắm, chăn đắp cần được làm sạch thường xuyên và đúng cách. Bình thường, đường may của những vật dụng này sẽ tạo thành rãnh nhỏ dễ thu hút mạt bụi, nấm mốc. Chưa kể, trẻ có thói quen cầm nắm, ngậm mút những vật dụng này, bố mẹ cần hết sức chú ý.
Thảm tập bò. Thảm tập bò êm ái giúp trẻ tránh chấn thương khi di chuyển. Vậy nhưng nhiều thảm tập bò được làm bằng xốp, có độ thoáng khí kém. Sau thời gian sử dụng, mặt sau và phần viền rất dễ bị ẩm mốc, hình thành những đốm đen.
Gối, nệm. Trẻ nhỏ rất hay đổ mồ hôi, dính vào gối và nệm. Trường hợp này, bố mẹ chỉ giặt vỏ gối và ga giường là chưa đủ. Thực vậy, gối trẻ em thường được làm bằng cao su, bông dày, bã chè. Khi bị ngấm mồ hôi, nước tiểu hoặc độ ẩm cao sẽ rất khó khô. Từ đó, nó sẽ trở thành nơi tích tụ nấm mốc nguy hiểm.
Ngoài ra, các vật dụng vệ sinh như bàn chải đánh răng, góc lõm của bồn tắm gấp gọn, lưới tắm, thảm tắm... cũng rất dễ bị nấm mốc, đặc biệt thời điểm mùa xuân hè có độ ẩm cao. Nếu phòng không thông gió, nấm mốc sẽ xuất hiện chỉ 1-2 ngày.
Để ngăn trẻ tiếp xúc với những “ổ vi khuẩn” gây hại, cha mẹ nên chú ý rửa sạch vật dụng. Đảm bảo bên trong và bên ngoài các bộ đồ ăn, cốc uống nước, dụng cụ tập nhai... của trẻ được lau khô hoàn toàn. Bàn chải đánh răng, đồ dùng vệ sinh cần được kiểm tra độ sạch trước khi sử dụng hàng ngày. Nên thay mới ít nhất 3 tháng một lần.
Chiếu bò, gối, nệm và các vật dụng khác trên giường cần được giặt kỹ bằng xà phòng, tiệt khuẩn và kiểm tra thường xuyên. Tránh trường hợp xuất hiện nấm mốc mà vẫn sử dụng.
Sử dụng quạt thông gió để phòng tắm luôn khô thoáng. Tốt nhất không sử dụng thảm trong phòng ẩm hay phòng tắm. Nếu sử dụng cần giặt và lau khô thường xuyên. Thời điểm độ ẩm cao nên dùng điều hòa hoặc máy hút ẩm để cân bằng độ ẩm trong mức 30-50%. Ảnh: Nội thất Âu Mỹ.
Mời độc giả xem thêm video: Hàng loạt quốc gia khẩn trương điều tra bệnh "viêm gan" bí ẩn ở trẻ em. (Nguồn video: THĐT)
Định Tâm (Theo SH)