Giật mình sau tiếng súng, hàng tỷ USD chờ thời bùng nổ
Thanh khoản HOSE tăng mạnh trong 3 phiên gần đây. Đặc biệt ngày 24/2/2022, sau sự kiện chiến tranh tại Ucraine. Dòng tiền đổ vào mạnh mẽ và trở lại ngưỡng 30 nghìn tỷ đồng/phiên.
Chứng khoán tích cực
Đây là một tín hiệu cho thấy dòng tiền thường trực còn rất lớn và có thể giúp thị trường chứng khoán bứt phá bất cứ lúc nào nếu có yếu tố hỗ trợ đủ mạnh. Nhiều dự báo cho rằng, VN-Index sẽ đạt ngưỡng 1.600-1.800 điểm, so với mức quanh quẩn 1.500 điểm như hiện tại.
Tại Tọa đàm thường niên “Triển vọng đầu tư năm 2022”, đại diện FiinGroup cho biết, dòng tiền, thanh khoản đầu năm giảm trong bối cảnh số tài khoản mở mới tăng mạnh với số dư tiền gửi trên thị trường của nhà đầu tư ở mức cao và dòng tiền cho vay margin tăng mạnh từ 150 nghìn tỷ đồng tại 30/9/2021 lên 175 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021. Tâm lý chung là nhà đầu tư vẫn đang ngóng chờ những yếu tố xúc tác để có thể “giải ngân” trong thời gian tới.
Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ Thông tin Tài chính của FiinGroup cho rằng, yếu tố định giá của toàn thị trường đang ở nền khá cao so với năm 2020 và các năm trước đó. Tính riêng định giá của VN-Index, PE đang ở mức 17,2 lần, tương đương mức trung bình từ 2018 đến nay. Tuy nhiên, định giá bị ảnh hưởng mạnh bởi ngân hàng, khi chiếm 1/3 vốn hóa và lợi nhuận. Vì vậy, cần xem xét riêng biệt khối phi tài chính và khối ngân hàng.
Theo bà Lê Hồng Vân, thị trường cổ phiếu năm nay sẽ chịu tác động bởi 3 nhóm yếu tố chính gồm triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp, mặt bằng định giá của thị trường (tính theo P/E) và các yếu tố bên ngoài (môi trường kinh tế vĩ mô như lãi suất, lạm phát…) Trong đó, yếu tố về triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp là đáng lưu ý nhất.
Nếu xét theo yếu tố này, triển vọng chung về tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam vẫn khá tích cực, nhất là các nhóm ngành đã bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong hai năm qua. Mức tăng trưởng kế hoạch của các doanh nghiệp lớn (chiếm 58% tổng vốn hóa toàn thị trường) được kỳ vọng ở mức khoảng 20% (so với mức tăng 43% trong năm 2021).
Tuy nhiên, nguồn cung cổ phiếu thứ cấp theo kế hoạch của các doanh nghiệp rất lớn, dự kiến các doanh nghiệp niêm yết dự kiến sẽ huy động 120 nghìn tỷ đồng vào năm 2022 thông qua các hoạt động phát hành vốn trên TTCK. Và theo FiinGroup, chỉ khi nào dòng tiền từ phần đông nhà đầu tư cá nhân quay trở lại mạnh thì mới hấp thụ được nguồn cung cổ phiếu thứ cấp như kế hoạch của các doanh nghiệp. Trong khi dòng tiền từ khối ngoại chưa có tín hiệu tích cực.
Trong năm 2022, FiinGroup dự báo thị trường sẽ chứng kiến sự “đổi chiều tăng trưởng” mạnh mẽ giữa các nhóm ngành. Trong đó, tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng dự kiến sẽ vượt trội hơn so với khối doanh nghiệp phi tài chính, trái ngược với năm 2021, nhờ dự kiến tín dụng tăng trưởng cao cùng với sự hồi phục kinh tế và gói kích thích của chính phủ. NIM tiếp tục duy trì kể cả khi lãi suất huy động tăng do các ngân hàng sẽ cắt giảm hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp...
Nhiều ngành tăng trưởng mạnh trong năm 2021 dự kiến có lợi nhuận tăng chậm lại hay gần như không tăng trưởng trong năm 2022, trong đó bao gồm thép, cao su và logistics. Những nhóm suy giảm do COVID-19 dự kiến hồi phục mạnh trong năm nay khi các hoạt động kinh tế bình thường trở lại, trong đó bao gồm: hàng cá nhân, dược phẩm, bán lẻ, điện và đồ uống.
FiinGroup khuyến nghị cổ phiếu một số nhóm ngành trong 2022 như: nhóm ngành giúp tránh rủi ro lạm phát (điện, dược phẩm); nhóm cổ phiếu kỳ vọng từ hưởng lợi từ đầu tư công đang triển khai (ngân hàng, bất động sản, bất động sản công nghiệp và vật liệu xây dựng); nhóm ngành hưởng lợi từ cầu hồi phục sau COVID-19 (bán lẻ, hàng cá nhân, thủy sản.
Bất động sản tiếp tục hấp dẫn
Ông Phạm Anh Khôi - Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Tài chính Bất động sản (FINA) lý giải đà tăng của bất động sản trong năm 2021 bất chấp khó khăn do Covid-19 đến từ ba nguyên nhân. Đó là nguồn cung hạn chế, toàn bộ thị trường thiếu nguồn cung đặc biệt phía Nam. Nguồn cung không có khi nhu cầu giảm nhưng tốc độ giảm không nhiều như cung nên giá vẫn tăng. Người mua nhà thật muốn ở bắt buộc di chuyển ra vùng ven với nguồn cung ổn định.
Thị trường BĐS 2021 sôi động cũng do chính sách lãi suất với chủ đầu tư và khách hàng nhiều ưu đãi. Ngân hàng trong thời gian qua đều giảm lãi suất cho khách hàng để khuyến khích mua và giải ngân vì áp lực giải ngân khó khăn.
Theo FiinGroup, năm 2021, do ảnh hưởng của Covid-19, nguồn cung căn hộ giảm cả ở Hà Nội và TP.HCM. Cụ thể nguồn cung ở Hà Nội giảm 7% và ở TP.HCM là 20% so với năm 2020. Câu chuyện cũng tương tự đối với phân khúc biệt thự và nhà liền kề.
Chính vì sự khan hiếm về nguồn cung của các phân khúc này dẫn đến giao dịch đất nền chiếm tỷ trọng lớn và tập trung phần lớn ở các đô thị cấp 2 và vùng ven. Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, giao dịch đất nền chiếm tỷ 60% trong tổng số giao dịch năm 2021 và 91% các giao dịch diễn ra ở ngoài Hà Nội và TP.HCM, tập trung ở các tỉnh. Giá bất động sản tăng ở tất cả các phân khúc, trong đó tăng mạnh nhất là phân khúc đất nền, tăng 20-30%.
Về đầu tư bất động sản, theo ông Khôi, nhà đầu tư phải tự đánh giá mình là ai trong chuỗi đầu tư bất động sản. Đầu tư bất động sản được chia thành 5 giai đoạn: đặt hàng (được gọi là nhà đầu tư F0), đặt cọc (F1), ký hợp đồng mua bán (F2), thanh toán (F4) và cuối cùng là để ở (F4). Kỳ vọng và rủi ro ở mỗi giai đoạn là khác nhau.
Theo ông Khôi, tùy khẩu vị mỗi người, muốn có kỳ vọng lợi nhuận cao hơn thì đàu tư sớm, còn an toàn thì ở các giai đoạn sau.
Khác với chứng khoán, chuyên gia này cho rằng, đầu tư bất động sản mang tính chu kỳ trung và dài hạn nhiều hơn. Thắng trong ngắn hạn chủ yếu là do may mắn.