Giấy phép con hồi sinh, điều kiện kinh doanh đang trỗi dậy?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương vừa trao đổi với báo chí về tình trạng 'giấy phép con' và những điều kiện kinh doanh bất hợp lý đang hồi sinh.
Xu hướng siết chặt quản lý đang trở lại
Theo TS.Nguyễn Đình Cung, tình trạng ban hành nhiều "giấy phép con" và những điều kiện kinh doanh bất hợp lý trở lại đang gây khó khăn rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, cản trở quá trình phục hồi, phát triển hậu Covid-19.
Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó do những quy định về điều kiện kinh doanh bất hợp lý ban hành ngày càng nhiều hơn. Ảnh minh họa.
"Sau nhiều năm cả nước kiên trì cải cách cắt giảm các quy định bất hợp lý để doanh nghiệp có môi trường lành mạnh để phát triển thì nay, hàng loạt những quy định không cần thiết, bất hợp lý lại đang xuất hiện", ông nói.
TS.Nguyễn Đình Cung nhắc đến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất do Bộ Công Thương dự thảo.
Dự thảo này bổ sung thêm yêu cầu về thời hạn của Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất và Bộ Công Thương là người thẩm định và cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép này.
Theo TS.Nguyễn Đình Cung, không cần phải có thời hạn của giấy phép này nên việc bổ sung thêm quy định về thời hạn của Giấy phép sản xuất, kinh doanh là tăng thêm điều kiện kinh doanh, tạo rào cản cho doanh nghiệp.
Vị chuyên gia này cho rằng việc bổ sung thêm quy định về thời hạn của Giấy phép sản xuất, kinh doanh ở dự thảo nghị định này là tăng thêm điều kiện kinh doanh, tạo rào cản cho doanh nghiệp.
Ông Cung cho biết, ông nhận thấy hiện tượng giấy phép con, điều kiện kinh doanh lại manh nha xuất hiện trong các văn bản dự thảo thông tư, nghị định mà các bộ đang làm gần đây. “Doanh nghiệp chết tức tưởi bởi những cài cắm thế này”, vị chuyên gia này nói.
Cũng rất lo lắng với sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn những dạng giấy phép con, những điều kiện kinh doanh đang được cài cắm trong các thông tư, nghị định và các văn bản hướng dẫn là bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh quốc gia của CIEM và ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Các vị này cùng cho rằng xu hướng siết chặt quản lý ở một số ngành, lĩnh vực là nghịch lý tồn tại trong soạn thảo chính sách gần đây.
Ngay như với dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 113, nếu những nội dung trong dự thảo được ban hành thì sẽ phát sinh thêm nhiều điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp, sẽ tác động lớn đến hàng loạt doanh nghiệp đang hoạt động.
Mỗi lần gia hạn giấy phép là sẽ thêm thủ tục, hồ sơ. Mà ngay trong dự thảo nghị định này đã ghi “doanh nghiệp phải duy trì đủ điều kiện trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh để giữ được giấy phép”. “Đã yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện suốt đời nhưng lại quy định thời hạn của giấy phép là quy định là không cần thiết, là làm doanh nghiệp phải làm thêm thủ tục”, bà Thảo nói.
Nguy cơ những điều kiện bị bãi bỏ lại hồi sinh
Bà Thảo cũng đặt câu hỏi: Tại sao Bộ Công thương giữ lại quy định về “thời hạn của Giấy phép” trong Dự thảo Nghị định sửa đổi?”, trong khi Luật Hóa chất được ban hành năm 2007, từ đó đến nay đã có rất nhiều thay đổi liên quan đến điều kiện kinh doanh...
Ông Đậu Anh Tuấn cũng thấy rõ hiện tượng cài cắm giấy phép con, cài cắm điều kiện kinh doanh trong các dự thảo nghị định, thông tư mà ông được gửi lấy ý kiến. Chúng còn xuất hiện ở cả các văn bản hướng dẫn.
“Chính phủ thúc đẩy cải cách, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp nhưng một số chính sách lại có xu hướng gia tăng điều kiện kinh doanh mới. Những hiện tượng này đặt ra câu hỏi lớn về tính thực chất và hiệu quả của hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh mà Nhà nước đang tiến hành”, ông Tuấn nói.
Những sự cài cắm điều kiện khiến doanh nghiệp rất khổ mà các vị chuyên gia đau đáu với cải cách nói đến nhìn thấy rõ ở mở rộng các đối tượng, danh mục hàng chế biến phải kiểm dịch trong Thông tư số 11/2021/TT-BNNPTNT.
Hay như dự thảo nghị định về kinh doanh vận tải nội bộ yêu cầu xe ô tô vận tải nội bộ phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Dự kiến có khoảng 400.000 xe phải lắp. Như vậy, chỉ riêng về chi phí cho thiết bị, tổng chi phí cho số xe phải lắp ước tính khoảng 600 tỷ đồng.
Còn dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo... là một biểu hiện “điều kiện bị bãi bỏ lại hồi sinh”.
Trong khi doanh nghiệp đang nỗ lực gượng dậy sau hơn 2 năm suy sụp vì đại dịch Covid, trong khi cả nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi, thì việc có thêm những rào cản như những giấy phép, những điều kiện kinh doanh bất hợp lý thực sự khiến cả cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội và các chuyên gia lo lắng.
Đáng lo ngại là những hiện tượng này không phải là hiếm mà có biểu hiện trở nên phổ biến hơn trong các dự thảo thông tư, dự thảo nghị định và các văn bản hướng dẫn gần đây với lý do “để làm tốt công tác quản lý của nhà nước”.
Nhưng “tư duy ưu tiên quản lý nhà nước bằng công cụ điều kiện kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và để hình thành một cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn”, TS.Nguyễn Đình Cung nói.
Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022 – bản báo cáo nhằm ghi lại bức tranh pháp luật kinh doanh của Việt Nam trong mỗi năm của VCCI thực hiện cho biết có nhiều thông tư ban hành điều kiện kinh doanh – điều mà Luật Đầu tư 2014, 2020 cấm.
Có những quy định tưởng là nhỏ nhưng trở thành rào cản, gây khó khăn đáng kể cho doanh nghiệp vì chúng liên quan đến hoạt động hàng ngày, thường xuyên của doanh nghiệp.
Việc gia tăng điều kiện kinh doanh sẽ tác động rất lớn đến doanh nghiệp và thị trường cạnh tranh. Vệc nâng cao hơn điều kiện kinh doanh, trong khi chưa đánh giá tác động một cách kỹ càng trên nhiều phương diện sẽ đưa đến sự hoài nghi của doanh nghiệp đối với hoạt động cải cách thể chế mà Nhà nước đang theo đuổi.
“Cần “tăng nhiệt cải cách”, không để giấy phép con hồi sinh, không để điều kiện kinh doanh được cài cắm. Bởi điều đó không chỉ cải thiện môi trường kinh doanh, mà còn tăng sức chống chịu của nền kinh tế”, TS.Nguyễn Đình Cung trăn trở nói.