Giấy phép vật liệu xây dựng thông thường: Lắm gian nan

Trong gần 7 năm qua, thông qua tham mưu từ Sở Tài nguyên & Môi trường, UBND tỉnh công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho 76 doanh nghiệp. Trong đó 36 khu vực mỏ được cấp giấy phép khai thác khoáng sản vật liệu này, còn 40 khu vực khác các doanh nghiệp đang trong quá trình xúc tiến lập, hoàn chỉnh hồ sơ để được cấp phép.

Hiện tại căn cứ Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ, Sở Tài nguyên & Môi trường (TN & MT) thực hiện triển khai 9 bước trong tổ chức đấu giá, trình UBND tỉnh cấp giấy phép vật liệu xây dựng thông thường. Cụ thể, sở chức năng này tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá, phê duyệt giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước, vốn chủ sở hữu trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm cơ sở lập hồ sơ mời đấu giá. Thông tin đấu giá công khai trên trang điện tử của ngành; chuyển hồ sơ đấu giá sang tổ chức đấu giá tài sản để phối hợp thực hiện… Sau khi tổ chức đấu giá thành công, Sở TN & MT trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả để thực hiện các thủ tục đi vào khai thác như: cấp giấy phép thăm dò (với khu vực chưa thăm dò), phê duyệt trữ lượng, phê duyệt ĐTM, chủ trương đầu tư, phê duyệt tiền trúng đấu giá, cấp giấy phép khai thác, chuyển nhượng mục đích sử dụng đất, thuê đất…

Thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường còn bất cập.

Mới đây, cùng tham dự trong buổi làm việc của UBND tỉnh với Đoàn công tác UBND tỉnh Tây Ninh về công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, ông Đỗ Văn Thái, Phó Giám đốc Sở TN & MT cho rằng, công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản vật liệu thông thường còn có những bất cập liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng; thủ tục khai thác khoáng sản vật liệu thông thường cũng tương tự như khoáng sản quý như vàng, titan, doanh nghiệp mất nhiều thời gian để có giấy phép khai thác. Theo quy định tại điểm đ Khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013, dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì người trúng đấu giá phải thỏa thuận nhận chuyển nhượng với người sử dụng đất. Nếu trường hợp người sử dụng đất đưa giá quá cao không hợp tác thỏa thuận được thì dự án khai thác khoáng sản khó triển khai. Bởi sau khi hoàn chỉnh hồ sơ cấp phép khai thác và được cấp phép, người trúng đấu giá không thực hiện được thủ tục thuê đất thì không đủ điều kiện khai thác theo quy định. Đây là bất cập trong tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với loại khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh và triển khai tiếp theo với mỏ khoáng sản sau khi trúng đấu giá.

Trước đó, Sở TN & MT đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị Bộ TN & MT xem xét, sửa đổi quy định thủ tục đất đai trong khai thác khoáng sản sau khi trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản cho phù hợp với thực tế, có tính khả thi khi triển khai thực hiện. “Hiện Bộ TN & MT đã tổng hợp, sửa chữa trong Dự thảo Luật Đất đai năm 2023 đang được kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV xem xét dự thảo luật quan trọng này”, ông Đỗ Văn Thái cho biết thêm.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/giay-phep-vat-lieu-xay-dung-thong-thuong-lam-gian-nan-114496.html