Tôi là ThS.BS Nguyễn Thị Cúc, hiện làm việc ở khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội. Sau khi ra trường, tôi đã gắn bó với công việc này được 7 năm.
Khi còn theo học tại Học viện Quân Y, chuyên ngành của tôi là nội thần kinh. Khi đó, tôi được chứng kiến các giáo sư về thần kinh khám cho bệnh nhân rất tỉ mỉ, cẩn thận. Các thầy tìm ra những triệu chứng nhỏ nhất. Bệnh lý thần kinh là mảng rất rộng, chỉ được chẩn đoán bằng việc khám, không có phương pháp cận lâm sàng nào khác.
Cấp cứu đột quỵ là cấp cứu sống còn, bệnh nhân đang từ liệt toàn thân, bất động có thể nhấc được tay lên, nói chuyện chỉ sau 15-20 phút điều trị.
Trung tâm Đột quỵ não thường phối hợp với khoa Cấp cứu. Khi có bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ, bác sĩ cấp cứu sẽ thông báo lên nhóm chung. Ngay sau đó, chúng tôi sẽ lập tức xuống khám. Đa số ca bệnh là cấp cứu tối khẩn cấp và bệnh nhân nặng chuyển từ các bệnh viện tuyến dưới ở khu vực miền Bắc.
Trong thời gian đó, bệnh nhân sẽ được kết hợp làm tất cả xét nghiệm cần thiết dưới sự theo dõi sát của bác sĩ đột quỵ. Chúng tôi cũng thường xuyên thảo luận với nhau để tìm ra hướng điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Đa số trường hợp, tôi luôn chủ động trao đổi với người nhà bệnh nhân về tình trạng bệnh và đưa ra lời khuyên cho họ để thống nhất phương án điều trị hiệu quả nhất.
Ngày cao điểm, một tua trực của chúng tôi tiếp nhận tới 15 bệnh nhân đột quỵ. Tôi và đồng nghiệp phải làm việc rất khẩn trương, di chuyển liên tục như con thoi. Một đồng nghiệp của tôi từng thử đo số bước chân di chuyển trong một ca trực, con số khá bất ngờ, lên tới hơn 8 km. Chúng tôi đùa nhau rằng đi như vậy nên không nhân viên y tế nào trong khoa bị thừa cân.
Mỗi ca trực của tôi kéo dài 12 giờ. Khi trực vào ban đêm, tôi sẽ gần như thức trắng, bởi rất nhiều ca tai biến thường xảy ra về đêm hoặc gần sáng. Ngoài khám ở khoa Cấp cứu, tôi cũng thực hiện phẫu thuật khi cần tại khoa Đột quỵ não.
Đây là một bệnh nhân đột quỵ não mức độ nặng, liệt chân tay, khả năng hô hấp yếu, không thể tự thở, cần can thiệp mở khí quản. Sau khi bệnh nhân hồi phục, bác sĩ sẽ rút ống thở khí quản cho bệnh nhân và ông có thể tự thở lại bình thường.
Nữ bệnh nhân này có lớp mỡ dưới da dày, khiến tôi khá khó khăn khi phải vén hết lớp mỡ và cơ để khí quản lộ ra. Lúc này, bác sĩ mới có thể cắt khí quản và đi vào mở khí quản.
Để thực hiện thủ thuật, bác sĩ sẽ tiến hành cắt một vết nhỏ ở khí quản phía trước cổ. Sau đó, chèn một ống vào lỗ và cố định bằng khâu chỉ hoặc băng phẫu thuật.
Mỗi ca can thiệp sẽ mất khoảng 15-20 phút. Những thủ thuật như vậy cũng được thực hiện khá thường xuyên tại khoa.
Tôi đang kiểm tra tình trạng cho một bệnh nhân sau mổ. Với bệnh nhân đột quỵ, họ cần kiểm tra ý thức 2 giờ một lần. Ngoài việc đi khám cấp cứu, bác sĩ cũng phải đánh giá các bệnh nhân mình phụ trách để xem có biến động gì về sức cơ, hoặc tình trạng của bệnh nhân có tiến triển hay không.
Đây là một bệnh nhân rất đặc biệt. T. là bạn học cấp 3 của tôi. Từ khi ra trường, chúng tôi không liên lạc với nhau. Gặp lại bạn sau 13 năm trong hoàn cảnh này khiến tôi rất đau lòng và tiếc nuối. T. đã điều trị được 10 ngày, qua giai đoạn nguy hiểm. Khi mới nhập viện, tôi tưởng chừng không thể cứu được bạn.
Thời gian gần đây, số bệnh nhân dưới 45 tuổi bị đột quỵ ngày càng tăng, hiện chiếm khoảng 8% tại Trung tâm Đột quỵ não. Trong số bệnh nhân trẻ, 84% là người 31-44 tuổi, 14% trong khoảng 19-30 tuổi và 2% dưới 18 tuổi. Điều đáng buồn là rất nhiều người đến viện muộn, tình trạng bệnh đã nặng, hôn mê. Các bạn trẻ nhập viện với nguyên nhân hay gặp nhất là chảy máu não (47%), dị dạng mạch máu não (17%).
Không ít bạn trẻ mắc bệnh lý về huyết áp nhưng không được phát hiện sớm, thậm chí không biết bản thân bị bệnh. Nhưng đây lại là một trong những tác nhân gây xuất huyết não. Khi bệnh đã nặng đến mức xuất huyết não, người bệnh khó giữ được mạng sống. Người may mắn thoát cơn bạo bệnh cũng để lại nhiều di chứng tàn phế nặng nề.
Bệnh nhân đột quỵ có điểm đặc biệt so với các bệnh lý khác là sau khi ra viện cần phải quản lý, điều trị các yếu tố nguy cơ và duy trì thuốc dự phòng để tránh tái phát. Vì vậy, mỗi tuần, các bác sĩ trong khoa sẽ có một buổi tái khám cho bệnh nhân. Ở đây, tôi gặp rất nhiều bệnh nhân cũ. Nhìn họ khỏe mạnh, vui vẻ, tôi cũng thấy hạnh phúc.
Trong ca trực, tôi cũng tham gia hội chẩn trực tuyến cho các bệnh viện liên kết ở tuyến dưới. Đây là ca bệnh được gửi từ một bệnh viện tại Yên Bái, đến khám sau khi đau đầu, chóng mặt ngày thứ 4, kết quả có nhiều ổ tổn thương tại não, thậm chí nghi ngờ tắc mạch lớn trong não, có thể đe dọa tính mạng. Bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ nhưng tổn thương rất nặng.
Quan điểm làm nghề của tôi là lợi ích của bệnh nhân phải trên hết, điều gì tốt nhất cho người bệnh sẽ tư vấn cho họ. Yêu quý nghề thì luôn phải học tập. Vì vậy, trong thời gian rảnh, tôi lại vào vai một nghiên cứu sinh, thu thập tài liệu phục vụ cho đề tài nghiên cứu tiến sĩ của mình.
Rất nhiều bệnh nhân nói lời cảm ơn đến bác sĩ khi ra viện. Một lời cảm ơn thôi cũng khiến tôi thấy vui, cảm giác sự cố gắng trong suốt thời gian qua có ý nghĩa. Tôi cũng nhận ra thương yêu bệnh nhân hết lòng sẽ nhận lại những tình cảm ngọt ngào, đặc biệt khi giúp họ trong lúc khó khăn nhất của cuộc đời.
Việt Linh - Phương Anh