'Giấy thông hành xanh' và kỳ vọng vực dậy ngành hàng không, du lịch
Trải qua 2 năm chịu thiệt hại nặng nề và gần như 'ngủ đông' do những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ngành hàng không, du lịch đang kỳ vọng sẽ được đánh thức nhờ việc triển khai 'Hộ chiếu vaccine', 'Giấy thông hành xanh'.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, hầu hết các doanh nghiệp đã bị bào mòn năng lực, tạm ngưng hoạt động, thậm chí là kiệt quệ và đứng trước nguy cơ phá sản. Do đó cần có những sự hỗ trợ kịp thời và đặc biệt là được nới lỏng các quy định về di chuyển, hoạt động trở lại khi đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, tiêm vaccine,...
Hệ thống chứng nhận tiêm chủng vaccine do Tổng cục Du lịch nghiên cứu và xây dựng nhằm sẵn sàng phục vụ đón khách quốc tế khi hoạt động du lịch quốc tế được mở trở lại.
Nối lại các đường bay, kích cầu du lịch
Hiện các hãng hàng không đã và đang tìm mọi giải pháp tiết kiệm tối đa chi phí, duy trì hoạt động sản xuất trước những thiệt hại to lớn mà đại dịch Covid-19 gây ra. Bên cạnh đó là việc nỗ lực nối lại các đường bay thương mại nội địa cũng như quốc tế.
Đơn cử ngày 12/9 vừa qua, Vietnam Airlines đã thực hiện hai chuyến bay đón gần 350 công dân Việt Nam từ Hoa Kỳ về nước nối chuyến qua Seoul (Hàn Quốc) hạ cánh tại sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh). Đây là hai chuyến bay thí điểm chương trình cách ly 7 ngày của Bộ Y tế đối với hành khách từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Với việc ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA (IATA Travel Pass), hãng hàng không Bamboo Airways cũng đã chính thức mở bán vé máy bay tới Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc tần suất 1 chuyến/tuần với mỗi đường bay ngay trong tháng 9 tới.
Còn đối trong lĩnh vực lữ hành du lịch, thông tin từ Tổng cục Du lịch cho biết ngày 10/9, Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc.
Khách du lịch quốc tế trong giai đoạn thí điểm phải đáp ứng các yêu cầu về tiêm chủng vaccine và có giấy chứng nhận tiêm chủng theo quy định, giấy xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19, kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19,... và đã đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.
Nhiều chuyên gia cho rằng tất cả các giải pháp chỉ là tình thế, hàng không vẫn sẽ gặp khó khăn nếu máy bay không thể cất cánh trên bầu trời.
Không khỏi vui mừng trước thông tin hoạt động du lịch sẽ được khởi động trở lại trong thời gian tới, chị Kiều Trinh (trú tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) - nhân viên của một công ty lữ hành du lịch chia sẻ, hơn 1 năm qua cuộc sống của gia đình chị gặp không ít khó khăn vì dịch bệnh Covid-19.
“Bản thân thì việc làm không ổn định khi công ty cho nhân viên nghỉ luân phiên để giảm chi phí, duy trì hoạt động. Chồng chị là lái xe khách liên tỉnh cũng phải nghỉ ở nhà do dịch bệnh. Thu nhập không có nhưng chi phí sinh hoạt vẫn phải duy trì, chỉ mong dịch bệnh sớm được kiểm soát, cuộc sống được trở lại bình thường...”, chị Trinh mong muốn.
Còn đối với anh Khang, nhà đầu tư Homestay tại phố cổ Hà Nội thì khẳng định việc áp “Giấy thông hành xanh” để khôi phục lại sản xuất kinh doanh chẳng khác nào “Nắng hạn gặp mưa rào”. Tại nhiều nước đã nới lỏng việc đi lại, các hoạt động đối với người tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19.
“Mình cũng vừa đầu tư một khoản kha khá làm một số Homestay tại quận Hoàn Kiếm (TP. Hà Nội). Vốn chưa kịp thu về thì dịch bệnh ập đến khiến lượng khách đặt phòng không có, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó là những khoản vay ngân hàng đến kỳ phải trả khiến mình khá đau đầu”, anh Khang cho biết.
Mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã khảo sát, phân tích ứng dụng chứng nhận an toàn dịch bệnh của các quốc gia và tổ chức trên thế giới. Qua đó khẳng định giải pháp chứng nhận an toàn dịch bệnh là chìa khóa để mở cửa trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại.
Kỳ vọng khôi phục sản xuất trước khi doanh nghiệp “ngừng thở”
Làn sóng thứ 4 mà đại dịch Covid-19 ập đến đã khiến ngành hàng không, du lịch,... và các hoạt động sản xuất trong chuỗi lập tức chịu tác động lớn, thậm chí rơi vào tình trạng “đóng băng” thời gian dài. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử.
Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, ông Trịnh Quốc Tuấn - Chánh văn phòng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, mặc dù phải chịu những thiệt hại hết sức nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Nhưng thời gian qua các hãng hàng không vẫn nỗ lực thực hiện nhiều chuyến bay an toàn chở hàng ngàn y bác sĩ, lực lượng tham gia phòng chống dịch bệnh và người dân hồi hương.
Vừa qua Cục Hàng không đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về kế hoạch khai thác trở lại các đường bay nội địa trong giai đoạn dịch bệnh và dự kiến chia cảng hàng không, sân bay tại các tỉnh thành theo 3 vùng cơ bản.
Người có nhu cầu di chuyển bằng máy bay giữa 3 vùng sẽ phải đảm bảo đáp ứng được một số các điều kiện đặc thù như tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19, giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ so với giờ bay, giấy chứng nhận hoàn thành cách ly,...
“Kế hoạch này nhằm đảm bảo nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19; đồng thời duy trì hoạt động vận tải hàng không, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa trong điều kiện một số địa phương đã có kết quả khả quan trong phòng chống dịch và điều chỉnh các biện pháp giãn cách xã hội...”, ông Trịnh Quốc Tuấn cho biết thêm.
Là hãng hàng không đầu tiên thí điểm thực hiện các chuyến bay ứng dụng “Hộ chiếu vaccine” (IATA Travel Pass), ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines khẳng định, đây có thể coi là chìa khóa mở cửa biên giới, tạo điều kiện cho hành khách đi lại thuận lợi giữa các quốc gia, đồng thời đáp ứng yêu cầu nhập cảnh của cơ quan chức năng và chính phủ tại điểm đến.
Hộ chiếu sức khỏe điện tử như IATA Travel Pass là một trong những giải pháp được kỳ vọng nhất để Việt Nam mở cửa biên giới một cách nhanh chóng, an toàn, hỗ trợ ngành du lịch và hàng không sau thời gian bị thiệt hại nặng nề bởi Covid-19.
Việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế tại Phú Quốc sẽ đem đến nhiều hy vọng phục hồi ngành du lịch và các hoạt động sản xuất kinh tế kèm theo.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel, đơn vị chịu thiệt hại nặng nề trên cả 2 lĩnh vực kinh doanh là hàng không và du lịch. Việc nghiên cứu để triển khai hộ chiếu “Hộ chiếu vaccine” đón khách quốc tế đến Phú Quốc sẽ giúp Việt Nam không bị bỏ lại khi các nước xung quanh đã từng bước mở cửa.
Nếu có quy trình và tiêu chí cụ thể, rõ ràng cho tất cả bộ phận, khâu liên quan triển khai giải pháp này thì có thể thí điểm ở Phú Quốc và sau đó mở rộng ra nhiều điểm đến khác đáp ứng tốt yêu cầu. Trong mỗi giai đoạn sẽ cho phép những lĩnh vực nào hoạt động, tiêu chí thế nào, điều kiện được hoạt động.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp đã nỗ lực rất nhiều trong thời gian dịch bệnh để duy trì hoạt động nhằm bảo đảm an sinh xã hội, công việc cho người lao động và uy tín của mình.
Tuy nhiên đến thời điểm này sau 4 đợt bùng phát dịch, các doanh nghiệp gần như “kiệt sức”, cạn nguồn lực và có thể phá sản bất cứ lúc nào. Doanh nghiệp phá sản sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ và vừa, nguồn lực hạn chế.
Dù chưa thể mở cửa trở lại như bình thường nhưng việc khởi động thí điểm nới lỏng một số hoạt động được đánh giá là việc nên làm để doanh nghiệp có thêm kỳ vọng khôi phục. Nhất là những doanh nghiệp còn trụ lại trên thị trường sau thời gian dài khó khăn, khi các doanh nghiệp còn có thể “gượng dậy” được...