Thực trạng quản lý, khai thác du thuyền ở Việt Nam: Kỳ 2 - Phương tiện kiểu 'du thuyền' hoạt động thế nào?

Hiện nay, hoạt động của các loại phương tiện kiểu 'du thuyền' tập trung chủ yếu tại các địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế về biển đảo, sông nước như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh…

Đa dạng hình thức hoạt động

Tại Quảng Ninh, vịnh Hạ Long với vị thế Kỳ quan thế giới, là điều kiện thuận lợi để du lịch bằng du thuyền trên vịnh Hạ Long phát triển mạnh mẽ.

Tàu du lịch, lưu trú trên vịnh Hạ Long

Tàu du lịch, lưu trú trên vịnh Hạ Long

Năm 2020, trên địa bàn Quảng Ninh có 533 chiếc tàu du lịch, trong đó có tới 173 tàu lưu trú, ngủ đêm được đánh giá, xếp hạng sao. Tuy vậy về cơ bản số lượng tàu hiện có đã vượt quá cao, gấp 4 - 5 so với nhu cầu vận chuyển và lưu trú thực tế. Do đó, Quảng Ninh đã xây dựng Kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng đội tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ đạt 100% số lượng tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long được đóng mới, thay thế bằng vỏ thép hoặc vật liệu tương đương. Hàng năm sẽ rà soát, công bố số lượng tàu du lịch được bổ sung trên cơ sở không vượt quá sức tải du lịch được công bố và phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy. Tại vịnh Hạ Long, không vượt quá 520 chiếc (không bao gồm du thuyền khám phá). Tại Vịnh Bái Tử Long, giai đoạn tới năm 2025 sẽ bổ sung 100 tàu.

Mới đây, Quảng Ninh cũng vừa ban hành Quyết định số 43/2024 về việc ban hành Quy định các biện pháp quản lý hoạt động của phương tiện thủy nội địa phục vụ khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, được áp dụng từ 20/10/2024, thay thế cho quy định tạm thời đã được ban hành trước đó. Theo quy định mới, Quảng Ninh phân biệt rõ các loại phương tiện thủy nội địa như: Tàu tham quan, nhà hàng nổi, tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, du thuyền khám phá, xuồng cao tốc, phương tiện phục vụ vui chơi giải trí...

Các biện pháp quản lý phương tiện toàn diện về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, tiện nghi và biện pháp quản lý hoạt động đón trả khách, chạy trên tuyến du lịch phù hợp từng loại hình phương tiện.

Trong khi đó, tại Hải Phòng, địa phương này đã khai thác du thuyền tại vịnh Lan Hạ (Cát Bà) với 9 doanh nghiệp kinh doanh, chủ yếu là dịch vụ du thuyền lưu trú. Tuy vậy, phần lớn các doanh nghiệp này là các đơn vị đã và đang kinh doanh loại hình tương tự trên tại vịnh Hạ Long, trong khi cơ sở hạ tầng cảng bến tại Hải Phòng chưa đáp ứng cũng như chưa có liên kết với tỉnh Quảng Ninh để dừng đỗ du thuyền trên tại các bến trên vịnh Hạ Long, do vậy hiện nay quá trình khai thác còn gặp nhiều khó khăn.

Còn tại Khánh Hòa, kể từ khi Bến cảng Công viên bến du thuyền quốc tế Ana Marina chính thức được phép tiếp nhận tàu thuyền ra, vào kể từ tháng 3/2023 cho đến nay, số lượt tàu thuyền thông qua Bến cảng chủ yếu là phương tiện thủy nội địa mang cấp đăng kiểm VR-SB, số lượng tàu thuyền thường xuyên cập cầu cảng chiếm 20% số mặt bến có thể khai thác. Trong thời gian khai thác thử nghiệm chưa phát sinh các sự cố, tai nạn hàng hải, đảm bảo công tác an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định.

Số liệu thống kê lượt tàu, lượt hành khách thông qua Bến cảng Công viên bến du thuyền quốc tế Ana Marina:

Tại khu vực phía Nam, lượng khách đến tham quan, sử dụng dịch vụ tại bến du thuyền Vũng Tàu Marina bình quân năm 2019 tăng 30% so với năm 2018. Trong đó, doanh thu du lịch tăng 30% đã đánh dấu bước phát triển mạnh về du lịch trong năm 2019, đóng góp rất lớn cho sự phát triển tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Năm 2020, tuy ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng tổng số lượt khách du lịch đến với Vũng Tàu Marina năm 2020 ước đạt 200.000 lượt khách, bình quân đạt 16.600 lượt khách/tháng, bằng 64% so với năm 2019, trong đó khách ngoài tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 160.000 lượt khách, chiếm 80% tổng lượng khách. Hiện nay, bến tạm ngừng tất cả mọi hoạt động bao gồm dịch vụ ăn uống, nhà hàng - giải khát, tour du lịch trên sông Dinh.

Phổ biến được đăng ký theo hình thức phương tiện thủy nội địa chở khách

Du thuyền trên sông Sài Gòn

Du thuyền trên sông Sài Gòn

Theo tìm hiểu, hiện nay hầu hết các phương tiện hoạt động theo mô hình du thuyền phổ biến được đăng ký theo hình thức phương tiện thủy nội địa chở khách với quy mô từ 3 – 12 người. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện nay đội phương tiện thủy nội địa chở khách từ 3 người đến 12 người được đăng ký là 195 tàu, trong đó từ 3 - 5 khách là 10%, từ 6 đến 8 khách là 44% và 9 đến 12 khách là 46%. Tuổi trung bình của phương tiện là 9 tuổi, Công suất từ 8 HP đến 3600 HP chủ yếu là tàu cao tốc chở người.

Tại khu vực Nha Trang (Khánh Hòa), hiện không có phương tiện thủy quốc tịch Việt Nam đăng ký hoạt động là du thuyền tại khu vực quản lý của Cảng vụ hàng hải Nha Trang.

Trong khi đó, phương tiện thủy nội địa mang cấp đăng kiểm VR-SB có hình dáng, kết cấu thân tàu giống với hình dáng, kết cấu của du thuyền hoạt động thường xuyên tại bến du thuyền. Các phương tiện này được đăng ký là phương tiện VR-SB có công dụng là tàu khách, tàu cao tốc chở khách, tàu cao tốc chở người hoặc tàu chở người và đăng ký hoạt động vận tải hành khách du lịch tham quan vịnh Nha Trang (không đăng ký hoạt động theo dạng du thuyền cá nhân).

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có 3 du thuyền đang đăng ký tại Chi cục Hàng hải Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm: Du thuyền Hòa Bình Carrara (của Công ty TNHH MTV Du lịch xanh Phú Quốc); Du thuyền My Little Princess (của Công ty CP Hàng hải Dầu khí Hải Âu); Du thuyền Sunhine (của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Đại Hồng Phát).

Còn tại Đồng Nai, số lượng du thuyền đang hoạt động là 5 chiếc. Các du thuyền này đang neo đậu tại các bến khách thủy nội địa nằm trong vùng nước cảng biển tại khu vực Đồng Nai và đã được Sở GTVT địa phương cấp phép hoạt động theo quy định tại Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa. Các du thuyền hoạt động tại khu vực này đều là các phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SI, VR-SII nên không thuộc đối tượng phải thông báo theo quy định tại khoản 5 Điều 19 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải.

Là đơn vị được Bộ GTVT giao chủ trì xây dựng Đề án quản lý du thuyền (đã được Bộ GTVT phê duyệt), Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hiện nay tại Việt Nam chưa xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý và khai thác du thuyền. Các phương tiện hoạt động theo hình thức, mô hình tương tự như du thuyền trên thế giới có thể đăng ký hoạt động tại Việt Nam theo nhiều phương thức khác nhau như tàu biển, phương tiện thủy nội địa, du thuyền, phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước.

Nhìn chung các quy định trên không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi áp dụng các phương tiện cỡ lớn (chịu điều chỉnh của cả các công ước quốc tế về hàng hải) hoặc kinh doanh vận tải hành khách (đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh). Tuy nhiên với các phương tiện cỡ nhỏ (không chịu điều chỉnh của cả các công ước quốc tế về hàng hải) sử dụng chủ yếu với nhu cầu cá nhân (tần suất thấp, tính riêng tư cao, khu vực hoạt động linh hoạt) đã xuất hiện nhiều tồn tại, hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng, hoạt động của phần lớn tổ chức, cá nhân sở hữu du thuyền.

Có thể kể đến gồm: Về khu vực hoạt động của du thuyền: bị hạn chế khi đăng ký dưới hình thức phương tiện thủy nội địa hoặc phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước.

Về định biên và chứng chỉ thuyền viên: quy định về số lượng và yêu cầu đối với thuyền viên chưa phù hợp với khả năng vận chuyển và tính chất hoạt động của du thuyền, đặc biệt trong trường hợp đăng ký dưới hình thức du thuyền hoặc tàu biển.

Về thủ tục ra, vào cảng, hiện đang áp dụng theo quy trình, thủ tục của các loại tàu, thuyền chở khách thông thường, hạn chế thời gian và không gian hoạt động của loại hình du thuyền.

Về hoạt động neo đậu tại cảng, bến: Chưa có các quy định về khu neo đậu phù hợp với tính chất và thiết kế của du thuyền (kích thước nhỏ, mớn nước không lớn).

Hiện nay, do khái niệm về "du thuyền" còn nhiều hạn chế và các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động này còn chưa hoàn thiện, hoạt động du thuyền tại Việt Nam thường được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm các hoạt động của: Các tàu du lịch biển quốc tế quy mô lớn (cruise) có thể chứa từ vài trăm đến hàng nghìn người với hải trình kéo dài nhiều ngày trên các tuyến du lịch quốc tế cố định thường được gọi là "du thuyền quốc tế";

Các du thuyền cá nhân của khách nước ngoài ghé thăm Việt Nam trên hành trình du lịch hoặc công việc;

Các tàu chở khách du lịch trên các tuyến, khu vực du lịch kết hợp tham quan, nghỉ ngơi (nghỉ đêm trên vịnh), ăn uống v.v…

Các phương tiện tại các khu du lịch, nghỉ dưỡng phục vụ theo nhu cầu riêng biệt (thể thao, câu cá, du lịch, nghỉ dưỡng v.v…)

Các phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước.

Hoạt động của các phương tiện này tập trung chủ yếu tại các địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế về biển đảo, sông nước như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh v.v…

Bình Minh

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/thuc-trang-quan-ly-khai-thac-du-thuyen-o-viet-nam-ky-2-phuong-tien-kieu-du-thuyen-hoat-dong-the-nao-183250106130938588.htm