Giêng, Hai con cá nhảy bờ…

Ngày xưa, ở quê tôi vào cuối tháng Giêng đầu tháng Hai âm lịch, cũng giống như nhiều vùng khác của miền Trung, những cánh đồng lúa đã qua thời cứng sữa. Ấy cũng là lúc mưa đã hết, nắng đã nhiều và nước trên tất cả các đám ruộng đã cạn dần. Nước cạn nên ở những chỗ trũng, cá lần lượt tụ lại. Với bọn trẻ chúng tôi, chuyện đi bắt cá trong mùa ruộng cạn cũng bắt đầu.

Cá đồng có nhiều loại lắm, nào cá tràu, cá rô, nào cá trê, cá ngạnh, cá diếc… Đó là những con cá từ đầu mùa mưa theo nước lên đồng, sinh sôi nảy nở để rồi qua nhiều tháng kiếm mồi, giờ đây con nào con nấy thân hình đều đầy thịt, béo ngậy. Nếu những ngày mưa lụt, trên đồng tuy cá nhiều nhưng muốn bắt phải dùng lờ, nơm, nhũi hay đánh lưới… thì lúc này, trong mùa ruộng cạn mọi thứ đã khác. Ở nhiều chỗ ruộng trũng, cá dồn lại lúc nhúc, con nhỏ, con to, người bắt chỉ cần bước xuống, rẽ lúa rồi cứ thế mò tay trong đám bùn mà bắt.

Ngày xưa, người ta ít dùng thuốc trừ sâu, nên trên đồng ruộng ở vùng nào cá cũng nhiều. Các loại khác như: tôm, cua hay lươn, chạch cũng xuất hiện rất nhiều. Ở một số đám ruộng, đến khi gặt lúa người ta phát hiện ra cá thoát đi không hết, chết khô, phơi xương thành lớp, chưa kể số khác đã trở thành mồi của chồn, cáo, kỳ đà…

Bắt cá đồng mùa nước cạn là thú vui khó tả. Tôi nhớ vào mùa này, hàng ngày tầm gần trưa, sau khi cho trâu ăn no trở về, tôi và mấy đứa bạn trong xóm liền rủ nhau mang giỏ đi bắt cá. Thích lắm! Ngoài chuyện bắt gặp những con cá nhảy bờ, chúng tôi chia ra tìm đến những chỗ ruộng cạn nước. Đồng thì rộng, chẳng cần gì phải tranh giành, chúng tôi đứa nào đứa nấy lặng lẽ rạch lúa, bước xuống. Cá gặp tay người chạy tới, chạy lui thật thích mắt. Nhưng nhờ những vũng ruộng trũng thường không rộng nên dù chúng có chạy mấy, cuối cùng chúng tôi cũng bắt được.

Có chuyện khi kể nhiều người không tin nhưng có thật, đó là chuyện cá nhảy bờ. Về chuyện này, ở quê tôi có câu: Giêng, Hai con cá nhảy bờ/Không nơm, chẳng lờ cũng có cá kho. Theo bản năng sinh tồn, hàng năm, khi phát hiện ra thời tiết chuyển mùa, nắng đã đậm, ruộng bắt đầu cạn, đám cá đồng dù là loại thân tròn, hay thân dẹp, da trơn hay có vảy… tất cả đều tìm cách rút lui từ ruộng cao xuống ruộng thấp, từ chỗ nước nhiều xuống chỗ nước ít để rồi sau đó trở về các sông, suối. Chính vì thế, những nơi có bờ ruộng cao, để thoát đi, những con cá lớn, đặc biệt là cá tràu liền co người, phóng lên, tựa như những vận động viên nhảy cao. Còn những chỗ thấp, các loại cá lách dần, trườn dần. Vì vậy, để bắt chúng, người dân quê tôi thường đào những cái hố nhỏ sâu chỉ vài gang tay, chu vi to nhất cũng chỉ bằng cái rổ đựng rau giữa những cỗ bờ thấp sát với mép nước. Cá khi nhảy hay trườn qua những chỗ này hầu hết đều lọt xuống cái hố nhỏ và nằm chờ ở đó. Trong số các loại cá đang ở dưới ruộng hay nhảy lên bờ, đối với bọn nhỏ chúng tôi loại khó bắt nhất là cá ngạnh và cá trê. Đây là những giống cá tuy chậm chạp, không vùng quẫy như cá rô, cá tràu nhưng da của chúng lúc nào cũng trơn, hai bên mang của chúng có hai cái vi rất nhọn và cứng, nếu không biết cách dễ bị chúng đâm cho, đau kêu thấu trời. Có đứa bị đâm, về nhà phát sốt mấy ngày mới khỏi. Vì vậy, để bắt chúng, chúng tôi phải kiếm một gùi rơm hay cỏ, nhẹ nhàng ấn đầu chúng xuống rồi mới nắm chặt. Có lần, từ cái bờ ruộng bên cạnh, tôi nghe thằng Lân, bạn tôi la to. Mấy đứa chúng tôi liền chạy tới vì tưởng nó bị rắn cắn hay đạp nhằm thứ gì. Hóa ra không phải như vậy, mà trời ạ, ở dưới chân nó là một con cua to đùng đang ngọ nguậy. Con cua này từ ruộng cao bò qua bờ để xuống ruộng thấp, nào ngờ bị rơi xuống cái hố nhỏ do thằng Lân đào sẵn, không thể lên được. Tôi chưa từng thấy con cua nào to như vậy, cái mai của nó bè ra trông như cái nắp vung nhỏ, đen sì. Thằng Lân la to vì không biết cách nào để bắt. Lần đó, chúng tôi cùng giúp sức và thằng Lân đã trói được con cua lạ mang về nhà. Cả xóm xúm lại coi. Những người lớn tuổi giải thích, đây là con cua sống nhiều năm dưới sông, trong đợt lụt trước đã vào đồng và bị kẹt lại.

Chuyện cá nhảy bờ trong mùa ruộng cạn thường chỉ kéo dài chừng mười lăm đến hai mươi ngày, nhưng vui. Vui nhất là khi mang những giỏ cá về đổ ra rổ. Càng vui hơn nữa khi bữa cơm được dọn ra có món cá nướng hay món cá kho lá nghệ hoặc lá gừng, thơm lừng…

HOÀNG ANH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202003/tan-van-gieng-hai-con-ca-nhay-bo-8152688/